Tái hiện lịch sử đấu tranh của quân và dân Quảng Đà, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ

NDO -

NDĐT - Đó là khẳng định của đồng chí Trần Thận, nguyên Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà tại Hội thảo “Vai trò Đặc khu ủy Quảng Đà (1967-1975) đối với phong trào cách mạng Quảng Đà”, do Thành ủy Đà Nẵng và Tỉnh ủy Quảng Nam phối hợp tổ chức ngày 31-7, tại Đà Nẵng.

Hội thảo Vai trò Đặc khu ủy Quảng Đà.
Hội thảo Vai trò Đặc khu ủy Quảng Đà.

Tham dự Hội thảo có đồng chí lão thành cách mạng từng giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt của Đặc khu ủy Quảng Đà, các nhân chứng lịch sử từng trực tiếp công tác, chiến đấu tại chiến trường Quảng Đà (1967-1975); lãnh đạo Thành ủy Đà Nẵng, Tỉnh ủy Quảng Nam và các địa phương thuộc Đặc khu ủy Quảng Đà trước đây, các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa; đại diện lãnh đạo Bộ Tư lệnh Quân khu V.

Tại Hội thảo, các tham luận tập trung phân tích, làm rõ về quá trình ra đời, hoạt động và vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đặc khu ủy Quảng Đà từ khi thành lập (năm 1967) đến năm 1975; gắn với các sự kiện lớn như: Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, phong trào giành dân, giành đất năm 1973 và cuộc tiến công nổi dậy giải phóng quê hương năm 1975.

Kể từ khi quân Mỹ đổ bộ vào miền nam (ngày 8-3-1965), lực lượng vũ trang và du kích Quảng Đà lập được nhiều chiến công hiển hách, thế và lực của phong trào cách mạng không ngừng được tăng lên, chứng minh một quan điểm “ta có thể đánh Mỹ và thắng Mỹ”, làm thất bại cơ bản chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ.
Tháng 10-1967, Khu ủy 5 quyết định sáp nhập tỉnh Quảng Đà và thành phố Đà Nẵng thành Đặc khu Quảng Đà. Đồng chí Hồ Nghinh được Thường vụ Khu ủy 5 chỉ định làm Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà, bao gồm ba quận (I,II,III) thuộc thành phố Đà Nẵng; ba khu của huyện Hòa Vang và các huyện, thị xã gồm: Hội An, Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang.

Việc thành lập Đặc khu ủy Quảng Đà là vấn đề có tính chiến lược nhằm kết hợp chặt chẽ và phát huy cao độ sự hỗ trợ giữa ba vùng chiến lược: đô thị - nông thôn đồng bằng - miền núi; giữa ba thứ quân: bộ đội chủ lực - bộ đội địa phương - dân quân du kích; giữa ba mũi giáp công: chính trị - quân sự - binh địch vận, trong đó tập trung chủ yếu cho đô thị Đà Nẵng, trực tiếp là phục vụ cho Xuân Mậu Thân 1968 theo chủ trương của Trung ương Đảng.

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đặc khu ủy Quảng Đà, quân và dân Quảng Đà đã mở Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, đánh mạnh vào các cơ quan đầu não của địch ở đô thị Đà Nẵng và các thị xã, thị trấn, tiêu diệt được nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch.

Từ năm 1969 đến năm 1972, Đặc khu ủy Quảng Đà đã lãnh đạo chống đánh phá, bình định của quân đội Mỹ - ngụy, tiêu diệt một bộ phận lớn sinh lực của địch, phá vỡ các khu dồn dân, mở rộng vùng giải phóng; tạo được thế đứng chân vững chắc ở đồng bằng, nông thôn; từng bước làm thất bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ; góp phần thắng lợi trong việc ký kết Hiệp định Paris ngày 27-1-1973.

Phát huy thắng lợi đã có, tại Quảng Đà, Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu V chủ trương tiêu diệt cứ điểm Thượng Đức - một hệ thống cứ điểm kiên cố án ngữ ở phía tây nam Đà Nẵng, thành phố Đà Nẵng bị uy hiếp nghiêm trọng.

Chiến thắng dồn dập của quân và dân ta trên khắp chiến trường miền nam cuối năm 1974 đầu năm 1975 làm cho quân địch suy sụp, tạo thời cơ chiến lược để Trung ương Đảng quyết định giải phóng miền nam trong năm 1975. Với khí thế tấn công thần tốc, trưa ngày 29-3-1975, lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền nam Việt Nam phất phới tung bay trên nóc Tòa Thị chính, chính thức báo hiệu thành phố Đà Nẵng được giải phóng.

Ngay sau khi giải phóng, Đặc khu ủy Quảng Đà chỉ đạo tốt an ninh trật tự, nhanh chóng ổn định tình hình để không xảy ra nạn đói, cướp bóc; làm tốt việc đăng ký, quản lý, giáo dục ngụy quân, ngụy quyền, các đảng phái chính trị phản động; chỉ đạo tốt việc cung cấp nhân tài vật lực phục vụ tiếp việc tấn công giải phóng các tỉnh phía nam và thành phố Sài Gòn - Gia Định, thống nhất đất nước.

Đặc khu Quảng Đà, đặc khu duy nhất ở chiến trường Khu 5 và thứ hai của miền nam đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình trong một thời kỳ lịch sử đầy ác liệt nhưng đầy sáng tạo, phi thường trong những năm cuối cùng của cuộc chiến tranh giải phóng, thống nhất đất nước.

Hội thảo đã góp phần đánh giá đầy đủ, đúng đắn, sâu sắc, có sức thuyết phục về sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Khu ủy Khu V đối với phong trào cách mạng Quảng Đà; về sự lãnh đạo của Đặc khu ủy Quảng Đà trên tất cả các mặt công tác nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp cho mục tiêu giải phóng miền nam, thống nhất đất nước... Qua đó, tái hiện bức tranh chân thật của lịch sử về những năm tháng đấu tranh gian nan, khốc liệt, sự hy sinh anh dũng cũng như tinh thần bất khuất, kiên cường của nhân dân Quảng Đà.

Từ đó, rút ra những bài học lịch sử quý báu, nhằm góp phần vào việc giáo dục truyền thống yêu nước, ý chí độc lập tự chủ, niềm tự hào dân tộc, cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, nhất là các thế hệ trẻ; tạo sự thống nhất cao về ý chí và hành động, tinh thần đoàn kết, năng động, táo bạo, mưu lược trong chiến tranh và trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.