Với chủ đề: “Thúc đẩy sáng kiến địa phương - Tăng cường hợp tác đa phương”, diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tuyến với 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh. Diễn đàn có sự tham gia của các diễn giả là các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước đang làm việc về các nội dung liên quan đến phát triển bền vững cho đồng bằng sông Cửu Long.
Diễn đàn gồm 3 nội dung chính: Phiên đầu về định hướng quy hoạch - cơ hội cho sự thịnh vượng và phát triển bền vững cho đồng bằng sông Cửu Long. Phiên tiếp theo của diễn đàn công bố, giới thiệu các sáng kiến, đề xuất năng lượng thích ứng biến đổi khí hậu được lựa chọn. Phiên cuối thảo luận bàn tròn về tăng cường hợp tác đa phương, cũng như phát động kêu gọi, tìm kiếm sáng kiến cho Diễn đàn đồng bằng sông Cửu Long năm 2022.
Diễn đàn được tổ chức cùng thời gian diễn ra Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) tại Glasgow (Vương quốc Anh) từ 31/10 đến 12/11. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã truyền đạt cam kết mạnh mẽ của Đảng và Chính phủ Việt Nam về khí hậu với mục tiêu phấn đấu đạt Net-zero vào năm 2050.
Ông Giorgio Aliberti, Đại sứ Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam cũng chia sẻ: “Hội nghị COP26 lần này có một thách thức kép đó là tăng cường nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời vượt qua và phục hồi một cách bền vững hơn sau đại dịch Covid-19. EU và Việt Nam đang có những cam kết mạnh mẽ tại COP26”.
Ông cũng chỉ ra những sự tương đồng với đồng bằng sông Cửu Long, nơi phải đối mặt với những thách thức như sụt lún đất, xói mòn bờ biển, nước biển dâng, nhiễm mặn, mất rừng ngập mặn và các vấn đề về quản lý chất lượng nước, cát dưới lòng sông và nước ngầm...
Nền kinh tế và sinh kế của người dân cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Điều này kêu gọi cần có hành động tập thể mạnh mẽ của tất cả các bên liên quan để khắc phục và phục hồi bền vững hơn. Team Europe, bao gồm EU và các Quốc gia thành viên sẽ tiếp tục hỗ trợ đáng kể cho sự phát triển bền vững của đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, đại sứ nhấn mạnh.
Tại Diễn đàn, các nhà khoa học, chuyên gia sẽ cùng chia sẻ, trao đổi về các cơ hội, thách thức, cũng như đề xuất các giải pháp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long. Từ đó, các sáng kiến về năng lượng sạch, chuyển dịch năng lượng công bằng cũng sẽ được hỗ trợ để đưa vào thực tiễn, góp phần thúc đẩy nền kinh tế bền vững cho đồng bằng sông Cửu Long, đóng góp vào các mục tiêu giảm phát thải chung của Việt Nam, góp phần thể hiện vị thế tích cực của Việt Nam với các mục tiêu khí hậu toàn cầu tại COP26.
Tiến sĩ khoa học Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho biết, dịch bệnh Covid-19 và những dịch chuyển biến động lớn về lao động, việc làm trong thời gian qua cũng đặt ra vô vàn những thách thức cho đồng bằng sông Cửu Long.
Tuy nhiên, như truyền thống của dân tộc Việt Nam chúng ta, trong thách thức và khó khăn luôn là những cơ hội để xoay chuyển và bứt phá, đó là phát huy yếu tố con người để tận dụng lợi thế tự nhiên - xã hội đặc thù của từng địa phương, từng tiểu vùng trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đó là đổi mới sáng tạo và ứng dụng cộng nghệ mạnh mẽ hơn nữa, là đổi mới tư duy và hành động của toàn xã hội, nhất là sự vào cuộc tích cực, chủ động của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ và sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế.
Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), cho rằng, chuyển dịch năng lượng là yếu tố không thể thiếu để đạt được mục tiêu phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu của Việt Nam nói chung và đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, và đồng bằng sông Cửu Long có lợi thế rất lớn để thực hiện mục tiêu này với tiềm năng năng lượng tái tạo dồi dào.
Để biến lợi thế và tiềm năng thành hiện thực, bên cạnh những chính sách hỗ trợ ở cấp quốc gia, hành động của từng địa phương có vai trò quyết định. Với tinh thần sáng tạo, từng địa phương lựa chọn cho mình những hành động khác nhau để giải quyết vấn đề thực tế và phù hợp với bối cảnh của địa phương, từ đó đóng góp chung vào sự phát triển bền vững của vùng. Đó cũng là ý nghĩa của hoạt động tìm kiếm sáng kiến địa phương về năng lượng thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.