Họa sĩ Đào Anh Khánh:

Tặng tranh để bảo tồn văn hoá dân tộc

NDO -

NDĐT - Tặng tác phẩm để bán đấu giá phục dựng ngôi nhà Lang trăm tuổi, công trình văn hóa hiếm hoi còn lại của đồng bào dân tộc Mường bị cháy năm 2013, bởi mục đích bảo tồn văn hóa dân tộc tại bảo tàng Không gian văn hóa Mường (Hòa Bình). Đó là suy nghĩ của họa sĩ Đào Anh Khánh, một trong 50 nghệ sĩ nhiệt tình góp nghệ thuật, trước thềm triển lãm và tổ chức bán đấu giá tại Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam từ 23 đến 25-11.

Tác phẩm của họa sĩ Đào Anh Khánh tặng để bán đấu giá phục dựng nhà Lang
Tác phẩm của họa sĩ Đào Anh Khánh tặng để bán đấu giá phục dựng nhà Lang

- Anh có suy nghĩ gì khi tặng tác phẩm của mình cho bảo tàng Không gian văn hóa Mường?

- Về tác phẩm của mình, tôi tặng một bức tranh sơn mài cho bảo tàng Không gian văn hóa Mường và rất vui vì tham gia chương trình có ý nghĩa này. Tôi mong tác phẩm của mình bán được, mang lại ý nghĩa thực tế để góp phần biến ước mơ phục dựng nhà Lang thành hiện thực, chứ không phải là hành động góp tranh theo kiểu phong trào.

-Điều gì khiến anh sẵn sàng tặng tranh như vậy?

- Tôi có đánh giá hai yếu tố như thế này. Về con người chủ thể, họa sĩ Vũ Đức Hiếu có chất dân tộc, có tính chân thật, chân thành trong làm việc. Về mục đích của Hiếu thì có sự thống nhất với con người anh ta. Hiếu đã và đang hướng tới những mục đích tốt và ngày càng rộng lớn hơn. Từ đó cũng góp phần khiến cho các nghệ sĩ tặng tranh cảm thấy phải đóng góp cái gì thiết thực chứ không màu mè.

Tặng tranh để bảo tồn văn hoá dân tộc ảnh 1

Chân dung họa sĩ Đào Anh Khánh – tác phẩm của họa sĩ Lê Quảng Hà tặng để bán đấu giá phục dựng nhà Lang.

- Còn có nhiều họa sĩ khác tặng tác phẩm cho bảo tàng, anh có nhận xét gì về sự tham gia đông đảo đó?

- Điều đáng mừng là xem một số tác phẩm của một số nghệ sĩ gửi tặng bảo tàng và họa sĩ Vũ Đức Hiếu, tôi thấy mọi người tặng tác phẩm có chất lượng nghệ thuật. Và như vậy, cũng thể hiện giá trị thương mại nhất định. Nhìn rộng ra việc tặng tác phẩm hay những hoạt động đồng hành khác, tôi nghĩ, mọi cái phải phù hợp cho mục tiêu của chương trình là phục hồi di sản nhà Lang.

- Việc tổ chức bán đấu giá tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ nhằm phục hồi di sản văn hóa, có thể nói là còn hiếm hoi. Anh có đánh giá gì về chương trình này?

- Tôi nghĩ bất cứ nghệ sĩ nào nghĩ đến việc đóng góp cho sự liên kết giữa các nghệ sĩ với nhau, giữa nghệ sĩ với cộng đồng, đều rất đáng khuyến khích, đáng trân trọng ở Việt Nam.

Nếu sự liên kết đó được đẩy lên, sẽ là cơ hội lớn cho sự phát triển mạnh mẽ và phong phú trong tương lai. Thực ra, sự phát triển lẻ tẻ vẫn có những công hiệu của nó. Nhưng tạo được tính cộng đồng trong giai đoạn hiện nay sẽ tạo nên sức mạnh vượt trội.

Tôi rất trân trọng những hoạt động như vậy.

- Xin cảm ơn anh!

Họa sĩ Đào Anh Khánh: Tôi chưa có hoạt động nghệ thuật nào cụ thể ở bảo tàng của Hiếu. Nhưng tôi biết, Hiếu đã có nhiều hoạt động, chương trình tại đó với sự hỗ trợ cho nhiều nghệ sĩ trong việc sáng tác. Điều đó rất có ý nghĩa. Cũng như Hiếu đã từng thực hiện nhiều việc để thành lập bảo tàng và gây dựng ở đây một không gian văn hóa nhằm bảo tồn và phục vụ cho cộng đồng đến với văn hóa Mường.

Chia sẻ của một số họa sĩ tặng tác phẩm phục dựng nhà Lang:

Họa sĩ Phạm An Hải:

“Mua tác phẩm – Việc nên làm”

Tác phẩm tôi tặng bảo tàng được sáng tác độc lập, không liên quan gì đến nhà Lang. Nhưng khi biết có chương trình của bảo tàng, tôi góp phần ủng hộ và mong tác phẩm bán được để đóng góp càng thiết thực. Bán đấu giá tranh lấy tiền ủng hộ phẫu thuật nụ cười, xây nhà chống lũ…, chúng tôi đã làm. Vì thế hoạt động lần này, với tôi, cũng không phải là mới mẻ. Mong sẽ có các nhà hảo tâm mua tác phẩm trên tinh thần ủng hộ, đó chính là việc gìn giữ bản sắc dân tộc, một việc rất nên làm.

Họa sĩ Nguyễn Quang Huy:

“Không chỉ với các nghệ sĩ”

Tôi nghĩ rằng nhiều tác phẩm sẽ bán được, nhất là khi nhiều tác giả tham gia chương trình này, đều có tranh bán được ngoài thị trường. Và không chỉ với các nghệ sĩ, tôi mong mọi người có điều kiện, cảm xúc và đánh giá tốt việc phục dựng nhà Lang đến đâu thì góp sức đến đó.

Họa sĩ Phạm Ngọc Minh:

“Ý nghĩa tinh thần nhân đôi”

Có thể nói là lần đầu tiên các tác phẩm hội họa, điêu khắc được “phục vụ” cho di sản. Cũng là lần đầu tiên tôi tham gia hoạt động này. Tác phẩm được tôi chọn để ủng hộ, cũng nhằm đưa ra tiếng nói nghệ thuật của mình. Với tôi, đó là việc có ý nghĩa tinh thần nhân đôi và đóng góp hữu ích cho chân giá trị của văn hóa.