Hoạ sĩ Hoàng Trầm sinh năm 1928 tại Sài Gòn, nhưng học tập và trưởng thành tại miền bắc XHCN, như rất nhiều thanh niên miền nam cùng thời với ông. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 1964, ông là người đã đem cả cuộc đời sáng tạo nghệ thuật của mình gắn bó với sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước.
Ngay trong những năm tháng ác liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, những ký họa, trực họa của Hoàng Trầm gửi từ chiến trường luôn nhận được sự đánh giá cao của đồng nghiệp.
Một số tác phẩm của ông như: "Dân quân Quảng Bình" (ba thế hệ) - khắc gỗ, 1970; "Nữ pháo binh Ngư Thủy" - sơn mài, 1974; "Tự vệ Hà Nội" - sơn mài, 1974... vẫn luôn được coi là những tác phẩm ưu tú về cuộc chiến tranh vệ quốc của nhân dân ta.
"Mẹ kháng chiến", sơn mài khổ 120 x 150 cm, không thể hiện một hình ảnh người mẹ đưa tiễn con ra trận, mà giống như lời trong một bài hát "nơi hầm tối là nơi sáng nhất, nơi con nhìn ra sức mạnh Việt Nam", một người mẹ hiền từ, cùng con gái - có lẽ thế, chăm sóc và nuôi dưỡng thương binh.
Bức tranh giống như hình ảnh cắt ngang một gian hầm, mỗi gương mặt đều trong trạng thái tĩnh, ánh mắt mẹ hiền từ, bao bọc lên cả căn hầm hơi ấm của tình mẫu tử... Bức tranh không nhiều chi tiết, nhưng dễ hình dung ra hoàn cảnh của người thương binh lúc đó.
Không gian tranh như chật chội, song nền tranh sâu thẳm, gợi nên sự bao la của lòng mẹ, của những người phụ nữ trong chiến tranh, chiến đấu và bảo vệ chiến sĩ bằng sự đôn hậu, nhẫn nại của mình.