“Tắc đâu thông đó, vướng đâu tháo đó” để Thành phố Hồ Chí Minh phát triển xứng tầm

NDO - Phát biểu kết luận tại buổi làm việc giữa Đảng đoàn Quốc hội với Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh ngày 5/10, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định: Quốc hội thực hiện phương châm “Tắc đâu thông đó”, “vướng đâu tháo đó” để Thành phố Hồ Chí Minh phát triển xứng tầm. Tuy nhiên, quan điểm chung vẫn là: “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Quốc hội chỉ quyết các vấn đề phạm vi theo Hiến pháp, theo vị trí chức năng nhiệm vụ Quốc hội, còn thông tư, nghị định giao về cho Chính phủ để có thể sửa nhanh hơn nếu có vướng mắc.
0:00 / 0:00
0:00
Theo đồng chí Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, qua buổi làm việc đã tháo gỡ nhiều vướng mắc kiến nghị của Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: QUÝ HIỀN)
Theo đồng chí Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, qua buổi làm việc đã tháo gỡ nhiều vướng mắc kiến nghị của Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: QUÝ HIỀN)

Chủ tịch Quốc hội hết sức ghi nhận, đánh giá cao cách làm mới, khí thế mới của Thành phố Hồ Chí Minh, nhất là kết quả phát triển kinh tế-xã hội của thành phố đạt được trong quý III năm nay theo hướng tích cực, quý sau cao hơn quý trước, bên cạnh sự đồng thuận ủng hộ cao của nhân dân. 9 tháng tăng trưởng 6,8% muốn đạt chỉ tiêu 2024 là 7,5% thì quý IV phải phấn đấu đạt hơn 9% tăng trưởng, cần sự phấn đấu quyết liệt còn lại.

Về các chỉ tiêu kinh tế-xã hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn quan tâm vấn đề thu ngân sách bởi Thành phố Hồ Chí Minh thu đạt chỉ tiêu 2024, thì góp phần cho cả nước 27% để bảo đảm cân đối thu chi. Chủ tịch Quốc hội cũng thẳng thắn đánh giá: Tăng trưởng của thành phố chưa xứng tầm với tiềm năng, lợi thế, lợi thế của thành phố rất lớn, tất cả các trung tâm đều nằm ở thành phố này. Song kết cấu hạ tầng đầu tư chưa đồng bộ, vẫn là điểm nghẽn cản lực phát triển. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, kết quả giải ngân vốn đầu tư công của thành phố 10 tháng mới đạt 22% là quá thấp. Do đó, cái nào do chủ quan, khách quan phải phân tích, nguyên nhân do đâu để tháo gỡ, rút kinh nghiệm, chứ không nói chung chung.

“Tắc đâu thông đó, vướng đâu tháo đó” để Thành phố Hồ Chí Minh phát triển xứng tầm ảnh 1

Các bộ ngành góp ý kiến về kiến nghị, đề xuất của Thành phố Hồ Chí Minh.

Đối với những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thành phố đã nêu trong báo cáo, Chủ tịch Quốc hội cơ bản nhất trí và lưu ý thêm: Thành phố Hồ Chí Minh cần khẩn trương phối hợp các bộ, ngành Trung ương triển khai ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 98, đặc biệt là đối với 13/44 các cơ chế, chính sách chưa được áp dụng trong thực tế, đồng thời chỉ đạo các sở, ngành địa phương trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền, bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm cơ sở cho việc tổ chức thực hiện. Thành phố cần quan tâm rà soát những văn bản pháp luật, tổng hợp những vướng mắc về thể chế trong việc triển khai Nghị quyết 98 để làm căn cứ trình cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành mới. Bên cạnh triển khai có hiệu quả các luật, nghị quyết Quốc hội vừa thông qua như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Các tổ chức tín dụng…,

Đồng chí Trần Thanh Mẫn đề nghị các bộ cần quan tâm, sâu sát để hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh tháo gỡ khó khăn. Đó là tháo gỡ về thể chế để kinh tế-xã hội phát triển; tháo gỡ theo cách làm mới; tư duy xây dựng luật pháp, cách làm luật, nghị quyết...

Chung quanh các kiến nghị, đề xuất của Thành phố về Đề án xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh; các thành viên Đảng đoàn Quốc hội, lãnh đạo bộ, ngành thống nhất với chủ trương nghiên cứu, xây dựng Đề án Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam, phù hợp phương hướng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2021-2030), 5 năm (2021-2035) được thông qua tại Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, và Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị trong đó giao nhiệm vụ thúc đẩy Thành phố Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính quốc tế…Ngoài ra, ý kiến các bộ cũng thống nhất đề xuất về đầu tư Dự án Vành đai 4, Đề án phát triển đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh.

“Tắc đâu thông đó, vướng đâu tháo đó” để Thành phố Hồ Chí Minh phát triển xứng tầm ảnh 2
Dự án Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh đi qua địa phận 6 tỉnh, thành phố.

Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ rút kinh nghiệm những tồn tại, hạn chế qua đó nỗ lực khắc phục, tranh thủ lợi thế nhưng phải nghiêm túc nhìn nhận hạn chế để nỗ lực hết mình. “Chúng ta đều biết thành phố đầu tàu kinh tế, trung tâm của nhiều trung tâm, nhất là đầu tàu về kinh tế, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, văn hóa xã hội, nhất là Nghị quyết 31 và Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị nêu rõ. Tuy nhiên quyết tâm, quyết liệt là một chuyện nhưng mà còn làm như thế nào là một chuyện khác nữa chứ không phải chỉ hô khẩu hiệu”- đồng chí Nguyễn Văn Nên chia sẻ.

Theo đồng chí Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, qua buổi làm việc của Đảng đoàn Quốc hội đã tháo gỡ nhiều vướng mắc kiến nghị của Thành phố Hồ Chí Minh, phát huy vai trò chức năng của Trung ương với địa phương, có sự phối hợp giữa Trung ương với Thành phố Hồ Chí Minh. Điều quan trọng nhất là các đồng chí đã trực tiếp lắng nghe từ cơ sở, từ thực tiễn, nhất là những vấn đề nảy sinh ở cơ sở. Đoàn làm việc của Quốc hội cũng thể hiện chức năng giám sát, để xem những nghị quyết, những quyết sách từ Quốc hội đi vào cuộc sống như thế nào, kịp thời tháo gỡ cho thành phố ra sao…

Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất và kiến nghị Quốc hội thông qua tổng thể dự án, chủ trương đầu tư Dự án Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh, thành phần đoạn qua tỉnh Long An và có Nghị quyết về cơ chế chung cho cả dự án để triển khai. Dự án được lập căn cứ theo quy định tại Nghị quyết số 98 của Quốc hội và các Luật: Đầu tư công, Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Đất đai, Xây dựng, Quy hoạch đô thị…

Đường Vành đai 4, theo quy hoạch có chức năng kết nối các khu đô thị, khu công nghiệp, cảng biển, cảng hàng không quốc tế của Vùng đô thị thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời đóng vai trò phân luồng từ xa giúp giải tỏa áp lực giao thông cho khu vực nội thành của Thành phố Hồ Chí Minh. Dự án có quy mô khoảng 206,72km, đi qua 6 tỉnh, thành phố trong đó: đoạn qua tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu dài khoảng 18,23km; qua tỉnh Đồng Nai khoảng 46,08km; qua tỉnh Bình Dương khoảng 47,41km; qua thành phố Hồ Chí Minh khoảng 16,70km; qua tỉnh Long An khoảng 78,3km. Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án khoảng 136.593 tỷ đồng.