TP Hồ Chí Minh luôn xác định ĐBSCL là đối tác phát triển. Vì vậy, sự hợp tác toàn diện và bền vững giữa các địa phương trong vùng là yếu tố quan trọng để bứt phá, phát triển hơn nữa kinh tế-xã hội.
Liên kết còn lỏng lẻo
TP Hồ Chí Minh hiện là thị trường chiếm đến 80% nguồn cung hàng hóa cho các tỉnh ĐBSCL. Trong khi đó, ĐBSCL là vùng sản xuất hơn 50% sản lượng lúa duy trì an ninh lương thực trong nước, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% các loại trái cây; xuất khẩu 95% lượng gạo và 60% sản lượng cá của cả nước... Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia đánh giá, đó vẫn là kết quả đơn lẻ của từng địa phương mà chưa phải là con số liên kết chung đồng bộ. Vì thế, dư địa cho sự phát triển, hợp tác giữa các địa phương trong vùng vẫn còn rất lớn.
Có một thực tế đang tồn tại: GDP năm 1990 của TP Hồ Chí Minh chỉ bằng 2/3 GDP các tỉnh ĐBSCL, nhưng sau 20 năm, GDP của 13 tỉnh chỉ bằng 1/3 GDP của TP Hồ Chí Minh. Đứng ở góc độ doanh nghiệp trong lĩnh vực cung cấp giải pháp, dịch vụ logistics, Phó Giám đốc Marketing Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn Đỗ Thu Hường cho biết: Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ đi qua nhiều tỉnh, thành phố nhưng chưa phát triển đầy đủ, thông suốt nên chi phí logistics chiếm 20%-25% chi phí giá thành. Hoạt động trong điều kiện như thế rất khó để các doanh nghiệp cạnh tranh trên thị trường thế giới. Tương tự, về đường thủy, các phương tiện lưu thông từ ĐBSCL về các cảng ở TP Hồ Chí Minh gặp nhiều khó khăn về địa hình, độ tĩnh không,... nên các doanh nghiệp rất vất vả cho một chuyến hàng.
Theo Bộ Giao thông vận tải, tính đến tháng 12/2020, cả nước có khoảng 1.757 km đường cao tốc nhưng ở ĐBSCL chỉ mới có 117 km đường cao tốc và quốc lộ khoảng 2.652 km. Sự thiếu đồng bộ, hạn chế trong hạ tầng giao thông khiến tốc độ phát triển giữa TP Hồ Chí Minh và các địa phương ĐBSCL bị kìm hãm rất lớn. Tại Diễn đàn Liên kết phát triển TP Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL mới đây, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng: Bên cạnh việc tháo gỡ các khó khăn về hạ tầng, cơ chế thì tư duy liên kết, tư duy hợp tác cũng là vấn đề cần được các địa phương sớm tháo gỡ. Đây là điểm mấu chốt để các địa phương tạo ra các mô hình, ý tưởng, sáng kiến để 20 năm nữa, chúng ta có một vùng đồng bằng mang thương hiệu thế giới.
Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tại TP Hồ Chí Minh cho rằng: TP Hồ Chí Minh và ĐBSCL hiện đều đang đối mặt với nhiều thách thức như: biến đổi khí hậu, suy giảm chất lượng và số lượng nước, công ăn việc làm cho lao động,... nhưng các khuôn khổ thể chế hành chính khiến các địa phương tạo sự chia cắt, không hỗ trợ liên kết vùng. Chính vì vậy, tỉnh nào cũng đặt mình vào thế cạnh tranh nhiều hơn là hợp tác, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Nhiều chuyên gia nhận định: TP Hồ Chí Minh đã xây dựng được sự kết nối với các tỉnh ĐBSCL trên nhiều lĩnh vực như: hạ tầng giao thông, nguồn nhân lực, chuỗi sản xuất, kinh doanh, kinh tế biển, kết nối năng lượng-du lịch-hàng không, về hệ sinh thái khởi nghiệp và liên kết công nghiệp hỗ trợ, về bình ổn và phát triển thị trường,... Song, đó là sự liên kết đơn lẻ và còn manh mún, chưa tạo được thành “chuỗi” xứng tầm với tiềm năng, thế mạnh của cả vùng.
Cần một tầm nhìn, kết nối chung dài hạn
Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho rằng: Liên kết giữa thành phố và ĐBCSL là nhu cầu cấp thiết, cùng xem nhau là đối tác phát triển nên luôn cần đánh giá lại để khơi dậy và phát huy tiềm năng của các địa phương, cùng tháo gỡ những nút thắt trong các điểm yếu về thể chế, chính sách trong liên kết vùng để từ đó cùng xác định tầm nhìn chung cho phát triển kinh tế. Đề xuất giải pháp để tạo sự kết nối vùng, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh cho rằng: Đầu tiên là cần có quy hoạch vùng để tạo nên tầm nhìn, sự kết nối chung dài hạn nhưng đến nay, quy hoạch vùng vẫn chưa được triển khai.
