Tận dụng lợi thế FTA để xuất khẩu nông sản (Tiếp theo và hết) (*)

Chế biến chanh leo xuất khẩu tại Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO). (Ảnh HIẾU TRẦN)
Chế biến chanh leo xuất khẩu tại Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO). (Ảnh HIẾU TRẦN)

Bài 2: Thay đổi mạnh mẽ để thích ứng

Với độ phủ rộng lớn về vị trí địa lý; về cơ cấu ngành hàng nông sản có lợi thế xuất khẩu, các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới được coi như "chìa khóa vàng" để nông sản Việt Nam mở rộng cánh cửa ra thế giới. Tuy nhiên, đa dạng thị trường cũng đồng nghĩa với việc đa dạng các yêu cầu về chất lượng sản phẩm; môi trường bền vững; quyền lợi cho người lao động; thương mại công bằng... trong sản xuất và xuất khẩu, đòi hỏi các ngành hàng nông sản Việt Nam phải thay đổi mạnh mẽ để thích ứng.

Điều này cũng được đề cập rõ nét trong Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đó là: Chủ động phát huy cơ hội các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết để giữ ổn định các thị trường truyền thống, mở rộng thị trường mới, tránh phụ thuộc vào một vài thị trường. Các cơ quan chức năng chủ động phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp để giải quyết và tháo gỡ những hàng rào kỹ thuật, các tranh chấp pháp lý quốc tế; xây dựng cơ chế cung cấp thông tin hiệu quả, kịp thời để doanh nghiệp và người sản xuất chủ động thích nghi với những thay đổi về chính sách, các cam kết thương mại quốc tế.

Đáp ứng nhanh, đúng, đủ các yêu cầu mới

Là khu vực thị trường có mức tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người cao, một số quốc gia Bắc Âu mang lại nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam khi khai thác lợi thế EVFTA. Tham tán thương mại tại Thụy Điển kiêm nhiệm Đan Mạch, Na Uy, Iceland và Latvia Nguyễn Thị Hoàng Thúy cho biết: Tại các siêu thị ở Bắc Âu, ngày càng có nhiều nguồn cung cấp các sản phẩm tiện lợi và đồ ăn sẵn do nhu cầu loại hàng này tăng cao. Do đó, các doanh nghiệp chế biến sẽ tăng mua sản phẩm thô-đây là cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nếu có thể cung cấp các sản phẩm phục vụ chế biến hoặc cung cấp trực tiếp các sản phẩm chế biến sâu cho thị trường này. Tuy nhiên, điều các doanh nghiệp xuất khẩu phải thích nghi là cần quan tâm đặc biệt đến tính bền vững của thủy sản bởi Bắc Âu là khu vực đi đầu trong việc sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm bền vững thông qua việc áp dụng các tiêu chuẩn thực hành sản xuất có trách nhiệm với xã hội và môi trường đối với thủy sản nhập khẩu. Ngoài ra, việc truy xuất nguồn gốc các sản phẩm thủy sản đã trở nên phổ biến đối với người tiêu dùng ở các thị trường này.

Do đó, để xuất khẩu thủy sản sang thị trường Bắc Âu đạt hiệu quả cao, doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định bắt buộc như: bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, tuân thủ các yêu cầu về ghi nhãn có nguồn gốc hợp pháp; đồng thời đáp ứng các yêu cầu bổ sung về tính bền vững, trách nhiệm xã hội trong sản xuất. "Cá biệt có những sản phẩm như cá tra thì cần tuân thủ thêm các yêu cầu về kiểm soát mức clorat, kiểm soát oxit cacbon, tỷ lệ nước; đối với cá ngừ thì cần kiểm soát hàm lượng kim loại, và cần chú ý đến quy định làm màu cho cá ngừ là bất hợp pháp tại thị trường EU"- bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy lưu ý thêm.

Đối với Hiệp định RCEP, mặc dù Việt Nam được hưởng lợi nhiều từ cam kết cắt giảm thuế quan, nhưng RCEP cũng tạo ra sức ép cạnh tranh lớn cho hàng hóa Việt Nam. Nguyên nhân là do nhiều đối tác trong hiệp định này có cơ cấu sản phẩm tương tự Việt Nam, song năng lực cạnh tranh, hàm lượng giá trị gia tăng của sản phẩm lại cao hơn Việt Nam khá nhiều. Cụ thể như Thái Lan với nhiều mặt hàng có lợi thế nổi trội như gạo, trái cây; Trung Quốc với lợi thế hàng hóa phong phú, đa dạng, giá rẻ...

