Tái thả 30 cá thể cầy vòi mốc về vườn quốc gia Cúc Phương

NDO -

Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW), Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Giang, phối hợp vườn quốc gia Cúc Phương thuộc tỉnh Ninh Bình tổ chức tái thả 30 cá thể cầy vòi mốc được cứu hộ, có đủ điều kiện trở về tự nhiên tại vườn quốc gia Cúc Phương vào chiều và tối 23/11, trước sự chứng kiến của nhiều khách du lịch.

Sau khi được chăm sóc sức khỏe, nhiều cá thể cầy vòi mốc được tái thả về không gian sống tự nhiên ở vườn quốc gia Cúc Phương.
Sau khi được chăm sóc sức khỏe, nhiều cá thể cầy vòi mốc được tái thả về không gian sống tự nhiên ở vườn quốc gia Cúc Phương.

Những cá thể cầy vòi mốc nêu trên là tang vật một vụ vận chuyển động vật hoang dã trái phép bị cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang tịch thu. Sau đó, toàn bộ số cá thể cầy vòi mốc được bàn giao cho vườn quốc gia Cúc Phương tiếp nhận, chăm sóc tâm lý, sức khỏe để tái thả về môi trường tự nhiên. 

Tái thả 30 cá thể cầy vòi mốc về vườn quốc gia Cúc Phương -0

1 cá thể cầy vòi mốc tại vườn quốc gia Cúc Phương.

Điều phối viên Chương trình Bảo tồn thú ăn thịt và tê tê ở vườn quốc gia Cúc Phương, Hoàng Văn Thái cho biết: “Vườn quốc gia Cúc Phương có nhiều kinh nghiệm trong công tác cứu hộ, chăm sóc động vật hoang dã, được cộng đồng trong nước, quốc tế ghi nhận. Đợt tái thả lần này có số lượng cầy vòi gồm 30 cá thể, nhiều nhất từ trước tới nay, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng; phục vụ đắc lực cho việc nghiên cứu khoa học và tăng cường biện pháp giáo dục nâng cao nhận thức bảo tồn thiên nhiên”.

Đáng nói là từ công tác cứu hộ, bảo tồn động vật hoang dã mang nhiều ý nghĩa nhân văn, vườn quốc gia Cúc Phương đã triển khai được nhiều tuyến du lịch trong rừng trong năm 2021, gắn với hoạt động tái thả động vật hoang dã sau cứu hộ, thu hút khá đông khách du lịch về với rừng già Cúc Phương, nơi có động “ Người xưa” là du lịch về nguồn cội.