Tại hội nghị, báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Ðắk Lắk cho biết, Ðắk Lắk có diện tích tự nhiên hơn 13.000 km2, là vùng đất đỏ bazan trù phú phù hợp với các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như cà-phê, cao su, hồ tiêu, cây ăn trái, rau củ quả, dược liệu… Dân số tỉnh Ðắk Lắk có hơn 1,9 triệu người, là tỉnh có dân số trẻ, với khoảng 1,1 triệu lao động, trong đó lao động qua đào tạo hơn 400 nghìn người. Toàn tỉnh hiện có một khu công nghiệp và tám cụm công nghiệp đang hoạt động; đang chuẩn bị đầu tư thêm một khu công nghiệp và bảy cụm công nghiệp khác, bảo đảm cho nhu cầu sử dụng đất của các nhà đầu tư.
Ðặc biệt, tại Cụm công nghiệp huyện Cư Kuin đang có dự án Nhà máy chế biến cà-phê hòa tan “Cà-phê Ngon”, sản xuất 36.000 tấn cà-phê hòa tan/năm, 6.000 tấn cà-phê lỏng/năm, đồng thời mua bán, xuất nhập khẩu cà-phê nhân, công suất 15.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư 140 triệu USD do Công ty TNHH Cà-phê Ngon của Ấn Ðộ đầu tư. Dự án đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương và đóng góp vào ngân sách nhà nước gần 1 triệu USD/năm. Ðây được xem là một trong những dự án FDI hiệu quả và có sức lan tỏa nhất trên địa bàn tỉnh Ðắk Lắk cũng như toàn khu vực Tây Nguyên đến thời điểm hiện nay.
Không chỉ có tiềm năng về kinh tế, với 49 dân tộc anh em cùng chung sống, tỉnh Ðắk Lắk còn có nền văn hóa đa dạng, đặc sắc và nhiều đồi núi, thác nước, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ... Ðắk Lắk là một trong những cái nôi nuôi dưỡng Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại. Ðến nay, nhiều lễ hội văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh Ðắk Lắk vẫn được bảo tồn và phát huy trong đời sống đương đại như: Lễ hội cồng chiêng, Lễ cúng bến nước, Lễ mừng lúa mới, Lễ cầu mưa, Lễ kết nghĩa anh em, Lễ cúng sức khỏe, Lễ mừng thọ... và các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi phía bắc di cư vào sinh sống cũng được bảo tồn, phát huy...
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ðắk Lắk Nguyễn Thiên Văn, mặc dù tỉnh cũng như toàn vùng Tây Nguyên có nhiều tiềm năng, thế mạnh, nhưng các nhà đầu tư Ấn Ðộ đến tìm hiểu, đầu tư còn hạn chế. Ðể tạo tiền đề cho quá trình hợp tác đầu tư lâu dài, từ đầu tháng 11/2023, lãnh đạo tỉnh Ðắk Lắk đã tổ chức chuyến làm việc tại Ấn Ðộ. Ngay sau đó, cuối tháng 11/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Ðắk Lắk phối hợp Tổng Lãnh sự quán Ấn Ðộ tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình gặp gỡ doanh nghiệp tỉnh Ðắk Lắk và Bang Odisha-Ấn Ðộ. Và lần này, hội nghị doanh nghiệp và đầu tư Ấn Ðộ - các tỉnh Tây Nguyên được tổ chức ngay tại tỉnh Ðắk Lắk, tạo điều kiện thuận lợi cho chính quyền các địa phương và doanh nghiệp của Ấn Ðộ được tìm hiểu thực tế về đời sống, văn hóa cũng như sản xuất, chế biến nông sản và các lĩnh vực khác của tỉnh Ðắk Lắk.
