Tâm Thắng ... khát

NDO -

NDĐT - Từ nhiều tháng nay, trên địa bàn huyện Cư Giút, tỉnh Đác Nông trời không mưa, nước trong các hồ thủy lợi đã cạn kiệt, dẫn đến hàng trăm héc-ta cà-phê, hồ tiêu của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở bốn buôn trên địa bàn xã Tâm Thắng có nguy cơ chết trắng vườn cây, đẩy hàng trăm hộ rơi vào cảnh đói nghèo, trắng tay. Nhiều người dân đã chạy ngược xuôi vay mượn, thế chấp tài sản vay tiền ngân hàng để múc hồ, khoan giếng tìm nguồn nước cứu vườn cây nhưng giếng vẫn không có nước...

Hồ Buôn Bua có dung tích một triệu m3 đã cạn phơi đáy nhiều tháng nay.
Hồ Buôn Bua có dung tích một triệu m3 đã cạn phơi đáy nhiều tháng nay.

Khát nước… “cầu” mưa

Những ngày đầu năm mới 2016, thay vì đi du xuân, tham gia vào các lễ hội buôn làng thì hàng trăm hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Tâm Thắng như ngồi trên đống lửa, không kể ngày đêm kéo nhau ra các hồ thủy lợi tìm nguồn nước để cứu vườn cà-phê.

Đang nạo vét bùn để mót những giọt nước cuối cùng giữa lòng hồ Buôn Bua, ông Y Ba Kpơr, buôn Bua cho biết: “Cả tháng nay rồi, không chỉ tôi mà rất nhiều người dân luôn túc trực tại hồ Buôn Bua vét bùn, tạo dòng chờ nước mạch rỉ ra để bơm tưới cứu vườn cây. Nhiều hộ còn thuê cả máy múc xuống giữa lòng hồ để múc ao tìm nước, nhưng hiện nay đành phải chờ trời vì không còn nước nữa. Nếu trời không mưa sớm, cà-phê mà chết hết thì chúng tôi sẽ lâm vào cảnh trắng tay”.

Tâm Thắng ... khát ảnh 1

Nhiều diện tích cà-phê tại bốn buôn đồng bào tại chỗ đã khô cành, chết cây.

Buôn EaPô có 87 hộ, chỉ trong 3 tháng đầu mùa khô hạn năm nay đã có đến 20 hộ khoan giếng và số lượng giếng khoan sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới. Anh Y Minh H’Đơk, Trưởng buôn EaPô cho biết: “Để kịp thời cứu vườn cà-phê gần 1ha, tôi phải đi vay ngân hàng gần 20 triệu đồng để khoan giếng. Giếng khoan sâu 100m hết gần 30 triệu đồng, nhưng nước cũng chỉ đủ dùng cho sinh hoạt thôi; hiện tại vườn cà-phê của tôi phần lớn bị khô cành, một số cây bị chết rồi, mong nhà nước quan tâm sớm tìm giải pháp giúp nhân dân cứu lấy vườn cây”.

Nhìn vườn cà-phê đang héo rũ, cành chết khô, chị H’Thương, buôn Trum buồn rầu: “Mùa khô hạn năm trước tôi đã bỏ ra hơn 20 triệu đồng khoan một giếng rồi, nhưng năm nay do mực nước ngầm tụt sâu nên giếng bị cạn khô, đành phải vay tiền khoan tiếp giếng thứ hai hy vọng tìm được nguồn nước để sinh hoạt và tưới cho vườn cà-phê gần 1,5ha. Tuy nhiên, giếng đã khoan được năm ngày, sâu gần 80m rồi mà nước vẫn chưa có, tôi cũng không biết có nước hay không nữa vì ở đây nhiều hộ khoan một lúc vài ba giếng nhưng vẫn không có nước, tiền mất tật mang và đành phải trông cả vào ông trời thôi”.

Tại thời điểm chúng tôi đi thực tế, ở bốn buôn của xã Tâm Thắng có bốn giàn khoan đang hoạt động hết công suất nhưng vẫn không đáp ứng kịp nhu cầu của người dân. Anh Phạm Văn Khuyến, chủ dàn khoan thôn 2, xã Tâm Thắng cho biết: “Cùng thời điểm này năm trước, tôi chỉ mới khoan được vài giếng, năm nay đã khoan được 20 giếng. Hiện tại có rất nhiều bà con đang tiếp tục hợp đồng nhưng tôi chưa nhận lời vì khoan không kịp. Mặt khác, cũng phải chọn khu vực để khoan chứ có nơi khoan hai ba giếng mà không có nước, tôi không nỡ lấy tiền “oan” của bà con”.

Tâm Thắng ... khát ảnh 2

Người dân đua nhau khoan giếng tìm nguồn nước cứu vườn cà-phê.

Vốn kinh doanh đồ điện gia dụng, nhưng do nắm bắt được nhu cầu thị trường nên anh Nguyễn Văn Công, thị trấn EaTlinh, huyện Cư Giút đã dồn tiền mua giàn khoan nước ngầm về bán, không ngoài dự đoán anh đã thắng lớn. Anh Công cho biết: “Chỉ trong ba tháng trở lại đây tôi đã bán được hơn 20 giàn khoan, mỗi giàn có giá từ 120 triệu đồng đến 140 triệu đồng. Hiện nay tôi đang tiếp tục nhập hàng vì nhu cầu của khách hàng đang tăng cao”.

