Tạo dựng thương hiệu gà đồi Yên Thế

Trong một dịp về Yên Thế gặp mấy ông bạn từ Quảng Ninh sang, trong bữa cơm gia đình ông bạn cứ khen mãi món thịt gà quê thịt chắc, ăn thơm chứ không bã, nhạt như món gà công nghiệp. Ông bạn còn khoe ở Quảng Ninh bây giờ cũng có khối quán gà đồi có thương hiệu hẳn hoi. Hôm ngồi nói chuyện với ông Bùi Hải, Bí thư Huyện ủy Yên Thế, ông nói: Ở Yên Thế năm nay có tới 90% số hộ nông dân nuôi gà đồi, giống địa phương; đàn gà ở Yên Thế bây giờ đã lên tới hơn ba triệu con. Ðây chưa phải là con số cuối cùng, vì nhu cầu thị trường đòi hỏi ngày càng lớn, có cầu ắt có cung. Ông Hải khẳng định: Gà đồi Yên Thế đã lên ngôi đầu trong phát triển chăn nuôi của huyện.

Ðể làm rõ đề án "Phát triển chăn nuôi gà đồi" ở huyện miền núi Yên Thế, Trưởng phòng Kinh tế Ðoàn Hiệp Cường cho biết: Ðể hình thành, đưa được đề án phát triển đàn gà địa phương vào cuộc sống phải có vai trò đóng góp quan trọng của hệ thống khuyến nông và thú y từ huyện tới thôn bản, hoạt động tốt, có hiệu quả. Nuôi gà vốn là việc bình thường của mỗi hộ nông dân. Nhưng, nuôi gà đồi có sản lượng hàng hóa lớn không đơn giản.

Yên Thế là huyện miền núi, trong đó diện tích đồi rừng chiếm hơn 70% diện tích tự nhiên. Ðời sống của đồng bào các dân tộc còn không ít khó khăn. Những năm trước đây, cuộc sống của người dân chủ yếu trông vào nông nghiệp, mà trồng trọt là chính. Năm 2000, chăn nuôi chiếm tỷ lệ 18%. Thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp hàng hóa, Yên Thế quyết tâm đưa chăn nuôi  lên thành ngành chính, tạo ra sản phẩm hàng hoá lớn trong nông nghiệp. Là huyện miền núi nhưng Yên Thế có lợi thế đường giao thông nối với các thành phố lớn như Hà Nội, Thái Nguyên, Lạng Sơn... Diện tích đồi rừng rộng, dân cư thưa, môi trường sạch, dịch bệnh ít, thuận cho việc chăn nuôi gia cầm.

Qua điều tra cơ bản năm 2006, toàn huyện đã có hơn 1,4 triệu con gà. Trong huyện đã có hàng trăm hộ nuôi gà thả đồi với số lượng hàng nghìn con. Từ thực tế, UBND huyện đã xây dựng đề án: phát triển gà đồi giống địa phương. Giống gà địa phương của Yên Thế được lai tạo tự nhiên từ các giống gà ri, gà Ðông Cảo, gà Hồ. Gà địa phương Yên Thế chân vàng, lông đỏ, mào đỏ, da vàng, thịt chắc và thơm, trọng lượng mỗi con chỉ 1,5 - 2,5kg. Ðây là giống gà đang được thị trường ưa chuộng. Ðã có nhiều nhà hàng ở Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Nguyên ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho các hộ chăn nuôi ở xã Hồng Kỳ, Ðồng Lạc...

Ðể chăn nuôi gà địa phương phát triển bền vững, Yên Thế tập trung giải quyết ba yêu cầu cơ bản là: giống, thức ăn cho gà, công tác thú y phòng trừ  dịch bệnh. Hệ thống khuyến nông của huyện đã tổ chức mỗi xã có từ 3 đến 5 hộ nhận đăng ký gây giống. Ðàn giống được chọn lọc kỹ, các hộ nuôi giống có từ 200 con trở lên được huyện hỗ trợ 50% giá con giống và tiêm vắc-xin phòng bệnh, kinh phí học tập kỹ thuật chăn nuôi gà giống. Hộ nuôi 2.000 gà giống, huyện hỗ trợ máy ấp trứng. Trong năm 2007, toàn huyện đã có 14 xã có đàn gà giống, cung cấp đủ trứng cho 19 điểm có máy ấp trứng bảo đảm kỹ thuật. Huyện đã tự cung ứng 70% giống gà địa phương cho các hộ chăn nuôi. Huyện phấn đấu gây dựng đàn gà giống để đến năm 2010 cung cấp cho thị trường trong huyện năm triệu con gà con để nuôi gà thương phẩm. Ðây là biện pháp cơ bản đầu tiên để bảo đảm chất lượng, uy tín của gà đồi Yên Thế.

