Tạo bước chuyển trong giáo dục trẻ khuyết tật

Trong những năm gần đây, công tác giáo dục trẻ khuyết tật (TKT) ở Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định. Việc giáo dục TKT nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng sống để trẻ hòa nhập cộng đồng, có khả năng sống tự lập và đóng góp cho sự phát triển chung của cả cộng đồng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn nhiều TKT chưa được tiếp cận giáo dục do điều kiện kinh tế còn khó khăn, cơ sở vật chất chưa đầy đủ…

Giờ học làm quen với chữ nổi của học sinh Trường Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội). Ảnh: Duy Linh
Giờ học làm quen với chữ nổi của học sinh Trường Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội). Ảnh: Duy Linh

Tăng nhanh số TKT đến trường

Theo PGS, TS Phạm Minh Mục, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục đặc biệt (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam), năm 1996 cả nước có 42 nghìn TKT được đi học thì năm 2015 có hơn 500 nghìn TKT được đến trường (tăng hơn 10 lần). Số TKT đi học không chỉ tập trung ở cấp mầm non và tiểu học, trung học, mà một số còn đang học ở trình độ đào tạo như dạy nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học (CĐ, ĐH). Mạng lưới các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên cho giáo dục TKT được hình thành và phát triển. Hiện nay trên cả nước đã có một số trường ĐH, CĐ sư phạm mở mã ngành đào tạo Sư phạm Giáo dục đặc biệt.

Trong thời gian qua, ngành giáo dục đã có những nỗ lực trong công tác nghiên cứu và giáo dục người khuyết tật nói chung và giáo dục TKT nói riêng. Việc cung cấp thiết bị, đồ dùng, phương tiện bảo đảm cho việc thực hiện giáo dục người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục ngày càng được quan tâm và đầu tư một cách hợp lý, thiết thực. Từ năm 2005 đến nay đã có hơn 10 trung tâm và hơn 70 phòng hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập TKT được thành lập mới và được nâng cấp từ cơ sở giáo dục chuyên biệt. Các trung tâm, phòng nêu trên đã hoạt động có hiệu quả trong hỗ trợ trực tiếp cho TKT, chuyển giao kiến thức, kỹ năng chăm sóc, giáo dục TKT. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT), đã có 71.873 trẻ mẫu giáo, 52.606 học sinh tiểu học, 14.073 học sinh THCS, hơn 2.300 học sinh THPT là TKT được đến trường. Nhiều học sinh khuyết tật tốt nghiệp CĐ, ĐH. Nhiều hình thức tổ chức lớp học linh hoạt với các đối tượng TKT khác nhau.

TS Nguyễn Thị Thanh (Trường mầm non thực hành Hoa Sen, thuộc Trường CĐ Sư phạm T.Ư, Hà Nội) cho biết: Trong nhiều năm qua, công tác giáo dục hòa nhập của trường đã tạo điều kiện cho một bộ phận TKT trên địa bàn được đến trường thuận lợi. Số TKT vào học của trường là 317 em. Trong quá trình triển khai công tác giáo dục hòa nhập cho TKT, trường luôn tổ chức môi trường học tập thân thiện để các em đều được học hòa nhập trong tất cả các hoạt động, tạo niềm tin cho phụ huynh và xã hội về chất lượng chuyên môn giáo dục hòa nhập tại trường. Đối với TKT, ngoài trách nhiệm của một giáo viên, những thầy giáo, cô giáo còn phải có tình yêu thương trẻ vì các em cần nhiều hơn nữa sự quan tâm chăm sóc đặc biệt. Trong khi đó, phụ huynh Trương Hữu có con bị khuyết tật đang học tại Trường mầm non thực hành Hoa Sen chia sẻ: “Động lực lớn nhất đối với các bậc cha mẹ là khi thấy các cháu được đến trường hòa nhập, tự tin bước vào trường tiểu học, theo kịp các bạn. Chủ trương giáo dục hòa nhập là hoàn toàn đúng đắn, từ khi học với các bạn bình thường, con trai tôi tiến bộ hẳn lên, các bạn giúp đỡ cháu rất nhiều”.

