"Tam nông" trên vùng đồi, núi

Cán bộ trung tâm khuyến nông tỉnh<br>Tuyên Quang tổ chức hội nghị đầu bờ <br>đánh giá chất lượng giống lúa lai.
Cán bộ trung tâm khuyến nông tỉnh<br>Tuyên Quang tổ chức hội nghị đầu bờ <br>đánh giá chất lượng giống lúa lai.

Tại các tỉnh miền núi phía bắc, chặng đường thực hiện tam nông còn nhiều "gập ghềnh", đòi hỏi Chính phủ, các ngành, chính quyền các địa phương khẩn trương có những giải pháp bổ sung thiết thực, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc, nhất là các vùng trước đây là chiến khu cách mạng và là "phên dậu" của Tổ quốc.

Bài 1:

BẰNG CÁCH NÀO ÐỂ THOÁT NGHÈO VÀ LÀM GIÀU ?

Khai thác thế mạnh về rừng

Dọc theo tuyến đường dài 20 km từ trung tâm huyện Văn Lãng (Lạng Sơn) về xã Tân Việt, đập vào mắt chúng tôi là bạt ngàn mầu xanh của cây. Từ ven đường cho đến ngút tầm mắt, không thể thấy khu đồi, đất trống nào. Ở lưng chừng dốc Kéo, chúng tôi được cán bộ xã Tân Việt dẫn bộ thăm khu vườn đồi của chị Hoàng Thị Sầm, người dân tộc Tày. Gia đình chị Sầm chỉ có hai vợ chồng và một cậu con trai nhưng cũng nhận trông, khoanh nuôi, tái sinh bảy ha rừng, đồng thời trồng rừng trên ba ha đồi trọc. Dùng con dao quắm phạt lia lịa để lấy lối đi, chị Sầm dẫn chúng tôi thăm khu đồi trồng toàn bạch đàn, keo lai ba năm tuổi. Nhìn hàng cây thẳng tắp, to bằng bắp chân chạy đến đỉnh đồi thật thích mắt. Ðể đủ sống, nuôi con ăn học và có thêm chi phí chăm sóc rừng, anh chị chịu khó thu nhặt gỗ cành từ khu rừng nhận trông nom bán củi, nuôi ba con lợn nái, chục con lợn bột, mỗi năm xuất chuồng chừng 40 lợn con và 3 lứa lợn choai. Hỏi về thu nhập, chị Sầm bảo: "Chăn nuôi là để duy trì cuộc sống thôi, chứ thời buổi này lãi ít lắm, lại dịch bệnh nữa. Bốn năm nữa, khu đồi này cho thu hoạch. Với giá gỗ như hiện nay, có thể thu được hơn 200 triệu đồng. Sống ở rừng, phải cố mà trồng rừng thôi".

Tổng diện tích đất tự nhiên hơn hai nghìn ha, nhưng Tân Việt chỉ có 93 ha đất sản xuất nông nghiệp. Là xã có bốn dân tộc Tày, Nùng, Kinh và Sán Chỉ sinh sống, Tân Việt có phong trào phát triển nghề rừng khá tốt. Xác định được thế mạnh của mình, những năm qua chính quyền và nhân dân xã Tân Việt thường xuyên duy trì công tác bảo vệ, tu bổ rừng, đồng thời tuyên truyền vận động nhân dân trồng rừng phòng hộ và cây phân tán để giàu lên từ rừng. Theo đồng chí Chu Ngọc Oanh, Bí thư Ðảng ủy xã Tân Việt,  hiện nay, phần lớn các gia đình ở đây phát triển kinh tế theo nghề rừng và chăn nuôi, còn sản xuất nông nghiệp chủ yếu bảo đảm an ninh lương thực. Hiện tại, nguồn thu từ rừng trên địa bàn xã có nhiều loại, như thu từ gỗ tự nhiên và củi được khoanh nuôi bảo vệ rừng tái sinh cách đây chín năm đến nay đã được khai thác. Giao khoán bảo vệ rừng hay trồng mới trên đất trống đồi núi trọc để người dân vừa có thu nhập, vừa bảo vệ tốt rừng. Việc khai thác gỗ và củi rừng được chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ, tránh tình trạng khai thác tràn lan. Gia đình nào có nhu cầu khai thác gỗ hay chặt tỉa vườn rừng đến tuổi khai thác phải viết đơn xin cấp có thẩm quyền phê duyệt mới được khai thác. Sau đó phải trồng mới lại. Vì vậy, trong mười năm trở lại đây, xã luôn là một trong những địa phương đi đầu của huyện trong việc phát triển kinh tế đồi rừng, nông dân có thu nhập khá, trong khi đó diện tích rừng được giữ vững và vẫn tăng.

