Tạo đột phá từ công tác cán bộ

Làm cán bộ lãnh đạo ở địa phương, có quan hệ họ hàng, làng xóm thân thiết với nhiều người, cho nên nhiều vấn đề không được giải quyết dứt điểm, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Cần Kiệm (huyện Thạch Thất, Hà Nội) Nguyễn Tuấn Chinh (bên phải) trao đổi công việc với cán bộ Ủy ban nhân dân xã. (Ảnh MỸ HÀ)
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Cần Kiệm (huyện Thạch Thất, Hà Nội) Nguyễn Tuấn Chinh (bên phải) trao đổi công việc với cán bộ Ủy ban nhân dân xã. (Ảnh MỸ HÀ)

Nhìn rõ những hạn chế này, Thành ủy Hà Nội đang quyết liệt điều động, luân chuyển cán bộ với mục tiêu đến năm 2025 có 50% bí thư, chủ tịch xã không phải là người địa phương. Ðến nay, công tác này bước đầu khẳng định hiệu quả.

Từ năm 2021 về trước, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, xã Cần Kiệm (huyện Thạch Thất, Hà Nội) vẫn còn một số hạn chế về dồn điền đổi thửa, giải phóng mặt bằng, quản lý đất đai… chưa được giải quyết dứt điểm, do cán bộ chủ chốt xã là người địa phương cho nên chưa thật sự quyết liệt. Nhìn rõ “điểm nghẽn” này, Huyện ủy Thạch Thất đã quyết định điều động Bí thư Ðảng ủy xã Bình Phú Nguyễn Hữu Hải sang làm Bí thư Ðảng ủy xã Cần Kiệm; điều chuyển Phó trưởng Phòng Tài nguyên-Môi trường huyện Nguyễn Tuấn Chinh về làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã. Nhân sự mới, nhiệt huyết mới cùng cách làm bài bản, quyết liệt đã giúp Cần Kiệm có nhiều chuyển biến rõ nét. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nguyễn Tuấn Chinh cho biết, thời gian đầu, môi trường làm việc mới khiến anh bỡ ngỡ, nhưng cọ xát thực tế đã giúp anh có động lực phấn đấu tốt hơn.

Ở xã Vân Tảo (huyện Thường Tín), Bí thư Ðảng ủy xã Nguyễn Thanh Liêm cho biết, anh từng công tác tại xã Tự Nhiên từ năm 2004 và là Bí thư Ðảng ủy xã từ năm 2017. “Gắn bó với địa phương lâu năm cũng có nhiều thuận lợi, vì tôi nắm rõ được phong tục, tập quán, sinh hoạt của người dân, nhưng vì là “người nhà” nên khi có việc liên quan họ hàng, người thân, nếu xử lý không hài hòa thì lần sau đến chơi các cụ “cấm cửa” ngay. Với những trường hợp như thế, tôi phải đề nghị cán bộ xã đứng ra giải quyết”, đồng chí Liêm chia sẻ. Chính vì vậy, khi được điều động sang xã Vân Tảo từ tháng 7/2022, đồng chí thấy công việc thuận lợi hơn.

Ðây là hai trong số hàng chục xã của thành phố Hà Nội có chuyển biến rõ nét từ chủ trương bố trí, sắp xếp bí thư, chủ tịch Ủy ban nhân dân xã không phải người địa phương của Thành ủy Hà Nội. Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Ðức Bảo cho biết, trước đây việc điều động lãnh đạo giữa các xã với nhau rất khó. Có đồng chí sau hai nhiệm kỳ làm bí thư đảng ủy, sau đó lại “xin” làm chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, dẫn đến trì trệ, cản trở sự phát triển của địa phương.

Thực tế tại các nơi để xảy ra sai phạm, nội bộ mất đoàn kết hầu hết đều do năng lực cán bộ không đáp ứng yêu cầu. Nhận diện rõ những hạn chế này, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Quy định số 07-QÐ/TU ngày 17/11/2021 về “Luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố”. Trong đó, thành phố luân chuyển cán bộ trẻ, trong quy hoạch, có năng lực, triển vọng phát triển giữa các ban, ngành, sở, cơ quan, đơn vị; các quận, huyện, thị xã thuộc thành phố; giữa các xã, phường, thị trấn thuộc cùng quận, huyện, thị xã và mục tiêu đặt ra đến năm 2025, 50% bí thư, chủ tịch xã không phải là người địa phương. Ðây chính là cơ sở pháp lý cho các địa phương thực hiện.

