Tác động của việc thả nổi đồng nhân dân tệ Trung Quốc

Hỏi: Theo ông liệu có khả năng Trung Quốc thả nổi đồng nhân dân tệ không?

Trả lời: Rõ ràng việc thả nổi đồng nhân dân tệ là một nhu cầu thực tế đối với sự phát triển bền vững của kinh tế Trung Quốc, cũng như tránh một cuộc đối đầu về thương mại với Mỹ và EU. Mới đây chính phủ Trung Quốc có tuyên bố chính thức sẽ điều chỉnh tỷ giá nhân dân tệ.

Trong bối cảnh toàn cầu hoá, nền kinh tế thế giới phụ thuộc hai yếu tố chủ chốt: Một là kinh tế Trung Quốc có “hạ cánh” an toàn không. Hai là, liệu ngân sách của Mỹ có giảm thâm hụt an toàn không, cả hai yếu tố này diễn ra đột ngột hay tiếp tục gia tăng đều gây ra hậu quả nghiêm trọng không chỉ đối với kinh tế Mỹ, EU và Trung Quốc mà cả nền kinh tế toàn cầu.

Các nhà lãnh đạo các nước này đều nhận thức được điều đó,  cho nên các chính phủ này hành động rất thận trọng, đặc biệt Mỹ và EU cũng biết rằng gây sức ép quá mạnh buộc Trung Quốc thả nổi đột ngột đồng tiền sẽ làm cho nền kinh tế sụp đổ (hạ cánh không an toàn). Những lời than phiền về đồng nhân dân tệ yếu đã trở nên thận trọng hơn.

Tại diễn đàn kinh tế thế giới tổ chức tại Trung Quốc vừa qua với sự tham gia của nhiều nhà kinh tế được giải thưởng Nobel về kinh tế, có ý kiến cho rằng chưa nên thả nổi đồng nhân dân tệ vì điều đó có thể dẫn đến sụp đổ hệ thống tài chính Trung Quốc, làm cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn lớn, thất nghiệp gia tăng.

Các ý kiến đưa ra khuyến cáo Chính phủ Trung Quốc có hành động dung hoà, một mặt giữ ổn định kinh tế Trung Quốc (hạ cánh an toàn), mặt khác, xoa dịu sức ép đòi phá giá tiền tệ của Mỹ và EU, tránh đối đầu thương mại bất lợi.

 Có dự đoán, Trung Quốc chỉ có khả năng điều chỉnh tăng giá nhân dân tệ một cách từ từ bằng việc mở rộng biên độ tỷ giá hối đoái không lớn, từ 3% đến 5%. Điều này phù hợp quan điểm “khôn ngoan, cẩn trọng” của Trung Quốc. Trung Quốc không dễ dàng phá giá mạnh như Mỹ và EU đòi hỏi là 10% - 15%. Ngoài ra, đồng nhân dân tệ vốn neo vào đồng USD , mà đồng USD chưa có triển vọng tăng giá sáng sủa trong thời gian ngắn hạn cho nên trên thực tế đồng nhân dân tệ cũng đã tăng giá chút ít so với đồng USD.

P/v: Nếu Trung Quốc thả nổi đồng nhân dân tệ sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế của Việt Nam?

Trả lời: Vấn đề này được nhìn nhận dưới ba khía cạnh. Một là, quan hệ thương mại Việt Nam và Trung Quốc ngày càng tăng. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc năm ngoái đạt 7,2 tỷ USD so với mức 4,8 tỷ USD năm 2003 và đặc biệt Trung Quốc trở thành đối tác xuất khẩu lớn nhất vào Việt Nam, chiếm xấp xỉ 15% kim ngạch nhập khẩu và thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc cũng tăng lên rất nhanh, năm ngoái là 1,7 tỷ USD, so với năm 2003 là 1,4 tỷ USD và xu hướng này đang tiếp tục tăng trong năm tháng đầu năm 2005.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc vào Việt Nam cũng tăng nhanh trong vài năm gần đây. Năm 2003 đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam chiếm tỷ trọng 10,3% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, xếp thứ 16/63 nước và vùng lãnh thổ; năm 2004 chiếm 14,4%, xếp thứ 14/68 nước và vùng lãnh thổ.

Về vay nợ trung dài hạn của Chính phủ, tỷ trọng vốn vay Trung Quốc của Việt Nam còn rất thấp, nhưng đã gia tăng mạnh từ xấp xỉ 3% (2003) lên xấp xỉ 8% (2004). Điều đó cho thấy ảnh hưởng kinh tế Trung Quốc đối với Việt Nam ngày càng lớn và quan hệ kinh tế, thương mại đã có dáng dấp quan hệ kinh tế bắc – nam.

