Theo thông báo của Nhà trắng, tại Israel, điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du (từ ngày 13/7), Tổng thống Biden sẽ nhấn mạnh cam kết vững chắc của Mỹ đối với an ninh và thịnh vượng, cũng như sự hội nhập của Israel ở khu vực Trung Đông. Ông Biden cũng đến Bờ Tây để tham vấn với Chính quyền Palestine và khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ đối với giải pháp hai nhà nước và nỗ lực mở ra các cơ hội cho người Palestine. Điểm dừng chân cuối cùng, tại Saudi Arabia, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận quốc tế, trong bối cảnh thời gian qua quan hệ hai nước gặp trắc trở do nhiều bất đồng. Tại Saudi Arabia, Tổng thống Mỹ sẽ tham dự Hội nghị cấp cao của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC).
Chia sẻ trong một bài viết được đăng trên tờ Washington Post ngay trước chuyến công du, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh, chuyến thăm sẽ mở ra một chương mới đầy hứa hẹn trong chính sách của Mỹ đối với Trung Đông, đồng thời thúc đẩy các lợi ích quan trọng của Mỹ tại khu vực này. Giới chuyên gia nhận định, với nguồn tài nguyên dầu mỏ dồi dào và nhu cầu tiêu thụ hàng hóa hàng đầu thế giới, khu vực Trung Đông đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Mỹ và toàn cầu trong những thập niên tới.
Thực tế thời gian qua, mối quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia không "xuôi chèo mát mái" do những bất đồng liên quan vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi hồi năm 2018. Trong bài viết có tiêu đề "Tại sao tôi đến Saudi Arabia" đăng trên tờ Washington Post, ông Biden thừa nhận nhiều người không đồng tình với chuyến công du Saudi Arabia của mình, song ông khẳng định Saudi Arabia là đối tác chiến lược của Mỹ và là quốc gia có ảnh hưởng đến lợi ích chiến lược của Washington.
Chuyến công du của Tổng thống Biden diễn ra trong bối cảnh Mỹ đối mặt thách thức lớn do giá năng lượng leo thang, nhất là sau khi xung đột ở Ukraine nổ ra, gây gián đoạn nguồn cung năng lượng toàn cầu. Áp lực lạm phát đã buộc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng mạnh lãi suất cơ bản, dấy lên quan ngại nền kinh tế hàng đầu thế giới rơi vào suy thoái. Hạ giá năng lượng được cho là chìa khóa quan trọng giúp vực dậy nền kinh tế Mỹ. Trong khi đó, Saudi Arabia là quốc gia xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, đồng thời là thành viên có vị trí quan trọng trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và GCC.
Vì vậy, nhiều nhà phân tích cho rằng, chuyến thăm Saudi Arabia của Tổng thống Mỹ có thể giúp xua đi màn sương mù bao phủ quan hệ giữa hai nước thời gian qua, đồng thời tranh thủ tiếng nói của Riyadh trong thuyết phục các nước xuất khẩu dầu mỏ tăng sản lượng khai thác, từ đó hạ nhiệt các "cơn sốt" về giá nhiên liệu và lạm phát ở Mỹ. Điều này còn có ý nghĩa lớn hơn trong bối cảnh Tổng thống Biden cần "ghi điểm" khi cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ, dự kiến diễn ra tháng 11 tới. Ông Biden khẳng định, trong khuôn khổ chuyến thăm sẽ gặp các nhà lãnh đạo Saudi Arabia nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược dựa trên lợi ích và trách nhiệm chung, trong khi vẫn bảo đảm tuân thủ các giá trị cơ bản của nước Mỹ; đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của nguồn cung năng lượng từ Trung Đông trong bối cảnh hiện nay.
Một trong những mục tiêu quan trọng khác trong chuyến công du Trung Đông của Tổng thống Mỹ là nỗ lực hòa giải quan hệ phức tạp giữa các quốc gia trong khu vực, trong đó có quan hệ giữa Israel và Saudi Arabia. Ông Biden cho biết sẽ là Tổng thống Mỹ đầu tiên bay thẳng từ Israel đến Jeddah của Saudi Arabia. Ông hy vọng chuyến bay là biểu tượng cho tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Israel và cộng đồng Arab, trong đó Mỹ đóng vai trò then chốt.
Giới chuyên gia nhận định, chuyến công du Trung Đông của Tổng thống Mỹ là bước đi cần thiết, tiếp tục khẳng định các cam kết của Washington với các đồng minh và thể hiện quyết tâm tăng cường vị thế tại khu vực.