Tiếp theo là đầu tư cơ sở hạ tầng. Khi cơ sở hạ tầng không hoàn thiện thì khả năng kết nối các hoạt động kinh doanh, sản xuất sẽ kém hiệu quả. Ngoài ra, các địa phương cần có chung hướng đi về cơ chế tài khóa, đầu tư trung và dài hạn. Thực tế cho thấy, tỉnh nào cũng muốn đưa nguồn lực về cho địa phương mình mà chưa chú trọng việc đầu tư lớn kết nối các địa phương. Đại dịch vừa qua cho thấy tính liên kết vùng không những không được phát huy mà còn bị phá vỡ khi vấn đề kiểm soát đi lại, vận chuyển hàng hóa, chia sẻ thông tin... và vẫn còn tình trạng mỗi địa phương xử lý một kiểu. Các địa phương cần xác định ĐBSCL là một tổng thể, do đó những gì liên quan đến lợi ích hay thách thức đều là vấn đề chung, cần sự hợp tác để tháo gỡ khó khăn, bất cập.
Đứng ở góc nhìn từ ngành nông nghiệp, chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng cho rằng: Những năm qua, sự đóng góp của người nông dân ĐBSCL đối với nền nông nghiệp trong vấn đề cung cấp lương thực, xuất khẩu lúa gạo của cả nước là rất lớn. Tuy nhiên, nhiều người vẫn quan niệm, làm nông nghiệp rất rủi ro vì chưa có giải pháp tạo ra giá trị cao nhất cho sản phẩm nông nghiệp. Để thoát khỏi lối mòn đó, những người có trách nhiệm cần có hướng tiếp cận, kết nối để nâng cao giá trị sản phẩm bằng các công đoạn cụ thể như chế biến, bảo quản sâu, đa dạng hóa sản phẩm sau thu hoạch, đồng thời cần khắc phục hạn chế về hạ tầng giao thông, logistics, trong đó, vai trò của TP Hồ Chí Minh là rất lớn. Nếu các vấn đề được giải quyết, người dân nơi đây sẽ lựa chọn sinh sống và phát triển ngay trên chính mảnh đất, quê hương, thay vì di cư tìm kiếm cơ hội làm giàu ở các địa phương khác như hiện nay.
Đối với kết nối phát triển nguồn nhân lực, PGS, TS Phan Thanh Bình, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết: Hiện 13 tỉnh, thành phố của vùng đều có trường đại học hoặc phân hiệu các trường đại học, như Cần Thơ có đến bảy trường, chưa kể các viện nghiên cứu, tuy nhiên, còn manh mún, giẫm chân nhau, nhân lực đào tạo ra không đáp ứng được yêu cầu thực tế. Do đó, các địa phương cần xây dựng chiến lược, quy hoạch và quản trị cho cả vùng. Về giáo dục, ĐBSCL cần đào tạo sát với yêu cầu phát triển của địa phương, cần những người sống tại chỗ, bám sát thực tiễn của đồng bằng.
Đối với vai trò trung tâm kinh tế dẫn dắt, TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ phải nắm giữ vai trò này. TP Hồ Chí Minh là nơi sử dụng nhiều nhất nhân lực, vật lực, vì thế phải có trách nhiệm kết nối đối với các địa phương trong vùng với chiến lược rõ ràng, cụ thể. Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm đến yếu tố thu nhập, điều kiện sống như một cách để thu hút nhân tài. Ngoài ra, theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Trung, ĐBSCL cần tập trung ưu tiên đầu tư ngân sách để hình thành sàn giao dịch thiết bị và công nghệ; phát triển các tổ chức trung gian của thị trường khoa học-công nghệ trong vùng; hỗ trợ, ưu tiên thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ phục vụ yêu cầu phát triển của vùng trong bối cảnh các tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng...
Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, địa phương luôn cam kết hỗ trợ ĐBSCL về đào tạo nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp; hỗ trợ để chuỗi cung ứng hàng hóa luôn được nối liền, không bị yếu tố địa giới hành chính làm ảnh hưởng, chia cắt để các địa phương có sự liên kết chặt chẽ hơn, cùng nhau xây dựng những cơ chế, chính sách thu hút và thúc đẩy đầu tư; phát triển mang tính liên vùng, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của vùng.