Có giống gà tốt phải có thức ăn và kỹ thuật chăn nuôi đúng, chất lượng gà thương phẩm mới bảo đảm. Qua nghiên cứu thử nghiệm, Trung tâm Khuyến nông của huyện đã xây dựng được quy trình sản xuất thức ăn và kỹ thuật nuôi gà địa phương. Trung tâm Khuyến nông đã mở 100 lớp bồi dưỡng kỹ thuật chăn thả gà đồi cho 100% số xã với hàng vạn lượt nông dân theo học. Hôm chúng tôi đến nhà bà Nguyễn Thị Ðông, ở xã vùng cao Canh Nậu, gia đình bà có 5.000 m2 đồi cây vải. Hiện gia đình nuôi 2.000 con gà, trong đó có 1.000 gà xuất chuồng vào dịp Tết Mậu Tý, còn 1.000 gà con để kế tiếp đàn.  Bà Ðông cho biết: Ðối với gà con giai đoạn đầu cho ăn cám công nghiệp, sau 15 đến 20 ngày chuyển sang cho ăn ngô xay, thóc nguyên chất không pha trộn. Gà thả tự do chạy trên đồi dốc, còn tự tìm sâu bọ, côn trùng ăn thêm. Cách chăn thả và quy trình cho ăn bảo đảm thịt gà chắc, thơm, gà béo da vàng mà thịt không nhạt.

Chăn nuôi gà vấn đề nan giải là dịch bệnh, nhưng từ nhiều năm gần đây do môi trường chăn nuôi thoáng rộng, dân cư phân tán, nên đàn gia cầm ở Yên Thế không xảy ra dịch bệnh. Ðể triển khai đề án phát triển chăn nuôi gà địa phương, huyện đã giao trách nhiệm cho Trạm Thú y huyện xây dựng hệ thống thú y cho 21 xã, thị trấn và 203 thôn, bản. Trạm trưởng Thú y xã có phụ cấp do tỉnh cấp, còn thú y thôn, bản kinh phí do dân góp và huyện hỗ trợ. Hệ thống thú y hoạt động liên tục trong năm. Huyện hỗ trợ hơn một tỷ đồng để mua vác-xin tiêm phòng cho cả đàn gia cầm, gia súc định kỳ, thú y còn phun thuốc phòng dịch cho 100% số hộ chăn nuôi. Ðặc biệt, địa hình chăn thả gà đồi có độ dốc cao, nên khi mưa phân gà và rác bẩn đều được rửa trôi, môi trường nuôi thả gà luôn sạch. Do công tác quản lý dịch bệnh, tiêm phòng và vệ sinh môi trường tốt, từ năm 2004 đến nay Yên Thế không xảy ra dịch cúm gà.

Ðề án phát triển nuôi gà đồi giống địa phương ở Yên Thế đã đạt được kết quả, hàng nghìn hộ nông dân ở miền núi đã thoát nghèo, nhiều hộ như ông Phú ở Tam Tiến, ông Hưng, ông Cường... ở xã Canh Nậu mỗi năm thu từ 200 đến 300 triệu đồng từ nuôi gà. Nhưng để đạt mục tiêu hơn năm triệu con gà thương phẩm vào năm 2010 đưa chăn nuôi đạt tỷ trọng 38 - 40% trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp, Yên Thế còn nhiều việc phải làm. Ðàn gà càng lớn, công tác quản lý giống thú y phòng dịch bệnh càng phức tạp. Hiện tại đàn gà nuôi theo hộ gia đình, mạnh ai người nấy làm, thị trường tiêu thụ bấp bênh, người chăn nuôi dễ bị đổ bể. Chăn nuôi lớn cần phải có sự hợp tác, liên kết để có đủ lực cạnh tranh trên thị trường. Ðặc biệt có tổ chức mới tập hợp được người chăn nuôi thực hiện đúng quy trình kỹ thuật từ khâu giống, thức ăn và có đủ khả năng phòng, chống dịch; có một tổ chức hợp tác còn giúp cho người tiêu thụ có địa chỉ tin cậy giao dịch thuận lợi cho cả người bán và người mua.

Xã hội ngày càng phát triển, đời sống của các tầng lớp nhân dân ngày một nâng lên, nhu cầu thực phẩm có chất lượng, vệ sinh an toàn ngày càng đòi hỏi cao. Ðề án phát triển gà đồi giống địa phương ở Yên Thế là hướng đi đúng, phù hợp với nông dân ở một huyện miền núi. Ðể đàn gà thương phẩm ở Yên Thế phát triển bền vững, huyện cần quản lý tốt khâu giống, thức ăn, phòng trừ dịch bệnh. Có như vậy, uy tín gà đồi Yên Thế mới giữ được lâu bền, góp phần xóa đói, giảm nghèo, làm giàu cho bà con dân tộc miền núi vùng cao.