Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 đến nay, các doanh nghiệp logistics đã thể hiện vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện các Hiệp định tự do thương mại (FTA) thế hệ mới. Khối lượng vận tải hàng hóa của Việt Nam đã tăng 17,4% trong giai đoạn 2017-2021, từ mức 1,38 tỷ tấn lên 1,63 tỷ tấn. Năm 2022, tổng khối lượng vận tải hàng hóa ước đạt hơn 2 tỷ tấn, tăng 23,7% so năm 2021.
Doanh nghiệp trong nước vẫn lép vế
Phó Cục trưởng Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Thanh Hải cho biết: Sau hơn 5 năm triển khai Quyết định số 200/QÐ-TTg, nhận thức, quan điểm về vai trò và tiềm năng phát triển ngành dịch vụ logistics đã được nâng cao ở tất cả các cấp từ Trung ương đến địa phương. Ðiều này được thể hiện rõ trong hàng loạt chủ trương, quy định chính sách được ban hành để tạo hành lang pháp lý và môi trường kinh doanh thông thoáng, lành mạnh thúc đẩy hoạt động logistics ngày càng phát triển bền vững.
Trong giai đoạn 2017-2022, hệ thống hạ tầng logistics và hạ tầng giao thông cũng được đầu tư phát triển nhanh, phát huy hiệu quả; nhiều công trình lớn, hiện đại được đưa vào khai thác. Việc tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông có trọng tâm, trọng điểm đã góp phần tái cơ cấu hợp lý lĩnh vực vận tải, bảo đảm kết nối hài hòa và phát huy thế mạnh của từng phương thức vận tải, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ logistics thời gian qua được cải thiện đáng kể. Cụ thể, số doanh nghiệp logistics đăng ký thành lập mới trong chín tháng năm 2022 là 5.500 doanh nghiệp, tăng 30,4% về số lượng, 85% về số vốn đăng ký và 24,6% về số lao động so cùng kỳ năm 2021. Mặc dù số lượng doanh nghiệp không tăng nhiều nhưng số vốn tăng mạnh và quy mô lao động giảm phần nào, cho thấy tín hiệu tích cực của xu hướng hiện đại hóa quy trình nhằm giảm phụ thuộc vào lao động chân tay tại các doanh nghiệp logistics.
Hiện nay, số lượng doanh nghiệp logistics trong nước chiếm khoảng 89%, doanh nghiệp liên doanh chiếm khoảng 10%; 1% còn lại là doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia với các tên tuổi lớn trong danh sách 50 công ty logistics lớn nhất thế giới như DHL, Kuehne + Nagel, DSV, DB Schenker,...
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), một số doanh nghiệp Việt Nam như Transimex, Sotrans, Tân Cảng Sài Gòn,... đã trở thành những doanh nghiệp kinh doanh logistics lớn, cung cấp dịch vụ 3PL, đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài và đã có chi nhánh hoặc đại diện tại nhiều thị trường trên thế giới.
Ngoài ra, Việt Nam cũng có 63 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics trong nước đã được Cơ quan quản lý hoạt động hàng hải của Mỹ (FMC) cấp phép cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường biển đi và đến Mỹ, phục vụ đắc lực cho phát triển thương mại giữa Việt Nam và Mỹ. Tuy nhiên, dù doanh nghiệp trong nước đang vượt trội về số lượng, nhưng lại chỉ chiếm khoảng 30% thị phần, còn lại thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài vì doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu có quy mô nhỏ, hạn chế về vốn, nhân lực cũng như kinh nghiệm hoạt động quốc tế, chưa có sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng giữa doanh nghiệp dịch vụ logistics và doanh nghiệp xuất, nhập khẩu.
Các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu cung cấp các dịch vụ logistics nội địa, bao gồm: vận tải nội địa, giao nhận, kho bãi, thủ tục hải quan, giám định hàng hóa,... So với doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam đang nắm giữ nhiều cơ sở hạ tầng, tài sản phục vụ hoạt động logistics, đồng thời có lợi thế am hiểu tập quán kinh doanh và khách hàng nội địa, nhưng hoạt động còn đơn lẻ, năng lực tài chính, quản trị còn hạn chế, chỉ phục vụ trong từng phân khúc nhất định mà thiếu sự kết nối xuyên suốt để cung cấp dịch vụ logistics tích hợp.