Kể từ khi Nhà nước có chủ trương giao rừng cho nhân dân khoanh nuôi, bảo vệ, nông dân Tân Việt phấn khởi hẳn, đua nhau nhận. Hầu hết các hộ gia đình đều có thu nhập chính từ rừng, và không nhỏ chút nào. Gia đình nào cũng nhận trông, khoanh nuôi và trồng mới ít nhất 5 - 6 ha. Bản thân gia đình đồng chí Nông Hải Nam, Phó Bí thư Ðảng ủy xã cũng hăng hái nhận trồng, khoanh nuôi 50 ha rừng, cùng với gia đình ông Nguyễn Mạnh Cần ở thôn Pá Mỹ là hai gia đình nhận trồng nhiều diện tích rừng nhất. Bên đống gỗ vừa khai thác và thuê kéo ra tập kết ven đường để bán cho thương lái, đồng chí Nam bảo: "Do diện tích đất nông nghiệp ít nhưng rừng lại nhiều nên chúng tôi luôn xác định là chỉ có bảo vệ rừng phòng hộ và trồng rừng thật tốt thì kinh tế các gia đình mới khấm khá lên được. Từ năm 1993, gia đình nhận bảo vệ 40 ha rừng phòng hộ. Năm 2009, tôi làm đơn, được huyện cho phép khai thác 25 ha, mỗi ha cho chừng 25 khối gỗ. Một khối gỗ bán với giá 1,5 triệu đồng. Ngoài ra, tôi đã trồng được hai ha sa mộc. Sau mười năm, số sa mộc này chuẩn bị cho khai thác, mỗi cây bán được 95 nghìn đồng, mỗi ha trồng một nghìn cây". Nhẩm tính, bình quân mỗi năm, gia đình đồng chí Nam có thể thu nhập vài chục triệu đồng từ tiền bán gỗ và củi rừng.

Thoát đói nghèo nhờ đẩy mạnh sản xuất

Năm giờ chiều, khu đồng Khuôn Khoai, thôn Làng Tạc, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa, Tuyên Quang) tấp nập bóng người thu hoạch ngô, rau xanh. Vụ đông xuân năm nay, HTX nông nghiệp Yên Nguyên giới thiệu mô hình trồng dong riềng.

Bác Nguyễn Thị Khuê dành khu ruộng 1,5 sào để trồng. Bên đống bao tải dong riềng dễ chừng đến cả tấn, bác Khuê quệt mồ hôi, nhoẻn nụ cười: "Nếu năm sau mà được giá, được mùa thế này thì tôi sẽ chuyển nốt bốn sào ngô sang trồng dong. Chỗ dong này cũng phải bán được hai triệu đồng, gấp ba lần trồng lúa". Bốn sào đất còn lại, năm nào bác Khuê cũng trồng hai vụ lúa, một vụ ngô. Lúa để lấy gạo ăn, còn ngô để chăn nuôi gà, lợn. Ngoài ra, gia đình còn có ba con trâu, mỗi năm bán được hai con nghé, tổng thu nhập từ nông nghiệp mỗi năm chừng 20 triệu đồng.

Bốn năm trước, tròn 25 tuổi, cưới vợ xong, Hoàng Văn Lần chỉ có tài sản là gần ba sào ruộng. Ruộng ít, trồng cây gì cũng chả đủ nuôi con, anh Lần bàn với vợ chuyển sang nấu rượu và xây chuồng nuôi lợn choai. Tiền lãi từ bán rượu không nhiều, nhưng bù lại, bã rượu giúp anh nuôi lợn nhanh lớn. Hai vợ chồng xây liền ba chuồng, mỗi năm nuôi ba lứa, mỗi lứa 7-8 con. Bình quân mỗi con giống mua hết 300-350 nghìn đồng, sau bốn tháng bán được 1-2 triệu đồng/con, trừ chi phí, mỗi năm vợ chồng anh lãi 12-15 triệu đồng, gom góp đủ tiền xây được căn nhà riêng khang trang và đầy đủ tiện nghi.

Ở xã Yên Nguyên, ít ruộng, ít rừng, nhưng nhờ cần cù và năng động, ngày càng có nhiều người như bác Khuê, anh Lần thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Ðồng chí Ðỗ Thành Cung, Bí thư Ðảng ủy xã cho biết, từ năm 2000, Yên Nguyên đã vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Tất cả là nhờ sự năng nổ, mạnh dạn của đội ngũ cán bộ xã, đặc biệt nhờ người dân tích cực ứng dụng giống mới và tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Năm 1996, khi lúa lai còn đang "chập chững" tiến vào đồng ruộng ở các tỉnh đồng bằng, Yên Nguyên đã có 70% diện tích gieo cấy lúa lai. Năm 2000, Yên Nguyên đã đạt thu nhập 16 tỷ đồng từ nông nghiệp, trong đó riêng chăn nuôi bảy tỷ đồng, nhờ phát triển đàn lợn siêu nạc và đàn gà siêu trứng.