Trong khi đó, các thị trường như Nhật Bản, Australia, New Zealand hiện mới chỉ nhập một lượng nông sản khá khiêm tốn từ thị trường Việt Nam. Chưa kể, đây cũng là những thị trường chất lượng cao, đòi hỏi các nông sản, thực phẩm phải đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn khắt khe không thua kém gì EU. Ngay cả đối với thị trường Trung Quốc, với Lệnh 248, 249 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 quy định về điều kiện doanh nghiệp và tiêu chuẩn sản phẩm xuất khẩu theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch cũng đã khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt phải "ngậm ngùi" rời cuộc chơi do chưa đáp ứng kịp thời các yêu cầu đặt ra. Chính vì thế, nếu không có sự cải tiến nhanh chóng về cơ sở sản xuất, chế biến, chất lượng sản phẩm thì nguy cơ nông sản Việt "thua trên sân nhà" là rất dễ xảy ra khi chính hàng nông sản của các quốc gia khác lại chiếm ưu thế tại thị trường Việt Nam nhờ hưởng lợi từ RCEP.

Nâng cao năng lực doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu sản phẩm

Để tận dụng tốt nhất lợi thế từ các FTA thì việc nâng cao năng lực cho doanh nghiệp xuất khẩu được coi là yêu cầu "sống còn" trong giai đoạn hiện nay. Hiện, ngành hàng rau quả, gia vị đang triển khai dự án "Tăng cường năng lực xuất khẩu cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành hàng gia vị, rau quả Việt Nam" (SFV-Export) do VCCI phối hợp với Tổ chức Oxfam tại Việt Nam xây dựng. Bà Trần Thị Lan Anh, Tổng Thư ký VCCI, Giám đốc dự án SFV- Export cho biết: Dự án sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị ngành hàng gia vị, rau quả về các kỹ thuật chuyên sâu giúp doanh nghiệp tuân thủ và được chứng nhận đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm do châu Âu công nhận; hỗ trợ hoạt động marketing, phát triển thị trường, cung cấp thông tin về thị trường và kết nối doanh nghiệp với các đối tác tiềm năng từ thị trường châu Âu; số hóa các hỗ trợ kỹ thuật và xúc tiến thương mại trên nền tảng số chuyên biệt; hỗ trợ cải thiện chính sách và thực hành tốt liên quan đến người lao động, bình đẳng giới và bảo vệ môi trường; thúc đẩy hợp tác đa bên để nâng cao năng lực ngành và quảng bá nông sản Việt Nam vào thị trường châu Âu...

Song song với năng lực doanh nghiệp thì để khai thác tốt nhất lợi thế FTA, cần quan tâm đặc biệt đến việc xây dựng thương hiệu cho nông sản-một trong những vấn đề không mới nhưng triển khai thực hiện lại chưa hiệu quả ở hầu hết các ngành hàng nông nghiệp thời gian qua. Hiện, phần lớn hàng nông sản Việt Nam vẫn xuất thô và khi ra thị trường nước ngoài sẽ được chế biến, ghi nhãn mác, thương hiệu của các công ty nước ngoài. Chính vì thế, người tiêu dùng ở nhiều quốc gia còn ít biết đến hàng nông sản Việt Nam, chưa nâng cao được sức cạnh tranh và tạo ra giá trị gia tăng cao cho sản phẩm. Xác định rõ sự cần thiết của thương hiệu, trong lĩnh vực lúa gạo, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, Nguyễn Duy Thuận chia sẻ: Hiện Lộc Trời đang triển khai kế hoạch đưa các sản phẩm gạo như Lộc Trời 28, Jasmine, Sức sống Mekong... xuất khẩu vào các nước châu Âu dưới chính thương hiệu Lộc Trời, giúp gạo Lộc Trời khẳng định vị thế chất lượng và tăng sản lượng tiêu thụ qua từng năm. Các đợt hàng vừa qua Lộc Trời đã xuất khẩu đều là sản phẩm của quá trình tổ chức sản xuất, canh tác khoa học từ hạt giống đến hạt gạo, kiểm soát chất lượng chặt chẽ, đáp ứng tiêu chuẩn của từng thị trường và có sự chia sẻ lợi ích cùng các hộ nông dân tham gia liên kết với tập đoàn.

Có thể thấy, việc thực thi các FTA vừa là yêu cầu cũng vừa là cơ hội để doanh nghiệp đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho hàng nông sản. Thông qua thực hiện truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý..., các doanh nghiệp hoàn toàn có thể nâng tầm cho sản phẩm. Hiện, EU đã cam kết bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam, đều là những nông sản có lợi thế xuất khẩu, như: nước mắm Phú Quốc, trà Mộc Châu, cà-phê Buôn Ma Thuột, vải Lục Ngạn, mật ong Mèo Vạc, nho Ninh Thuận... Đây sẽ là cơ sở quan trọng để các mặt hàng nông sản định hình, phát triển, nâng tầm thương hiệu nhằm chinh phục các thị trường đầy tiềm năng mà Việt Nam đã ký kết ở các FTA.

---------------------------

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 23/5/2022.

Tận dụng lợi thế FTA để xuất khẩu nông sản (Bài 1)