Tác giả của chỉ số HDI

ND - Một xã hội phát triển không thể chỉ có phát triển kinh tế tăng thu nhập (cho dù nó là tiền đề) mà còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác. Ðo định tính và định lượng phát triển của một nước là khó khăn. Thời gian gần đây Chỉ số phát triển con người (HDI) thường được dùng để định lượng để có một cái nhìn tổng quát về sự phát triển của một quốc gia.

Chương trình phát triển LHQ (UNDP) xếp hạng HDI của Việt Nam đứng thứ 105 trong tổng số 177 nước được điều tra. HDI của Việt Nam liên tục tăng trong 20 năm qua. Năm 1990 HDI của Việt Nam là 0,618 điểm; 1995-0,661; 2000-0,696; 2006-0,709; 2007-0,733 (HDI tuyệt đối là 1). Năm 2003 tuổi thọ trung bình của Việt Nam là 68,6 tuổi, năm 2004-69 tuổi, năm 2005-70,5 tuổi và năm 2006 tăng lên 70,8 tuổi. Tính theo sức mua tương đương (PPP) bình quân đầu người của Việt Nam năm 2004 đạt 2.300 USD; 2005-2.490 USD; 2006-2.745 USD; 2007-3.100 USD (hạng 123). Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam thấp hơn nhiều nước, nhưng HDI lại cao hơn những nước này. Trong đó, Nam Phi: PPP 11.100 USD (hạng 24), HDI-0,658 (hạng 120). Ai Cập: 4.072 USD (hạng 115), HDI-0,659 (hạng 119). Ấn Ðộ 3.262 USD (hạng 125), HDI-0,602 (hạng 127).

HDI (Human Development Index) do chính khách, nhà kinh tế người Pakistan Ghu-lam I-sắc Khan (1915-2006) nêu ra năm 1990. G.I.Khan sinh ngày 20-1-1915 ở quận Ban-nu (TP Pê-sa-oa) của tỉnh biên giới tây-bắc (Ấn Ðộ thời thuộc địa của Anh) trong một gia đình tộc người Pastun theo dòng Hồi giáo Sunni. Ông tốt nghiệp đại học chuyên ngành hóa học và gia nhập cục dân sự Ấn Ðộ trước khi Pakistan độc lập năm 1947. Ông đã tham gia vào các dự án thủy lợi ở Tây Pakistan. Những năm 1980, ông bắt đầu hoạt động chính trị với tư cách độc lập sau đó giữ chức Bộ trưởng Tài chính. Trong cuộc tổng tuyển cử năm 1985, ông giành được một ghế ở Thượng viện, ngay sau đó ông được bầu làm Chủ tịch Thượng viện Pakistan. Ngay sau tai nạn chết người của Tổng thống độc tài Di-a Un Hác năm 1988, G.I.Khan đã trở thành quyền Tổng thống theo quy định về trình tự kế nhiệm của Hiến pháp Pakistan. Ông đã được chính thức bầu làm Tổng thống năm 1988 (vị Tổng thống thứ bảy của Pakistan) và giữ chức vụ này đến năm 1993.

HDI quan niệm, phát triển con người chính là và phải là sự phát triển mang tính nhân văn. Ðó là sự phát triển vì con người, của con người và do con người. Quan điểm phát triển con người nhằm mục tiêu mở rộng cơ hội lựa chọn cho người dân và tạo điều kiện để họ thực hiện sự lựa chọn đó (có nghĩa là sự tự do). Những lựa chọn quan trọng nhất là được sống lâu và khỏe mạnh, được học hành và có được một cuộc sống ấm no. Năm đặc trưng của quan điểm phát triển con người là: Con người là trung tâm của sự phát triển; người dân vừa là phương tiện vừa là mục tiêu của phát triển; việc nâng cao vị thế của người dân (bao hàm cả sự hưởng thụ và cống hiến); chú trọng việc tạo lập sự bình đẳng cho mọi người dân về mọi mặt: tôn giáo, dân tộc, giới tính, quốc tịch...; tạo cơ hội lựa chọn tốt nhất cho người dân về: kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa...

HDI được nhiều nước và tổ chức quốc tế chọn làm chuẩn để định lượng giúp nhìn tổng quát về sự phát triển con người, phát triển của quốc gia. HDI là chỉ số so sánh, định lượng về tuổi thọ, tri thức và thu nhập. HDI là thành tựu trung bình của một quốc gia theo ba tiêu chí. Sức khỏe: Một cuộc sống dài lâu và khỏe mạnh, đo bằng tuổi thọ trung bình với công thức: tuổi thọ trung bình trừ đi 25. Tri thức: tỷ lệ số người lớn biết chữ và tỷ lệ nhập học các cấp giáo dục (tiểu học, trung học, đại học) là 2/3 tỷ lệ số người lớn biết chữ cộng với 1/3 số học sinh tuyển vào chia cho tổng số học sinh trong cả nước. Thu nhập: Mức sống đo bằng PPP bình quân đầu người. HDI các nước trên thế giới được xếp theo ba hạng thấp, trung bình và cao.