Chủ tịch UBND xã Triệu Văn Tuyên cho biết, không chỉ đi đầu về sản xuất nông nghiệp, Yên Nguyên còn là xã có phong trào phát huy nội lực xây dựng cơ sở hạ tầng từ rất sớm. 15 năm trước, mặc dù ở miền núi, nhưng 100% số thôn, 98% số hộ của xã đã có điện lưới quốc gia, trong đó, nông dân đóng góp gần hai tỷ đồng. Phong trào bê-tông hóa kênh mương, đường giao thông nông thôn cũng vậy. Nhân dân tự giác đóng góp tiền, ngày công, cùng với sự hỗ trợ kinh phí của tỉnh, huyện, xây dựng được 14 km đường bê-tông, kiên cố hóa 42 km kênh mương (chỉ còn sáu km nữa là phủ kín hoàn toàn hệ thống kênh nội đồng).

- Vậy xã đã làm gì để huy động nhân dân đóng góp dễ dàng thế?

- Làm cho dân nhận thức rõ hiệu quả thiết thân của việc làm đó. Ðấy là yếu tố mấu chốt. Khuyến khích bà con chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi thành công, thu nhập của các hộ cũng khá lên (hiện toàn xã có 1.771 hộ, chỉ còn 58 hộ nghèo), nên họ có điều kiện đóng góp xây dựng hạ tầng. Bà con đều nhận thức rằng, đầu tư cho hạ tầng của xã, của thôn chính là đầu tư cho con em, cho chính họ để thuận lợi hơn trong sản xuất, tiêu thụ hàng hóa. Ngay như lĩnh vực thủy lợi, từ năm 1996, xã đã huy động mọi nguồn vốn, xây dựng được ba đập nước, chủ động tưới, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân đưa giống mới vào trồng.

Yên Nguyên thuyết phục chúng tôi bằng những con số thật ấn tượng. Toàn xã có 650 ha canh tác, đến nay đã có hơn 300 ha vụ đông, hệ số sử dụng đất đạt gần ba lần. Số nhân khẩu của xã hơn 7.600, nhưng số đầu lợn xấp xỉ mười nghìn con, số trâu 1.400 con. Yên Nguyên cung cấp rau xanh cho cả thị xã Tuyên Quang, lên cả Hà Giang. Trên đồng ruộng, mấy vụ gần đây đã xuất hiện ngô và dưa chuột xuất khẩu. Còn trong chăn nuôi, ngoài hai loại gia súc chủ lực là trâu, lợn, trong chuồng trại của người dân giờ đã xuất hiện cả nhím, hươu sao, thỏ.

Chúng tôi hỏi đồng chí Cung về kết quả bước đầu triển khai Nghị quyết "tam nông", đồng chí cho biết, xã chia làm hai giai đoạn, cụ thể đến hết năm 2010 phấn đấu hoàn thành việc rà soát nhu cầu đầu tư, hoàn thiện quy hoạch. Giai đoạn 2011 đến 2020 sẽ tập trung tăng tốc, xoáy vào tiềm năng rừng, nuôi thủy sản trên sông, ruộng, mở rộng quy mô chăn nuôi và đầu tư cho hệ thống chế biến. "Mọi lợi thế về đất đai, giống mới cần phải được phát huy tối đa. Kinh nghiệm sau 25 năm công tác ở cơ sở, trưởng thành qua các vị trí đã cho thấy, nơi nào có hệ thống chính trị vững mạnh, người dân năng động cần cù, nếu đưa được giống mới và tiến bộ kỹ thuật vào, chắc chắn sẽ thành công".

Trong chuyến đi tìm hiểu phong trào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng nông thôn mới ở các tỉnh miền núi đầu năm 2010, chúng tôi sớm nhận ra rằng, những điểm sáng như Yên Nguyên, Tân Việt không có nhiều trong thực tế. Mặc dù những năm gần đây, Ðảng, Nhà nước ta có nhiều chính sách đầu tư cho vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, nơi nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, nhưng hiệu quả của những đầu tư ấy còn rất hạn chế...

(Còn nữa)

Một số nội dung chính trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26 Hội nghị lần thứ 7 BCH T.Ư Ðảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn: Triển khai thêm ba chương trình mục tiêu quốc gia đến năm 2020 là xây dựng nông thôn mới, thích ứng với sự biến đổi khí hậu và đào tạo nguồn nhân lực nông thôn. Triển khai 22 đề án như Phát triển ngành trồng trọt; bảo vệ, phát triển rừng; phát triển nuôi trồng thủy sản; thí điểm bảo hiểm nông nghiệp; phát triển thông tin, truyền thông nông thôn (bao gồm viễn thông, đưa in-tơ-nét về nông thôn; đầu tư có trọng điểm bưu điện - văn hóa xã; cơ cấu kích cầu đầu tư, hỗ trợ dịch vụ viễn thông công ích cho vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo). Ðồng thời sửa đổi hoàn thiện, xây dựng mới 14 luật và chính sách liên quan đến đất đai, tín dụng nông nghiệp...