Tái hiện Kinh Đô trong bộ sách “Thăng Long Kinh Kì - Kẻ Chợ”

NDO -

Được NXB Kim Đồng giới thiệu trong khuôn khổ Ngày hội sách Việt Nam 2021, ấn phẩm “Thăng Long kinh kỳ - kẻ chợ” của hai tác giả Nguyễn Quốc Tín và Nguyễn Huy Thắng đã cho thấy một cách nhìn mới về một đề tài tưởng chừng rất cũ. Hình ảnh kinh thành Thăng Long xưa được tái hiện sinh động, gần gũi và hết sức "đời" qua lăng kính của xã hội hiện đại, phù hợp với bạn đọc trẻ ngày nay.

Tái hiện Kinh Đô trong bộ sách “Thăng Long Kinh Kì - Kẻ Chợ”

Bộ sách được biên soạn theo trình tự thời gian, với các tập về “Thời Lê – Trịnh”, “Nhà Tây Sơn và triều Nguyễn”, và “Thời cận đại”. Các tác giả cho biết, tuy được gắn với các triều đại lịch sử của đất nước song bộ sách không nặng về trình bày lịch sử. Các phân chia này chỉ mang tính kỹ thuật, để nêu bật lên hai khía cạnh đặc trưng của Thăng Long – Hà Nội kể từ thời Lê Trung hưng đến thời thuộc Pháp, đó là chất kinh kỳ và chất kẻ chợ luôn song hành với người Hà Nội dù ở thời nào trong giai đoạn nói trên.

Với hơn 300 trang sách, “Thăng Long Kinh Kì - Kẻ Chợ” đã phác họa một bức tranh sống động về văn hóa - phong tục - lịch sử - con người của Hà Nội xưa, trong những biến thiên của thời cuộc.

Khai thác cổ sử, tư liệu về Thăng Long cũng đã có nhiều tác phẩm, nhưng ở “Thăng Long Kinh Kì - Kẻ Chợ”, các tác giả đã có một cách tiếp cận khác, không chỉ dừng lại ở tổng hợp các nguồn tư liệu, mà còn vận dụng nhiều điểm nhìn để soi chiếu “chất kinh kỳ” và “chất kẻ chợ” đặc trưng, luôn song hành với nhau qua nhiều thời kỳ ở Hà Nội. Cuốn sách mỏng, nhỏ gọn, cho nên các tác giả cũng sử dụng lối viết ngắn gọn, đưa các sự kiện hoặc nhân vật lịch sử gắn với Thăng Long trong giai đoạn từ thế kỷ XVI - đầu thế kỉ XIX, đi kèm với những bình luận hóm hỉnh.

Qua những lát cắt mà cuốn sách đem lại, người đọc có thể phần nào hình dung ra được về một Thăng Long – Hà Nội xưa, với phố phường đậm chất kinh kỳ, kẻ chợ, với con người, lịch sử, xã hội, văn hóa, nghệ thuật… Các tác giả cũng đưa vào phần niên biểu tóm lược các mốc thời gian quan trọng để tiện tra cứu.

Nhà văn Trương Quý, người gắn bó với NXB Kim Đồng chia sẻ về tập sách: “Cuốn sách có độ dày vừa phải, không phải là những cuốn khảo cứu nghiêm cẩn nữa. Nó có sự tươi trẻ và thoải mái đối với độc giả”. Theo nhà văn Nguyễn Trương Quý, cuốn sách cho thấy độ khảo cứu rất kỹ và công phu. Tác giả hướng tới đối tượng chính là các bạn đọc trẻ cho nên viết khá chắt lọc và gọn gàng, không sa đà vào diễn giải nhưng lại đủ cung cấp một lượng thông tin rất thú vị, với những câu chuyện về đời sống phong tục qua lăng kính của thời đại hiện đại. Cuốn sách không có sự nặng nề áp đặt bài học đạo lý. Cuối sách có niên biểu điểm lại các mốc thời gian để người đọc nhớ dễ hơn, cũng như có một vài thông tin bổ trợ.

Tác giả Nguyễn Huy Thắng nguyên là Phó Giám đốc của NXB Kim Đồng và là con trai của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Cuốn sách “Thăng Long Kinh Kì - Kẻ Chợ” không chỉ là tác phẩm dành cho thế hệ bạn đọc trẻ hiểu hơn về mảnh đất nghìn năm này, mà còn nối dài tình yêu Hà Nội của ông từ chính người cha của mình. Như lời biên tập viên Hoàng Thanh Thủy đã nói: “Với cuốn sách này tôi cảm nhận được tình yêu ở rất nhiều góc độ, không chỉ là tình yêu với Hà Nội mà còn là tình phụ tử, ở đây là những bước tiếp nối rất đẹp đẽ của tác giả Nguyễn Huy Thắng theo bước chân của cha mình để bồi đắp thêm tình yêu đối với môn lịch sử và tình yêu đối với Hà Nội”.