Tạo điều kiện để doanh nghiệp vươn lên
Giải thích về sự lép vế của doanh nghiệp logistics Việt Nam, theo ông Trần Thanh Hải, điểm yếu là chi phí dịch vụ còn cao, chất lượng cung cấp một số dịch vụ tương đối thấp trong điều kiện thị trường hiện nay có sự cạnh tranh gay gắt. Bởi phần lớn doanh nghiệp trong nước đều hạn chế về quy mô và vốn, về kinh nghiệm, trình độ quản lý, khả năng áp dụng công nghệ thông tin, đồng thời nguồn nhân lực còn thiếu hụt, nhất là nhân viên kinh doanh, công nghệ thông tin và điều phối khai thác vận tải, kho hàng.
Tại hầu hết các doanh nghiệp, trình độ người lao động chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động quốc tế, thiếu kiến thức, kỹ năng về logistics. Một lý do quan trọng khác là doanh nghiệp thiếu đầu mối nguồn hàng do Việt Nam chủ yếu xuất FOB và nhập CIF. Ðây sẽ là những thách thức lớn đối với sự phát triển của ngành cũng như các doanh nghiệp logistics Việt Nam trong giai đoạn tới.
Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang thay đổi toàn bộ viễn cảnh của ngành dịch vụ kho bãi và phân phối hàng hóa trên toàn thế giới. Trong khi đó, các doanh nghiệp logistics Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa với tiềm lực tài chính, công nghệ hạn chế, thiếu kinh nghiệm... cho nên chưa có cơ hội vươn ra thị trường có nhu cầu lớn. Nếu chỉ cung cấp các dịch vụ kho vận đơn thuần mà không tích hợp thành quá trình, chuỗi dịch vụ, người cung ứng dịch vụ khó có thể thỏa mãn khách hàng về mặt chi phí cũng như khả năng đáp ứng nhanh của nhu cầu xuất, nhập khẩu.
Do đó, để hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển dịch vụ logistics thời gian tới, trước hết, việc khơi thông thị trường logistics rất cần thiết, tạo điều kiện đưa doanh nghiệp Việt Nam nhanh chóng vươn lên, bắt kịp trình độ phát triển của thế giới. Khi có cơ hội tiếp xúc với nước ngoài, học hỏi được nhiều kinh nghiệm, các doanh nghiệp logistics trong nước cần chủ động xây dựng chiến lược phát triển bài bản, từng bước mở rộng phạm vi và quy mô hoạt động, đem lại dịch vụ chất lượng cao với chi phí thích hợp cho khách hàng, tăng cường khả năng thích ứng với rủi ro của chuỗi cung ứng, theo dõi chặt chẽ, bám sát diễn biến của thị trường thế giới để có giải pháp ứng phó phù hợp, kịp thời.
Các bộ, ngành, địa phương và cả doanh nghiệp cần tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực logistics ở tất cả các cấp, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết; đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm thay đổi sự trì trệ, tạo đột phá nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí. Các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp Việt Nam cần quán triệt quan điểm liên kết để cùng phát triển, chung tay kiến tạo hệ sinh thái logistics xanh, chuỗi cung ứng bền vững trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông phân phối; tăng tính chủ động nguồn nguyên liệu, giảm phụ thuộc nhập khẩu và chú trọng nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu, tránh xuất khẩu các sản phẩm, hàng hóa sơ chế, có khối lượng lớn nhưng giá trị thấp gây ảnh hưởng đến chi phí logistics.
Báo cáo của VLA đánh giá, trong bối cảnh hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin đóng vai trò rất quan trọng trong cả tiến trình xử lý chuỗi logistics, bảo đảm kết nối chặt chẽ giữa các bên tham gia cũng như kiểm soát hiệu quả về mặt thời gian, chi phí, chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên, do phần lớn doanh nghiệp logistics Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa với số vốn hạn chế, cho nên thường gặp khó khăn liên quan đến chi phí đầu tư chuyển đổi số, dẫn đến việc ứng dụng công nghệ thông tin vẫn còn ở mức chưa cao, chủ yếu tập trung ở lĩnh vực khai báo hải quan hoặc theo dõi, giám sát phương tiện.
Phó Chủ tịch thường trực VLA Ðào Trọng Khoa kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan hỗ trợ ngành logistics nguồn vốn để phát triển công nghệ, chuyển đổi số trong khuôn khổ chương trình hành động quốc gia về logistics. Vì hiện nay các doanh nghiệp logistics trong bối cảnh mới cần có năng lực quản lý dòng hàng hóa quốc tế và để có thể cạnh tranh cần sớm triển khai các hệ thống so tính năng kỹ thuật cao nhằm tham gia tốt hơn vào nền tảng giao nhận vận tải toàn cầu đang vận hành.