Cũng theo anh Công, giàn khoan không chỉ bán cho khách hàng huyện Cư Giút mà khách hàng ở các khu vực hạn hán như Đác Min, Đác Song, Krông Nô và cả các tỉnh như Đác Lắc, Bình Phước cũng đến mua…

Cần giải pháp cấp bách

Theo thống kê, đến thời điểm hiện nay có 423 hộ dân với khoảng 240ha cà-phê, hồ tiêu tại bốn buôn trong xã Tâm Thắng bị thiệt hại do hạn hán, trong đó có 373 hộ là người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.

Phó Chủ tịch UBND xã Tâm Thắng, Vũ Xuân Quyết cho biết: “Trong số các hộ đồng bào bị thiệt hại đa phần là hộ nghèo, cận nghèo, cuộc sống rất khó khăn; trong những năm qua họ sống nhờ hoàn toàn vào cây lúa nước và cây cà-phê. Tuy nhiên, năm nay do xác định hạn hán khắc nghiệt nên đã khuyến cáo bà con không trồng lúa nước, chỉ tập trung chăm sóc cà-phê. Nếu mùa cà-phê năm nay mất trắng, vườn cà-phê chết cây thì nguy cơ xảy ra đói nghèo, tái nghèo là rất cao”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Cư Giút, Trần Văn Diêu cho biết, chúng tôi đã chủ động chống hạn ngay từ đầu vụ, khuyến cáo bà con không sản xuất ở khu vực nguồn nước bấp bênh để dự trữ nước tưới cho diện tích cây lâu năm, riêng khu vực bốn buôn đồng bào dân tộc thiểu số xã Tâm Thắng đã cắt giảm toàn bộ 82ha lúa nước. Năm nay do lượng mưa thấp chỉ đạt 50% dung tích hồ chứa, mặt khác nắng hạn lại đến sớm nên gây thiệt hại lớn cho người dân. Trước mắt, chúng tôi kiến nghị tỉnh Đác Nông hỗ trợ kinh phí, các biện pháp chống hạn cấp bách để kịp thời cứu nguy cho hàng trăm héc-ta cà-phê, hồ tiêu của bốn buôn đồng bào dân tộc bị hạn nặng. Về lâu dài đề xuất UBND tỉnh gấp rút xây dựng trạm điện, trạm bơm để bơm nước trung chuyển từ Sông Sê-rê-pốc vào hồ Buôn Bua bảo đảm nguồn nước ổn định sản xuất.

Giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Đác Nông Hoàng Trung Thơ cho biết: “Theo sự chỉ đạo của tỉnh Đác Nông, chúng tôi đã hoàn tất hồ sơ kỹ thuật, dự toán công trình trạm bơm trung chuyển với kinh phí khoảng 3 tỷ đồng, tuy nhiên đây là công trình đầu tư nằm trong danh mục phải đấu thầu theo quy định nên đang vướng về quy trình thủ tục, dẫn đến chưa thể triển khai ngay được. Trước mắt chúng tôi đã trình UBND tỉnh Đác Nông phương án chống hạn cấp bách, tiến hành nạo vét sâu, mở rộng thêm kênh mương dẫn nước từ sông Sê-rê-pốc vào gần khu vực sản xuất rồi tận dụng máy móc, ống dẫn sẵn có, hỗ trợ nhân dân kinh phí mua dầu, mua thêm ống dẫn để tự bơm tưới, tập trung cứu vườn cây một cách nhanh nhất”.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đác Nông Trương Thanh Tùng, trước mắt tỉnh đã chỉ đạo Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Đác Nông phối hợp với địa phương, các đơn vị liên quan triển khai ngay giải pháp chống hạn cấp bách, tập trung nguồn lực, máy móc nạo vét khai thông mương dẫn nước sông Sê-rê-pốc vào sâu trong khu vực sản xuất, hỗ trợ kinh phí kịp thời để nhân dân chống hạn, cứu ngay diện tích cây trồng có nguy cơ chết trắng. Về lâu dài giao cho Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Đác Nông và các đơn vị liên quan gấp rút hoàn tất hồ sơ, quy trình thủ tục đấu thầu theo quy định, triển khai xây dựng công trình trạm bơm trung chuyển trong thời gian sớm nhất để bảo đảm sản xuất cho nhân dân.

Xã, huyện, tỉnh đã vào cuộc chỉ đạo quyết liệt và giải pháp chống hạn cấp bách đã có. Nước có kịp cứu hàng trăm héc-ta cà-phê cho dân hay không đang phụ thuộc hoàn toàn vào tiến độ triển khai thực hiện của các đơn vị được giao nhiệm vụ. Phó Chủ tịch UBND xã Tâm Thắng, Vũ Xuân Quyết khẳng định: “Nếu hết tháng giêng trời không mưa, nước không được ứng cứu kịp thời thì toàn bộ diện tích cà-phê của bốn buôn đồng bào dân tộc sẽ chất trắng vườn cây, nguy cơ đói nghèo diễn ra trong nhiều năm tới”.