Nguồn vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp có vai trò quan trọng khi góp phần hình thành các công trình trọng điểm quốc gia, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đất nước. Đây là “vốn mồi”, đóng vai trò trụ cột thu hút các nguồn vốn khác đầu tư theo. Chính vì vậy, quản lý chặt chẽ nguồn vốn đầu tư này để đạt hiệu quả đầu tư cao là nhiệm vụ cốt yếu trong quản trị doanh nghiệp giai đoạn hiện tại.
Từ thực tế hiện nay, v iệc sửa đổi căn bản, toàn diện và ban hành quy định chính sách mới nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước về quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp là đòi hỏi cấp bách. Phải có những quy định ấy mới giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi Luật số 69/2014/QH13; hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý cho việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; tạo môi trường và hành lang pháp lý đầy đủ, ổn định cho hoạt động quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp .
Tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đến năm 2025, việc sắp xếp lại khối doanh nghiệp nhà nước; xử lý cơ bản xong những yếu kém, thất thoát của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải được hoàn tất. Để tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Quốc hội đã giao Chính phủ tổng kết, hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; sớm trình dự thảo sửa đổi, bổ sung các nội dung còn vướng mắc của pháp luật hiện hành trong lĩnh vực tài chính quan trọng, then chốt này.