Ở nhiều quốc gia trên thế giới, công nghiệp văn hóa đã và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp không nhỏ cho GDP, đồng thời, góp phần quan trọng trong việc định hình và quảng bá hình ảnh đất nước. Ở châu Á, Hàn Quốc là quốc gia rất thành công trong việc phát triển công nghiệp văn hóa với làn sóng Hallyu (sự phổ biến và gia tăng toàn cầu của văn hóa Hàn Quốc), đóng góp đáng kể cho nền kinh tế quốc gia. Tương tự, tại Nhật Bản, doanh thu hằng năm của ngành công nghiệp văn hóa chiếm khoảng 7% doanh thu nền kinh tế và thu hút 5% nhân công toàn quốc. Tại châu Âu, ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3% GDP mỗi năm và tạo công việc cho khoảng 6 triệu người.
Tại Việt Nam, ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đang nỗ lực rút ngắn khoảng cách cạnh tranh với các nền công nghiệp văn hóa trên thế giới. Phổ biến, triển khai Chiến lược Văn hóa Việt Nam đến năm 2030, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có trọng tâm, trọng điểm để phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, phấn đấu vào năm 2030, doanh thu đóng góp 7% GDP. Với xấp xỉ 100 triệu dân, Việt Nam là thị trường giàu tiềm năng cho các sản phẩm công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn là nhiều sản phẩm công nghiệp văn hóa của Việt Nam còn thiếu sự độc đáo, tính ứng dụng chưa cao nên khó tạo được sức hấp dẫn cho người Việt. Ðiều này cũng phần nào lý giải tại sao dù doanh thu điện ảnh, du lịch, thời trang có phần khởi sắc song thị trường văn hóa trong nước vẫn tiếp tục bị các sản phẩm công nghiệp văn hóa ngoại nhập chiếm ưu thế. Trong khi đó, những năm gần đây, thu nhập của người dân không ngừng được nâng lên, nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao và đa dạng. Ðây vừa là cơ hội nhưng cũng vừa là thách thức, đòi hỏi phải tăng sức hút, sự đa dạng cho các sản phẩm công nghiệp văn hóa trong nước, nhằm thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ và tiêu dùng văn hóa của mọi tầng lớp nhân dân. Từ đó góp phần kích cầu tiêu dùng trong nước bằng các sản phẩm công nghiệp sáng tạo Make in Viet Nam.
Ðể làm được điều này, trước tiên cần đánh giá đúng tiềm năng của ngành công nghiệp văn hóa, xác định đây là ngành mũi nhọn để có sự đột phá về chủ trương, chính sách, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các ngành chức năng trong việc triển khai. Ðồng thời, cần có cơ chế đầu tư tài chính, thu hút vốn và hình thành môi trường thúc đẩy sự sáng tạo văn hóa, đưa sáng tạo thành yếu tố cốt lõi trong việc tạo ra các sản phẩm công nghiệp văn hóa có tính ứng dụng và cạnh tranh. Cùng với đó là đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng khoa học công nghệ, tạo sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại trong các sản phẩm công nghiệp văn hóa. Ðặc biệt, cần chú trọng chiến lược đào tạo con người với tư cách là chủ thể sáng tạo; không ngừng thúc đẩy dấu ấn cá nhân trong các sản phẩm.