Định hướng xây dựng, phát triển đất nước-lý luận và thực tiễn

Tăng cường công tác chăm sóc y tế toàn dân

Chăm sóc sức khỏe nhân dân luôn là mục tiêu quan trọng trong các đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhân dân xây dựng chính quyền và đời sống mới cho đến nay. Đảng ta luôn đặt con người ở trung tâm của quá trình phát triển, coi “sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người dân và của xã hội”.
0:00 / 0:00
0:00
Các cán bộ y, bác sĩ thăm khám sức khỏe miễn phí cho người dân trên địa bàn huyện Mê Linh, Hà Nội. Ảnh: NGUYÊN TRANG
Các cán bộ y, bác sĩ thăm khám sức khỏe miễn phí cho người dân trên địa bàn huyện Mê Linh, Hà Nội. Ảnh: NGUYÊN TRANG

Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên hàng đầu. Sau cả quá trình xây dựng, đến nay, Việt Nam đã có hệ thống y tế cơ sở rộng khắp. Các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và hải đảo đều đã có hệ thống y tế cơ sở để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Việt Nam đã thuộc nhóm nước dẫn đầu trên thế giới về giảm tỷ lệ tử vong mẹ và tử vong trẻ em.

Các chỉ số sức khỏe của nhân dân được nâng lên rõ rệt; người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật… đều được hỗ trợ tiếp cận dịch vụ y tế. Công tác khám, chữa bệnh ngày càng được nâng cao. Nhiều bệnh dịch và bệnh xã hội đã được khống chế, loại trừ, sức khỏe và tuổi thọ của nhân dân được tăng lên. Đó là những thành tựu nổi bật.

Đại hội XIII của Đảng tiếp tục định hướng: Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện. Nâng cao năng lực, chủ động phòng chống dịch bệnh gắn với đổi mới toàn diện hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng. Thực hiện đúng hướng, hiệu quả xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, bảo đảm bình đẳng giữa y tế nhà nước và y tế ngoài nhà nước, xây dựng, phát triển mô hình bác sĩ gia đình, phát triển mạnh ngành công nghiệp dược và thiết bị y tế.

Thực hiện đường lối của Đảng, trong những năm đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII, ngành y tế Việt Nam tiếp tục có nhiều cố gắng nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trong bài viết Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng, trong dịp kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu những con số thống kê đáng mừng: Trong khi chưa thực hiện được việc bảo đảm cung cấp dịch vụ y tế miễn phí cho toàn dân, Việt Nam mở rộng diện bảo hiểm y tế bắt buộc và tự nguyện, đến nay đã đạt mức 93,35% (năm 1993 mới chỉ là 5,4%); đồng thời tập trung vào việc tăng cường y tế phòng ngừa, phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều dịch bệnh vốn phổ biến trước đây đã được khống chế thành công.

Người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và người cao tuổi được cấp bảo hiểm y tế miễn phí. Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em và tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm gần 3 lần. Tuổi thọ trung bình của dân cư tăng từ 62 tuổi năm 1990 lên 73,7 tuổi năm 2023... Tuy nhiên, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân vẫn còn những vấn đề cần giải quyết, có nhiều khó khăn, thách thức, còn những bất cập cần khắc phục. Việc thực hiện chính sách, thực thi công vụ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân vẫn là khâu yếu; kỷ luật, kỷ cương ở nhiều nơi chưa nghiêm, thậm chí còn hiện tượng tắc trách, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm...

Ngành y tế có chức năng, đồng thời cũng là trách nhiệm với xã hội, đảm nhận việc chăm sóc sức khỏe, khắc phục bệnh tật, bảo vệ nguồn lực con người với thể trạng tốt nhất. Thực hiện định hướng của Đảng và ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, ngành y tế tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân; bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Trong bối cảnh mới, toàn ngành y tế đã khởi động việc thực hiện Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu là mọi người dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng, được sống trong cộng đồng an toàn, phát triển tốt về thể chất và tinh thần...

Việc triển khai thực hiện chiến lược này cần đồng bộ với việc hoàn thiện những điều kiện cần thiết về trang thiết bị, về vật tư, về cơ chế chính sách... Nhưng trước hết cần đầu tư nâng cao chất lượng nguồn lực con người. Lao động trong ngành y tế đòi hỏi chất lượng cao, tránh tuyệt đối những sai sót không đáng có vì đây là ngành lao động ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Cần làm tốt hơn nữa công tác tuyển chọn cán bộ để có đội ngũ y, bác sĩ, kỹ thuật viên thật sự có đức, có tài, liêm chính và nhiều tâm huyết.