Doanh nghiệp là tâm điểm chính sách
Trúng cử đại biểu Quốc hội (QH) khóa XV, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của QH Phan Đức Hiếu dành nhiều tâm huyết đóng góp ý kiến cho báo cáo phát triển kinh tế - xã hội cuối năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025 do Chính phủ trình QH ở kỳ họp thứ nhất. Nhắc lại phương châm “cứu doanh nghiệp (DN) như cứu người bệnh”, ông Phan Đức Hiếu cho rằng phải bắt đầu ngay từ việc bảo đảm thông thương hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất, không để tình trạng ách tắc kéo dài khi nhiều nơi phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Trước mắt, phải có sự công nhận giữa các địa phương về yêu cầu kết quả xét nghiệm âm tính với vi-rút SARS-CoV-2 đối với lái xe chở hàng, tiến tới hình thành kênh cung cấp thông tin kịp thời, minh bạch về các yêu cầu chống dịch từ T.Ư đến địa phương để người dân, DN biết và chủ động thực hiện. Chấm dứt ban hành quy định làm tăng chi phí cho DN, trường hợp đã ban hành thì hoãn thực hiện. Đáng lưu ý, đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư đã khiến chi phí hoạt động của DN tăng rất mạnh, Chính phủ cần tính đến giải pháp miễn, giảm thuế thay vì chỉ giãn, hoãn. Trong hỗ trợ phát triển DN cần có tư duy mới, không chỉ là rà soát, sửa đổi những quy định gây cản trở cho hoạt động sản xuất, kinh doanh mà phải thực hiện gỡ bỏ.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất QH xây dựng và ban hành Nghị quyết tổng thể về các chính sách hỗ trợ DN và người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 cho cả giai đoạn 2021 - 2025 và tổ chức một số chương trình giám sát để kịp thời đánh giá, nâng cao hiệu quả của các gói hỗ trợ. VCCI cũng mong muốn Chính phủ sớm xây dựng các gói chính sách hỗ trợ DN phục hồi và mở rộng đầu tư kinh doanh cho giai đoạn mới. Theo đó, cần hỗ trợ tập trung, đúng đối tượng và đúng nhu cầu, có chính sách hỗ trợ riêng cho các DN bị ảnh hưởng trực tiếp như ngành du lịch, vận tải, dệt may, da giày, giáo dục - đào tạo và các DN có quy mô nhỏ, siêu nhỏ. Trước tình hình khó khăn của DN, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết đang xây dựng gói hỗ trợ mới về thuế, phí cho DN với quy mô khoảng 24 nghìn tỷ đồng, sớm trình Chính phủ xem xét và xin ý kiến Ủy ban Thường vụ QH.
GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5% đến 7%
Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tổng quát là bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 6,5% đến 7%, cao hơn mức bình quân của 5 năm giai đoạn 2016 - 2020. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: Trong quá trình thực hiện, Chính phủ quyết tâm phấn đấu đạt các chỉ tiêu ở mức cao nhất, đồng thời chủ động chuẩn bị các phương án để kịp thời thích ứng với những biến động của tình hình thực tế. 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể được đặt ra nhằm hiện thực hóa các mục tiêu này. Đó là: Tập trung thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; khẩn trương triển khai chiến lược vắc-xin, phấn đấu đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021, đầu năm 2022. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, nâng cao khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế. Tăng cường huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực.
Bàn chuyện phát triển trong trung hạn nhưng các chuyên gia kinh tế lại cho rằng trong tình thế dịch Covid-19 bùng phát mạnh và khó dự báo như đang xảy ra với biến thể Delta, các giải pháp điều hành ngắn hạn phải được ưu tiên hàng đầu. TS Nguyễn Minh Cường, chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam lưu ý, kết quả kiểm soát dịch bệnh, trước mắt là tốc độ thực hiện chiến lược tiêm chủng, sản xuất vắc-xin sẽ có tính chất quyết định đến sự phục hồi và phát triển kinh tế Việt Nam năm 2021 cũng như những năm tiếp theo. Vì vậy, chi đầu tư cho y tế là vấn đề cần được ưu tiên hàng đầu trong lúc này để nâng cao năng lực phòng, chống dịch Covid-19. Cần có kế hoạch dành vốn đầu tư cho hoạt động chống dịch trong cả giai đoạn 5 năm, tăng chi cho mua, sản xuất vắc-xin.
Đây cũng là cách đặt vấn đề của ông Phan Đức Hiếu khi luận bàn về phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới. Ông cho rằng, bối cảnh hiện nay đã rất khác, năm 2021, Việt Nam có thể không đạt 100% chỉ tiêu QH giao nhưng vẫn có thể tạo dư địa, động lực cho tăng trưởng nhanh và bền vững cho những năm tiếp theo. Và đó chính là nền tảng vững chắc cho sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 gồm 23 chỉ tiêu chủ yếu, tăng hai chỉ tiêu so giai đoạn 2016 - 2020. Một số chỉ tiêu quan trọng gồm: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5% đến 7%; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng đạt khoảng 45%; bội chi ngân sách nhà nước bình quân 3,7% GDP; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1% đến 1,5%/năm; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số.
Nguồn: Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội
giai đoạn 2021 - 2025 được thông qua tại Kỳ họp thứ nhất QH khóa XV