Còn đó những khó khăn

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả và thành tích đã đạt được, công tác giáo dục TKT còn đối diện với nhiều khó khăn và thách thức. Trưởng phòng GD và ĐT quận Ngô Quyền (Hải Phòng) Lương Văn Thuấn cho biết: Khó khăn lớn nhất là đội ngũ cán bộ giáo viên để dạy và can thiệp sớm cho trẻ vì các cháu còn nhỏ lại ở các dạng tật khác nhau… Để giải quyết vấn đề này, Phòng GD và ĐT mở rất nhiều cuộc tập huấn, các lớp bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên giảng dạy. Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Quốc Toản (quận Ngô Quyền, Hải Phòng) Bùi Thị Lệ Hằng chia sẻ, khi dạy học sinh khuyết tật, đội ngũ giáo viên trong trường gặp rất nhiều khó khăn. Cơ chế cho giáo viên dạy hòa nhập chưa có, lớp học đông học sinh cho nên khó khăn trong việc vừa giảng dạy các cháu bị khuyết tật vừa giảng dạy các cháu bình thường. Ở trong lớp, mỗi lần có một cháu “tăng động” thì cô phải dừng việc giảng bài để dỗ dành các cháu hoặc đưa các cháu ra ngoài để tránh ảnh hưởng các bạn trong lớp.

Bên cạnh đó, nhiều chính quyền địa phương, nhà trường, cán bộ, giáo viên chưa thấy trách nhiệm mà còn coi việc chăm sóc, giáo dục TKT chỉ như việc làm thêm, từ thiện và các em chỉ có thể học tập tại các cơ sở giáo dục trẻ chuyên biệt. Bộ GD và ĐT cho biết dù đã chỉ đạo triển khai giáo dục TKT trên toàn quốc, song chỉ những trường ở những vùng thuận lợi, được sự hỗ trợ của các tổ chức khác nhau triển khai thực hiện và chủ yếu tiếp nhận TKT nhẹ và trung bình. TKT nặng ở những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa chưa có nhiều cơ hội đến trường. Hầu hết đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục các cấp đã được bồi dưỡng kiến thức về giáo dục TKT và quản lý chuyên môn trong trường hòa nhập nhưng chưa đủ nên khi triển khai thực hiện còn gặp nhiều khó khăn. Số lượng giáo viên bồi dưỡng, đào tạo chuyên môn giáo dục TKT mới chỉ đáp ứng 15% số TKT được đi học và tập trung ở những nơi có chương trình dự án. Ngoài ra, cơ sở vật chất cho giáo dục TKT còn thiếu về số lượng và kém về chất lượng, các cơ sở giáo dục hòa nhập TKT chưa có những trang thiết bị cần thiết để dạy học như sách giáo khoa chữ nổi cho học sinh khiếm thị, sách dạy phát âm và ngôn ngữ ký hiệu cho học sinh khiếm thính, thiết bị dạy học đặc thù, các dụng cụ luyện tập và phục hồi chức năng cho TKT trí tuệ…

Bộ GD và ĐT đặt ra mục tiêu đến năm 2020 cả nước có 75% người khuyết tật được học hòa nhập. Để thực hiện, theo các chuyên gia giáo dục cần có một số giải pháp cơ bản như đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo dục đủ về số lượng, đáp ứng về chất lượng. Đồng thời, phát triển hệ thống hỗ trợ giáo dục TKT, bảo đảm kinh phí của Nhà nước và các tài trợ cho việc thực hiện các mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể trong giáo dục TKT; triển khai chương trình hành động thực hiện các giải pháp kỹ thuật đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục TKT. Đặc biệt, chú trọng nâng cao nhận thức cho cán bộ lãnh đạo và giáo viên nhà trường về trách nhiệm xã hội của ngành giáo dục với TKT.

Việc chăm sóc, giáo dục, giảng dạy học sinh khuyết tật phải được thiết kế đặc biệt. Cần phải điều chỉnh nội dung chương trình, phương pháp giáo dục linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với nhu cầu riêng biệt của mỗi học sinh thiệt thòi, bị khiếm khuyết một phần cơ thể. Chính tình yêu thương, sự sẻ chia sâu sắc với những cuộc đời bất hạnh đã và sẽ giúp các nhà giáo, cán bộ quản lý vượt qua muôn vàn khó khăn vất vả để hoàn thành nhiệm vụ. Sự tiến bộ của các em mỗi ngày chính là niềm hạnh phúc của mỗi nhà giáo.

Nguyễn Thị Nghĩa

Thứ trưởng Bộ GD và ĐT