Tái sử dụng chai nhựa đựng nước có an toàn không?

NDO -

Mỗi phút thế giới tiêu thụ khoảng 1 triệu chai nước uống bằng nhựa, tạo ra một lượng lớn rác thải, phần lớn trong số này được đưa vào các bãi chôn lấp. Ngày nay, nhiều người có xu hướng sử dụng lại chai nước. Điều này giúp tránh phải mua nhiều lần chai mới, tiết kiệm tiền và giảm lượng rác thải nhựa.

Tái sử dụng chai nhựa đựng nước vẫn có sự an toàn nhất định. Ảnh: Getty Images.
Tái sử dụng chai nhựa đựng nước vẫn có sự an toàn nhất định. Ảnh: Getty Images.

Tuy nhiên, những chai này được thiết kế để chỉ sử dụng một lần, vì vậy một số người lo ngại có thực sự an toàn khi tái sử dụng chúng. Sciencealert đã tiến hành hỏi tám chuyên gia về vấn đề này và nhận được 75% sự đồng thuận.

Chai nhựa đựng nước được làm bằng gì?

Chai nhựa đựng nước khác nhau về chất liệu, nhưng hầu hết các loại chai sử dụng một lần đều được làm bằng nhựa PET (polyethylene terephthalate). PET là một loại nhựa nhẹ, trong suốt được sử dụng để đóng gói nhiều loại thực phẩm và đồ uống.

Nó được chấp thuận là an toàn khi tiếp xúc với thực phẩm và đồ uống ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Mỹ và Liên minh châu Âu.

Hóa chất rửa trôi từ nhựa có thể gây ung thư không?

Nhiều bài báo trên mạng cho rằng việc tái sử dụng chai nước có thể dẫn đến ung thư do một số hóa chất tiết ra từ nhựa.

Một hóa chất mà nhiều người lo ngại là BPA (bisphenol A). Hợp chất BPA có thể  phá vỡ hệ thống nội tiết, có khả năng gây vô sinh và các vấn đề về trao đổi chất. BPA không được sử dụng để sản xuất chai nhựa PET, nhưng có thể được tìm thấy trong các loại nhựa khác, cứng hơn như polycarbonate.

Mặc dù vậy, một nghiên cứu đã phát hiện ra nồng độ rất thấp (5 ng / L) của BPA trong nước đóng chai bằng nhựa PET. Hai nghiên cứu khác không tìm thấy hóa chất này, vì vậy phát hiện này là không thể kết luận.

Một hóa chất khác là antimon được sử dụng làm chất xúc tác để sản xuất nhựa PET. Antimon không được coi là chất gây ung thư khi ăn phải, nhưng có thể gây nôn mửa và tiêu chảy.

Năm 2008, một nghiên cứu đã kiểm tra hàm lượng antimon bị rửa trôi trong nước đóng chai bán sẵn trên thị trường. Các nhà khoa học nhận thấy, quá trình rửa trôi xảy ra dần dần theo thời gian, nhưng lượng chất này thấp hơn nhiều so với mức được coi là nguy hiểm.

Nồng độ khiến antimon trở nên nguy hiểm là khoảng 6 ppb (phần tỷ). Nghiên cứu cho thấy, nồng độ antimon trong chai nước bắt đầu từ 0,195 ppb và tăng lên 0,226 ppb sau ba tháng ở nhiệt độ 22 °C.

Antimon không phải là hóa chất duy nhất được nghiên cứu trong nước đóng chai. Có một loạt các hóa chất từ ​​chất hóa dẻo đến kim loại đã được nghiên cứu. Những nghiên cứu này phát hiện ra có một số hóa chất, như antimon, ngấm vào nước đóng chai. Cho đến nay, không có bằng chứng cho thấy những thứ này gây nguy hiểm cho sức khỏe con người.

Tái sử dụng chai nhựa đựng nước có an toàn không? -0
 Tái sử dụng chai nhựa sẽ bớt được ô nhiễm nhựa ở biển. Ảnh: Shutterstock.

Để chai nước dưới ánh nắng mặt trời có an toàn không?

Có một số người lo ngại quá trình rửa trôi hóa chất xảy ra thường xuyên hơn ở nhiệt độ cao hơn, có nghĩa là nếu để chai nước trong xe vào một ngày nắng nóng có thể gây nguy hiểm.

Các  nghiên cứu năm 2008 về mức antimon đã thực sự tìm thấy tăng rửa trôi ở nhiệt độ cao. Khi để chai nước ở 60 °C, chúng mất 176 ngày để tăng antimon trên ngưỡng 6 ppb, trong khi ở 80 °C, điều này chỉ mất 1,3 ngày.

Mức nhiệt này rất cao, vì vậy, vấn đề này chỉ đáng lo ngại nếu bạn sống ở một nơi quá nóng và thường xuyên để chai nước dưới ánh nắng mặt trời.

Vi nhựa trong chai nước tái sử dụng có đáng lo ngại?

Vi nhựa là những mảnh nhựa nhỏ. Chúng được tìm thấy hầu như ở khắp mọi nơi , kể cả trong nước uống của chúng ta. Trên thực tế, một nghiên cứu cho thấy, 93%  chai nước nhựa mới mở có chứa một số vi nhựa.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xem xét những nguy cơ tiềm ẩn của vi nhựa, nhưng dựa trên dữ liệu hiện tại, họ kết luận rằng chúng không gây ra mối đe dọa đáng kể cho sức khỏe con người.

Điều đáng ngạc nhiên là, Tiến sĩ Umar Abdulmutalib, Đại học Surrey cho biết: "Những chai nhựa mới có thể chứa nhiều vi nhựa hơn so với những chai đã qua sử dụng".

Tiến sĩ Marek Cuhra, Viện Nghiên cứu biển ở Na Uy cũng cho rằng: "nước uống sạch trong một chai đã sử dụng và rửa sạch sẽ an toàn hơn một chai nước hoàn toàn mới”.

Có rủi ro nào khác không?

Có một nguy cơ được mọi người thừa nhận rộng rãi khi tái sử dụng chai nước nhựa dùng một lần, nhưng không liên quan đến hóa chất mà đó là sự ô nhiễm.

Vì những chai này không được tạo ra để bảo đảm độ bền, chúng dễ bị hỏng và nứt. Tiến sĩ Jill Bartolotta nói: "Nhựa được sử dụng để làm chai rất mỏng và do đó có thể bị nứt do cấu trúc yếu hơn. Những vết nứt này có thể chứa vi khuẩn".

Chai nhựa rất có thể bị nhiễm bẩn nếu bên trong chai bị ẩm. Vi khuẩn có thể phát triển rất nhanh trong nước đóng chai. Một nghiên cứu cho thấy sự gia tăng từ 1 khuẩn lạc (colony – tập hợp vi khuẩn) trên mỗi ml lên 38.000 khuẩn lạc trên mỗi ml trong 48 giờ khi chai được giữ ở nhiệt độ 37 ° C.

Bài học rút ra

Trong số tám chuyên gia, có sáu chuyên gia trả lời rằng khả năng là an toàn khi tái sử dụng chai nước nhựa.

Các nghiên cứu về quá trình rửa trôi hóa học và vi nhựa đã cho thấy những chất này xảy ra ở mức độ rất thấp và không có khả năng gây ra các mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, trừ khi chai nhựa được tiếp xúc nhiều lần với nhiệt độ rất cao.

Nhưng nguy cơ nhiễm bẩn thì cao, vì vậy nếu bạn tái sử dụng một chai nhựa đựng nước, hãy nhớ rửa thường xuyên.