“Trên cơ sở đó, tỉnh Ðắk Lắk mong muốn Tổng Lãnh sự quán Ấn Ðộ tại Thành phố Hồ Chí Minh thúc đẩy nhiều hơn nữa hoạt động hỗ trợ, giới thiệu nhà đầu tư quan tâm, nghiên cứu, khảo sát và tiến hành các hoạt động đầu tư, giao thương với tỉnh Ðắk Lắk và khu vực Tây Nguyên. Ðắk Lắk sẽ trở thành địa phương cung cấp nông sản như sầu riêng, trái cây, điều, cà-phê… chất lượng cao cho các kênh phân phối ở Ấn Ðộ”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ðắk Lắk kỳ vọng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ðắk Lắk, với điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp, trong những năm gần đây các loại cây ăn quả, nhất là cây sầu riêng trên địa bàn tỉnh Ðắk Lắk phát triển mạnh cả về diện tích, năng suất và sản lượng. Ðến thời điểm hiện hay, toàn tỉnh có 32.785 ha sầu riêng, trong đó có 9.556 ha trồng thuần và 23.229 ha trồng xen, với sản lượng đạt 281.350 tấn, đứng thứ hai cả nước sau tỉnh Tiền Giang. Trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của tỉnh Ðắk Lắk đạt 150-160 triệu USD. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có trên 28.000 ha hồ tiêu và hơn 213 nghìn ha cà-phê với sản lượng trên 550 nghìn tấn cà-phê nhân mỗi năm…
Hội nghị đã tiến hành một số phiên thảo luận, xúc tiến hợp tác đầu tư như: Tình hình đàm phán xuất khẩu sầu riêng vào thị trường Ấn Ðộ; tiềm năng thị trường Ấn Ðộ và những quy định về nhập khẩu sầu riêng vào Ấn Ðộ; tình hình đầu tư của Ấn Ðộ vào Việt Nam và một số khuyến nghị cho địa phương, doanh nghiệp; tình hình sản xuất và tiêu thụ sầu riêng của tỉnh Ðắk Lắk… Ðại diện các ngành chức năng của Ðắk Lắk cũng trả lời một số câu hỏi của các địa phương, doanh nghiệp Ấn Ðộ về tăng cường hợp tác đầu tư, xúc tiến thương mại trên các lĩnh vực.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ðắk Lắk Vũ Ðức Côn cho rằng: Thành công của dự án Nhà máy chế biến cà-phê hòa tan “Cà-phê Ngon” của Công ty TNHH Cà-phê Ngon của Ấn Ðộ đặt tại Cụm công nghiệp huyện Cư Kuin là một minh chứng cho sự hợp tác. Phó Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Ðắk Lắk Lê Anh Trung cho biết, những năm gần đây quả sầu riêng của Việt Nam chỉ mới xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Thông qua hội nghị kết nối này, hy vọng trong thời gian tới, quả sầu riêng của Ðắk Lắk được xuất khẩu chính ngạch sang Ấn Ðộ thì chắc chắn giá trị quả sầu riêng mang lại còn cao hơn rất nhiều.
Ông Madan Mohan Sethi, Tổng Lãnh sự quán Ấn Ðộ tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Tiềm năng đầu tư giữa các tỉnh Tây Nguyên của Việt Nam với các địa phương, doanh nghiệp của Ấn Ðộ là rất lớn. Thông qua hội nghị này, chúng tôi cùng các doanh nghiệp Ấn Ðộ có cơ hội tìm hiểu về tiềm năng, thế mạnh, các chính sách thu hút đầu tư của tỉnh Ðắk Lắk và các tỉnh Tây Nguyên.
Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ xây dựng các chiến dịch truyền thông về tỉnh Ðắk Lắk và các tỉnh Tây Nguyên của Việt Nam đến với nhân dân, các doanh nghiệp của Ấn Ðộ, qua đó kêu gọi doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn vào Tây Nguyên của Việt Nam. Còn ông Asif Ibal, Chủ tịch Tổ chức Kinh tế thương mại Ấn Ðộ chia sẻ: Mối quan hệ sâu sắc giữa hai nước Ấn Ðộ và Việt Nam đã tạo tiền đề quan trọng và sự tin tưởng cho các doanh nghiệp trong hợp tác đầu tư.
Ðối với tỉnh Ðắk Lắk, sau khi đi thăm các nhà máy, vùng sản xuất trên địa bàn, nhất là vùng trồng sầu riêng và cà-phê, các doanh nghiệp Ấn Ðộ rất ấn tượng. Hiện nay, Ấn Ðộ có hơn 200 dự án đầu tư tại Việt Nam, trong đó có một dự án tại tỉnh Ðắk Lắk. Những hội nghị, chuyến thăm đến biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các địa phương, doanh nghiệp của Ấn Ðộ và tỉnh Ðắk Lắk là cơ hội tốt để tiếp tục xúc tiến hợp tác đầu tư trong thời gian tới.
Ông Lê Minh Dương, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Nam cho biết, Ðắk Lắk đang là địa phương tiếp nhận nguồn vốn đầu tư từ Ấn Ðộ lớn nhất khu vực miền trung-Tây Nguyên. Tất các các tỉnh Tây Nguyên đều đang nằm trong vùng ưu đãi đầu tư. Chính vì vậy, trong thời gian tới, các địa phương cần tăng cường quảng bá hình ảnh, chia sẻ nhu cầu hợp tác đầu tư của tỉnh mình, đặc biệt là với các đối tác Ấn Ðộ. Ðồng thời, cần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư minh bạch, đẩy mạnh xây dựng chính quyền số để gia tăng cơ hội tiếp cận với các nhà đầu tư nước ngoài…
Kết thúc hội nghị, các doanh nghiệp của tỉnh Ðắk Lắk và Ấn Ðộ đã ký kết 66 biên bản ghi nhớ hợp tác trên các lĩnh vực: logistics, năng lượng, bảo hiểm, xây dựng, bất động sản, giáo dục, y tế, dệt may, công nghệ thông tin, đầu tư, thương mại, cơ khí, sản xuất phân bón….