Quy định cũng chỉ rõ, căn cứ quy hoạch cán bộ, nhu cầu công tác và năng lực, sở trường của cán bộ, cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền xây dựng kế hoạch luân chuyển cán bộ thuộc phạm vi quản lý. Ðịnh kỳ hằng năm, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải ban hành và công khai kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác đối với người có chức vụ, quyền hạn theo thẩm quyền quản lý cán bộ. Ban Thường vụ các cấp ủy phải xây dựng đề án, công khai thảo luận, bảo đảm làm minh bạch, không có ngoại lệ. Ðến nay, hầu hết các huyện của Hà Nội đều đã thực hiện luân chuyển, có nơi đạt tỷ lệ 70% bí thư, chủ tịch xã không phải là người địa phương.

Trưởng Ban tổ chức Huyện ủy Thường Tín Vũ Văn Tuân cho biết, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt để quán triệt cụ thể yêu cầu về công tác luân chuyển. Ban Tổ chức đánh giá, rà soát, xây dựng phương án nhân sự cho các xã có cán bộ trong diện sắp xếp, điều động. Kết quả năm 2022, huyện Thường Tín đã điều động, bố trí được 12 đồng chí bí thư và 10 chủ tịch Ủy ban nhân dân xã không phải là người địa phương.

Trong khi đó, cả nhiệm kỳ 2015-2020, cả huyện mới điều động được hai đồng chí bí thư và hai đồng chí chủ tịch, do một số cấp ủy nhận thức chưa đầy đủ về công tác luân chuyển, nhất là những vị trí chủ chốt. Ðiều đáng nói là tất cả những xã sau khi luân chuyển, điều động đều đạt kết quả tích cực trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, nội bộ đoàn kết hơn.

Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Mê Linh Lỗ Xuân Hòa chia sẻ, trước đây, khi được điều động, một số cán bộ thường lấy hết lý do này đến lý do khác như tuổi đã cao, sức khỏe không tốt, rồi xa nhà, đi lại không tiện để từ chối. Bây giờ đã có Quy định 07 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, sẽ không còn cớ nào “chối” nữa. Lãnh đạo Huyện ủy Mê Linh cho biết, trên địa bàn huyện có đồng chí nhiều năm làm bí thư, rồi “luân chuyển” xuống làm chủ tịch xã, nên tính dân chủ không cao, thậm chí nhiều việc duy ý chí, dẫn đến đơn thư phức tạp. Trong khi đây là địa bàn trọng điểm, thời gian tới triển khai nhiều dự án quan trọng, nếu cứ duy trì nhân sự cũ thì sẽ khó thực hiện thành công nhiệm vụ của địa phương. Ðồng chí này năng lực tốt, nếu đưa về địa bàn khác vẫn sẽ phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên khi đặt vấn đề, đồng chí phản đối vì cho rằng đã quen thuộc, gắn bó nhiều năm ở chỗ cũ. Lãnh đạo Huyện ủy thấy rằng phải thay đổi ngay và Thường trực Huyện ủy đã trực tiếp gặp gỡ, trao đổi thẳng thắn, rồi thực hiện quy trình luân chuyển. Thực tế sau khi điều động luân chuyển, cả hai địa bàn và hai đồng chí bí thư xã đều đang phát huy tốt. “Từ thực tế cho thấy, nếu bí thư, chủ tịch Ủy ban nhân dân xã đều không nên là người địa phương sẽ thuận hơn rất nhiều...”. Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Mê Linh Lỗ Xuân Hòa nói.

Từ những kết quả đã đạt được, thời gian tới thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh chủ trương luân chuyển cán bộ. Năm 2023, Ủy ban kiểm tra các cấp sẽ giám sát về việc này nhằm tạo thêm sức ép cho Ban thường vụ các địa phương vào cuộc quyết liệt hơn, không còn tình trạng né tránh đùn đẩy, “dĩ hòa vi quý”. Bên cạnh đó, Ban Tổ chức Thành ủy sẽ xây dựng đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp xã để nâng cao chất lượng cho đội ngũ này, chủ động nguồn cho công tác điều động luân chuyển trong nhiệm kỳ tới, với mục tiêu tạo chuyển biến đột phá hơn từ cơ sở.