Tạo dựng giá trị văn hóa học đường

Những năm qua, công tác xây dựng văn hóa học đường có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một bộ phận học sinh, sinh viên, nhà giáo có những biểu hiện lệch chuẩn về đạo đức, lối sống văn hóa, hành vi ứng xử trên bình diện xã hội và môi trường học đường.
0:00 / 0:00
0:00
(Ảnh minh họa: THÀNH ĐẠT)
(Ảnh minh họa: THÀNH ĐẠT)

Ở một số địa phương, công tác xây dựng văn hóa học đường chưa được các cấp, các ngành quan tâm đúng mức, thường xuyên; việc thực hiện còn mang tính hình thức, chưa đi vào chiều sâu; sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội và các tổ chức đoàn thể trong trường học thiếu chặt chẽ.

Thực tế cho thấy nội dung, hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục văn hóa học đường ở một số nơi còn bất cập, thiếu hấp dẫn, chậm đổi mới. Cơ sở vật chất, cảnh quan môi trường của nhiều cơ sở giáo dục chưa xanh, sạch, đẹp. Ý thức giữ gìn môi trường của một bộ phận học sinh, sinh viên còn hạn chế; tình trạng bạo lực học đường, bệnh thành tích, sự thiếu trung thực trong giáo dục chưa được khắc phục triệt để...

Hơn lúc nào hết, vấn đề xây dựng và phát triển văn hóa học đường cần được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng của toàn ngành giáo dục, tại mỗi địa phương và từng cơ sở giáo dục, đào tạo. Ở đó, con người phải là trung tâm phát triển, được quán xuyến trong tất cả các hoạt động của nhà trường. Hiện ngành giáo dục đang triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, tập trung phát triển phẩm chất và năng lực của người học, lấy việc dạy người làm nội dung trọng tâm.

Đây được coi là giải pháp toàn diện để củng cố, gia tăng tố chất văn hóa và phát triển con người. Trong đó, văn hóa học đường là môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục người học trở thành những con người phát triển đức-trí-thể-mỹ, có lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, có ý thức và trách nhiệm cao với đất nước, với gia đình và bản thân. Văn hóa học đường thể hiện qua hai phương diện quan trọng, đó là tạo dựng các giá trị văn hóa và củng cố, phát triển các quy tắc ứng xử.

Vì vậy, thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tập trung thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về xây dựng văn hóa trong trường học; tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, khơi dậy khát vọng cống hiến, nâng cao sức khỏe học đường cho học sinh, sinh viên và xây dựng xã hội học tập. Toàn ngành và mỗi cơ sở cần rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công tác giáo dục văn hóa học đường, bảo đảm bám sát kế hoạch và nội dung của chương trình giáo dục phổ thông mới...

Tại các địa phương, cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý, chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ trong xây dựng văn hóa học đường thuộc phạm vi quản lý; bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường. Công tác xây dựng văn hóa học đường phải là hoạt động thường xuyên, liên tục; tạo điều kiện thuận lợi để phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa hiện có phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí lành mạnh, an toàn của học sinh, sinh viên...