Tuy nhiên, nếu Trung Quốc chỉ mở rộng biên độ tỷ giá hối đoái ở mức thấp như đã nêu trên thì về thương mại sẽ có tác dụng cải thiện thâm hụt thương mại của Việt Nam nhưng mức độ không lớn do sức cạnh tranh mạnh của hàng hoá Trung Quốc với chi phí thấp và lợi thế hơn nhiều so với hàng hoá Việt Nam.

Mặt khác do cơ cấu hàng xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc vào Việt Nam cũng khác nhau (Trung Quốc xuất hàng công nghiệp, Việt Nam xuất hàng nông sản ) trong quan hệ hai chiều cho nên tác động tích cực của việc tăng giá nhân dân tệ không đủ bù đắp lợi thế về sức bán của hàng hoá Trung Quốc.

Chúng tôi cho rằng việc Mỹ áp đặt mức thuế 27,5% đối với tất cả hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc và việc EU có chính sách hạn chế sự thâm nhập của hàng hoá Trung Quốc, cũng như việc Trung Quốc tự nguyện áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu sẽ có lợi cho Việt Nam nhiều hơn.

Hai là, về đầu tư, Trung Quốc là quốc gia cạnh tranh về thu hút đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam và các nước trong khu vực do chất lượng môi trường kinh doanh của Trung Quốc hấp dẫn hơn nhiều so với Việt Nam . Năm 2004: Trung quốc xếp thứ 47 về môi trường đầu tư, trong khi Việt Nam xếp thứ 79.

Vì vậy việc điều chỉnh đồng nhân dân tệ ở mức độ nhỏ không ảnh hưởng nhiều đến khả năng cạnh tranh của Việt Nam đối với Trung Quốc trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên việc điều chỉnh từng bước sức mua của đồng nhân dân tệ sẽ làm giảm kỳ vọng của các nhà đầu tư tiềm năng vào Trung Quốc. Do làm giảm kỳ vọng về tỷ giá cạnh tranh của đồng nhân dân tệ. Về lâu dài, điều này sẽ có lợi cho việc thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Hỏi: Việc thay đổi tỷ giá đồng nhân dân tệ có ảnh hưởng trực tiếp như thế nào đến hệ thống tài chính tiền tệ ở Việt Nam?

Trả lời: Trung Quốc là một quốc gia lớn và ảnh hưởng kinh tế Trung quốc đối với kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam ngày càng mạnh. Nhưng trước mắt, đồng nhân dân tệ chưa phải là đồng tiền mạnh,  chưa sử dụng  phổ biến là phương tiện thanh toán của Việt Nam.

Các tài sản tài chính của hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp Việt Nam được định giá và nắm giữ bằng đồng nhân dân tệ là không đáng kể.  Đồng nhân dân tệ cũng chưa nằm trong cơ cấu đồng tiền chủ yếu của đồng tiền dự trữ của Việt Nam. Thanh toán chính ngạch của Việt Nam đối với Trung Quốc qua hệ thống ngân hàng vẫn chủ yếu bằng các đồng tiền USD, EUR. Do đó, với mức độ điều chỉnh nhân dân tệ không lớn cũng sẽ ảnh hưởng không đáng kể đến thị trường tài chính nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng của Việt Nam.

Sự thay đổi tỷ giá hối đoái sẽ tạo ra rủi ro sai lệch kép (sai lệch kỳ hạn tín dụng) sẽ rất lớn. Điều này có thể ảnh hưởng đến các quan hệ thanh toán giữa các ngân hàng thương mại Việt Nam và các tổ chức tài chính Trung Quốc. Tuy nhiên mức độ sẽ không lớn.

Mặt khác, sự lên giá của nhân dân tệ có thể hỗ trợ cho việc phải giải quyết “thâm hụt kép” của Mỹ hiện nay. Vì vậy, đồng USD có triển vọng phục hồi. Điều này mới có ảnh hưởng lớn đến thị trường tài chính tiền tệ Việt Nam. Đặc biệt trong điều kiện thâm hụt thương mại của Việt Nam đối với phần còn lại của thế giới khá lớn và tình trạng USD hoá chưa được xử lý triệt để. Tuy nhiên, việc Trung Quốc tăng giá nhân dân tệ sẽ không dẫn đến việc điều chỉnh các định hướng chiến lược về tài chính tiền tệ của Việt Nam. Về căn bản, định hướng này đã tính đến bối cảnh kinh tế quốc tế tăng trưởng tương đối cao và ổn định, trong đó có yếu tố Trung Quốc.

Xin cảm ơn ông!