Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Bùi Xuân Thống:

Tăng liên kết vùng, tạo đột phá phát triển kinh tế

NDO -

Qua nghiên cứu Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Bùi Xuân Thống cho rằng: Để các tỉnh, thành phố ở “lõi” vùng kinh tế trọng điểm phía nam phát triển nhanh, bền vững thì không gian gắn kết giữa các địa phương trong vùng, đặc biệt hạ tầng giao thông cần có sự đầu tư đồng bộ hơn, tạo động lực thúc đẩy phát triển. 

Đại biểu Bùi Xuân Thống góp ý kiến về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, tại phiên thảo luận tổ.
Đại biểu Bùi Xuân Thống góp ý kiến về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, tại phiên thảo luận tổ.

Theo dõi những nội dung trọng tâm trong những ngày làm việc Kỳ họp thứ hai tuần qua, đại biểu Bùi Xuân Thống bày tỏ đồng tình các báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế thẳng thắn chỉ ra những mặt tồn tại, hạn chế trong cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, nhất là những nguyên nhân chủ quan.

Đại biểu nêu: Phải nói rằng để thực hiện kế hoạch đạt được hay không ngoài nguyên nhân khách quan, thì sự chủ quan rất quan trọng. Nếu nhìn thấy được và đề ra giải pháp khắc phục như trong báo cáo thẩm tra chỉ ra thì trong thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 kỳ vọng sẽ đạt được nhiều kết quả.

Đại biểu Bùi Xuân Thống dẫn thực tiễn ở Đồng Nai, hiện nay khó khăn nhất trong việc cơ cấu lại đầu tư công. Đó là vấn đề giải ngân vốn đầu tư công.

“Quy trình, thủ tục còn rất phức tạp, dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian gần đây chỉ đạo quyết liệt, thành lập các tổ công tác để thúc đẩy, tháo gỡ vướng mắc và hướng dẫn ngay cả trong cách hiểu, áp dụng pháp luật khác nhau từ các bộ, ngành trung ương tới địa phương thực hiện giải ngân vốn đầu tư công”, Đại biểu Bùi Xuân Thống nói thêm.

Ông cho rằng, về lâu dài, thể chế và các chính sách, quy trình trong đầu tư công cần tiếp tục được rà soát để rút ngắn hơn; đồng thời quá trình thực hiện cần gắn trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu, cơ quan có liên quan.

Tăng liên kết vùng, tạo đột phá phát triển kinh tế -0
Quang cảnh buổi thảo luận. 

Đại biểu Bùi Xuân Thống lấy thí dụ, như hiện nay từ thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, đền bù giải phóng mặt bằng dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành, qua báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai từ lúc ban đầu đến khi ban hành được quyết định thu hồi đất phải 300 ngày làm việc.

“Như vậy, mất quá nhiều thời gian, công sức, nếu chúng ta rút ngắn được thời gian, chắc chắn sẽ tiết kiệm được rất lớn về ngân sách, nhân lực cũng như tiến độ của dự án”, ông nói.

Vấn đề nữa được đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai quan tâm phản ánh trong quy hoạch vùng, phát triển đô thị. Đồng Nai nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam, nhưng quy hoạch vùng, liên kết vùng trong thời gian vừa qua còn mờ nhạt, dẫn đến chưa tạo thành được sức mạnh của vùng, tạo đột phá cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

“Trong đó, quan trọng nhất là quy hoạch và thể chế đầu tư cho đặc thù vùng, dù đã có, nhưng việc triển khai trong thực tiễn vừa chậm, vừa rất khó khăn, theo kiểu mạnh ai người đó làm”, đại biểu Bùi Xuân Thống nói.

Thực tế các tỉnh, thành phố chưa liên kết được với nhau những vấn đề lớn về kinh tế, chưa phát huy thế mạnh của vùng. Do vậy, trong kế hoạch cơ cấu lại kinh tế giai đoạn 2021-2025, nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri mong muốn với các mục tiêu, giải pháp đặt ra Chính phủ tiếp tục quan tâm hơn và có giải pháp đầu tư cho các vùng kinh tế trọng điểm.

Đặc biệt, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cho rằng, thời gian tới cần có cơ chế hiệu quả giúp các địa phương phối hợp chặt chẽ với nhau thực hiện đúng quy hoạch vùng, gắn với phát triển kinh tế trong vùng, phát huy thế mạnh tiềm năng của từng vùng và địa phương.

Đại biểu Quốc hội Bùi Xuân Thống cho rằng, để các tỉnh, thành phố ở lõi vùng kinh tế trọng điểm phía nam, gồm: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển nhanh, bền vững thì không gian gắn kết giữa các địa phương này, đặc biệt hạ tầng giao thông cần có sự đầu tư một cách đồng bộ hơn để tạo ra động lực thúc đẩy sự phát triển.

“Khi đó sẽ giảm chi phí của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong lưu thông hàng hóa và kết nối được giữa vùng kinh tế trọng điểm phía nam với các vùng kinh tế trọng điểm khác”.

Tuy nhiên, theo đại biểu, để có được điều này, sự quan tâm đầu tư các nguồn lực từ Trung ương là hết sức quan trọng, trong đó đặc biệt là các dự án về hạ tầng giao thông kết nối giữa các vùng cần phải được triển khai đồng bộ và phải có sự quyết liệt trong chỉ đạo, thực hiện.

Thực hiện tốt những nội dung này, đại biểu Bùi Xuân Thống cho rằng sẽ ngày càng thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn hàng đầu trên thế giới sử dụng công nghệ hiện đại, nguồn nhân lực chất lượng cao, không thâm dụng lao động và thân thiện với môi trường đầu tư sản xuất kinh doanh, góp phần phát huy hơn thế mạnh, vai trò đầu tàu kinh tế cả nước của vùng kinh tế trọng điểm phía nam trong thời gian tới.