Tăng số giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn khung tham chiếu châu Âu

NDO -

NDĐT- Sau năm năm thực hiện Đề án “Dạy và học ngoài ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” do Chính phủ phê duyệt, ngành giáo dục tỉnh Hà Nam đã có những thành công bước đầu. Đến nay, tỉnh Hà Nam có 1.150 giáo viên tiếng Anh có trình độ đạt chuẩn theo khung tham chiếu châu Âu, tăng gần 600 người so với năm 2011.

Giờ học tiếng Anh của học sinh trường THCS Thanh Lư, Hà Nam.
Giờ học tiếng Anh của học sinh trường THCS Thanh Lư, Hà Nam.

Xác định ngoại ngữ là môn học đặc thù, ngoài học viết còn phải bảo đảm các kỹ năng quan trọng khác như: Nghe, nói, đọc, song với mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là khả năng ngoại ngữ đáp ứng quá trình hội nhập và phát triển, năm năm qua, tỉnh Hà Nam tập trung đầu tư đồng bộ về thiết bị, đội ngũ giáo viên để nâng cao chất lượng giảng dạy môn tiếng Anh.
Về đầu tư cơ sở vật chất, ngành giáo dục đã trích một phần lớn kinh phí đầu tư từ ngân sách tỉnh khoảng 52,4 tỷ đồng và kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia khoảng 19,1 tỷ đồng trang bị 377 phòng học chức năng cho các nhà trường ở cả ba cấp học (tiểu học, THCS, THPT) với hơn 1.000 thiết bị cơ bản phục vụ các yêu cầu tối thiểu của việc dạy và học ngoại ngữ. 100% các trường tiểu học, THCS, các khối và học sinh các lớp 3,4,5,6,7 toàn tỉnh đã được học chương trình ngoại ngữ 10 năm, tiến hành dạy thử nghiệm chương trình này cho học sinh lớp 8,9,10,11,12 đối với một số trường THCS và THPT. Đồng thời, thường xuyên tổ chức cho giáo viên dạy ngoại ngữ sinh hoạt chuyên môn, tham dự các hội thảo, hội thi giáo viên dạy giỏi, xây dựng và nhân rộng mô hình trường điển hình về đổi mới dạy học ngoại ngữ, tăng cường kiểm tra, đánh giá học sinh theo chương trình mới và khuyến khích học sinh tham gia các cuộc thi Olimpic tiếng Anh...

Qua đó, ý thức học tập môn tiếng Anh của học sinh ở cả ba cấp học đều tăng. Chất lượng học tiếng Anh, nhất là kỹ năng nghe, nói được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt năng lực ngoại ngữ bậc 1 là trên 90%, tỷ lệ học sinh nghe và nói tiếng Anh đạt yêu cầu là hơn 90%, bảo đảm mục tiêu của chương trình tiếng Anh tiểu học. Nhận thức của cán bộ, giáo viên, các cấp quản lý và toàn xã hội đối với việc dạy và học ngoại ngữ có nhiều chuyển biến tích cực. Việc đầu tư đồng bộ thiết bị và sử dụng hiệu quả thiết bị dạy và học được các nhà trường quan tâm bố trí đủ phòng để lắp thiết bị.

Theo thầy Nguyễn Văn Hồi, Hiệu trưởng Trường THPT huyện Lý Nhân: Thiết bị dạy học đồng bộ đã đáp ứng điều kiện của phương pháp dạy học hiện đại, dạy học tương tác. Đó là bảng tích hợp thông minh, tích hợp bảng viết có đẩy đủ chức năng sử dụng font chữ, cỡ chữ, bút xóa bình thường, xóa cả trang và đặc biệt là chức năng bài giảng vào một file, tạo môi trường tương tác toàn diện. Có thư viện tài nguyên rộng lớn và đầy đủ công cụ hỗ trợ giúp giáo viên soạn giáo án, nâng cao hiệu quả của bài giảng.

Cô giáo Trần Thị Khánh Linh, giáo viên môn tiếng Anh Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Phủ Lý, chia sẻ: Thiết bị dạy ngoại ngữ hiện đại góp phần giúp giáo viên tương tác tốt với công nghệ thông tin và truyền thông khi giảng bài trên lớp. Khuyến khích sáng tạo và linh hoạt, giáo viên có thể vẽ và giải thích rõ ràng những thông tin đưa ra. Có thể chia sẻ và sử dụng những tài liệu đã dạy giúp cho giáo viên giảm thiểu đáng kể công sức soạn giảng. Tạo hứng thú cho giáo viên thay đổi phương pháp sư phạm và sử dụng công nghệ thông tin nhiều hơn, khuyến khích nâng cao chuyên môn, nâng cao hứng thú và động lực học tập cho học sinh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Đề án cũng bộc lộ những hạn chế như: năng lực truyền đạt, giảng dạy của một số giáo viên ngoại ngữ chưa đáp ứng yêu cầu của khung chương trình mới, chất lượng giáo viên không đồng đều, ở một số trường còn thiếu giáo viên dạy ngoại ngữ, các trường được chọn xây dựng mô hình điển hình còn nhiều lúng túng trong việc chỉ đạo thực hiện, chất lượng, cơ sở vật chất và hệ thống trang thiết bị chưa cao, học sinh chưa được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa và không có môi trường giao tiếp tiếng Anh phù hợp.

Đồng chí Bùi Quang Cẩm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, cho rằng: Đề án quốc gia được triển khai đại trà trên địa bàn tỉnh Hà Nam thể hiện sự quyết tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, là một trong những khâu đột phá trong thực hiện nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục phổ thông, tạo điều kiện đến năm 2020 tăng tỷ lệ thanh - thiếu niên Hà Nam có đủ năng lực sử dụng ngoại ngữ một cách độc lập và tự tin trong giao tiếp, học tập và làm việc trong môi trường đa ngôn ngữ, đa văn hóa, biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Hà Nam.

Để việc thực hiện Đề án trở thành một bước đột phá trong dạy và học ngoại ngữ, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội, nhất định phải tuân thủ đúng phương châm: chất lượng, thực chất, có đủ các điều kiện cần thiết về con người, nguồn lực tài chính, lộ trình hàng năm và cả giai đoạn, khả năng triển khai thực tế của ngành giáo dục và địa phương.

Ngành giáo dục cần kiểm tra, đánh giá đúng thực trạng dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền về sự cần thiết và tầm quan trọng của việc dạy và học ngoại ngữ, góp phần thực hiện mục tiêu của Đề án đến năm 2020 các sinh viên có trình độ từ trung cấp trở lên được đào tạo phải có trình độ, khả năng giao tiếp trong môi trường hội nhập đa ngôn ngữ.