Những ngày đầu tháng 3, chúng tôi có dịp dự lễ khánh thành sân chơi mang tên Nỏ thần ở Đông Anh (Hà Nội), nơi cách Di tích lịch sử văn hóa thành Cổ Loa chỉ khoảng 5 km. Khác với những sân chơi thông thường, sân chơi này được doanh nghiệp TPG phối hợp nghệ sĩ Ưu Đàm thực hiện dựa trên truyền thuyết nỏ thần của An Dương Vương. Trung tâm sân chơi là hình ảnh chiếc nỏ thần khổng lồ chia thành bốn phần. Tại đây, các bạn nhỏ có thể thoải mái chơi những trò vận động như: Trượt, chui qua ống tròn, bám đu... Lấy chất liệu văn hóa của cộng đồng làm nguồn cảm hứng xây dựng sân chơi cho trẻ tại chính cộng đồng này, những người thực hiện sân chơi Nỏ thần mong muốn các em nhỏ vừa được vui chơi, vừa được tiếp cận những giá trị lịch sử. Sân chơi này chỉ là một trong khoảng 200 sân chơi miễn phí dành cho trẻ em đã được TPG thực hiện trong suốt sáu năm qua để hỗ trợ cộng đồng.
Nữ kiến trúc sư (KTS) Chu Kim Đức, Giám đốc TPG chia sẻ, cuối năm 2013, chị gặp một người phụ nữ Mỹ có nhiều tâm huyết với sân chơi thiếu nhi. Khi du lịch Hà Nội, bà có ý định tặng trẻ em Thủ đô một sân chơi công cộng ở trung tâm thành phố. Vì nhiều lý do, ý tưởng này không thể hiện thực hóa, nhưng dự án còn dang dở của bà đã khiến Kim Đức trăn trở và suy nghĩ rất nhiều. Chị tập trung quan sát và nhận ra những đứa trẻ thành phố thời nay thiệt thòi hơn nhiều về không gian vui chơi so với trẻ con nông thôn và so với chính tuổi thơ mà thế hệ chị trải qua. Sinh năm 1980 tại Hà Nội, KTS Chu Kim Đức từng có quãng thời gian thơ ấu gắn bó với nhiều không gian chơi quanh nhà. Từ vỉa hè, đường đi bộ đến các sân chung trong xóm đều đầy ắp những kỷ niệm vui đùa hồn nhiên cùng chúng bạn. Song điều này giờ không dễ thực hiện bởi cứ có khu đất trống ở cộng đồng, người ta thường dùng nó thành nơi để kinh doanh... mà chẳng mấy ai nghĩ đến việc sẽ tạo thành sân chơi cho trẻ. Các em muốn vận động phải chờ bố mẹ sắp xếp thời gian đưa đến những khu vui chơi và nhiều khi phải mất phí mới có thể tới những khu này. Sân chơi của trẻ em chưa được chú trọng, điều này đã thôi thúc KTS Kim Đức và người bạn Quốc Đạt thành lập TPG vào năm 2014 với mong muốn thay đổi nhận thức của cộng đồng về sự cần thiết của các sân chơi đối với trẻ em. Ban đầu, TPG hoạt động như một nhóm thiện nguyện chuyên tổ chức, thiết kế các sân chơi cho trẻ, sau đó mới chính thức trở thành doanh nghiệp xã hội để duy trì tính bền vững và khả năng hoạt động lâu dài.
Sân chơi đầu tiên TPG tổ chức là tại không gian vườn xoài ở bãi giữa sông Hồng, Hà Nội. Từ các vật liệu như lốp xe cũ, gỗ ván công nghiệp, tre nứa, lưới, dây thừng..., một sân chơi xinh xắn, nhiều mầu sắc với xích đu, cầu trượt, bập bênh... đã thành hình. Tiếp đó, TPG tổ chức sự kiện Play Day - ngày vui chơi cho trẻ em thu hút đông đảo các em nhỏ và cả các bậc cha mẹ tham gia. Nhìn thấy nụ cười hạnh phúc của các em khi được tự do vui chơi, các thành viên TPG càng có thêm động lực và niềm tin vào hướng đi mình đã chọn. Cũng chính thành công đầu tiên này đã mở ra cơ hội để nhiều “thủ lĩnh cộng đồng” là tổ trưởng tổ dân phố, bí thư chi bộ hay đại diện hội phụ nữ phường... bằng nhiều cách đã tìm đến TPG đề xuất việc hình thành các sân chơi cho trẻ ở khu dân cư họ sống. Vậy là sau đó, nhiều mô hình sân chơi cho trẻ đã được hình thành như ở đình làng Ngọc Hà, Khu tập thể Thành Công, Trung Hòa, phường Tân Mai, thôn Hà Lỗ… Đến nay, TPG đã thực hiện được khoảng 200 sân chơi cho trẻ trên khắp cả nước, trong đó chiếm một nửa là ở Hà Nội, còn lại ở một số tỉnh Tây Bắc, Đông Bắc, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, TP Hồ Chí Minh...
Tuy nhiên, hành trình mang đến các sân chơi cho trẻ của TPG không hề dễ dàng. Anh Quốc Đạt, đồng sáng lập TPG chia sẻ, muốn thực hiện sân chơi cho trẻ, trước tiên cần có không gian, nhưng cuộc chiến giành lại không gian công cộng thật sự không đơn giản. Có thể chỉ là dành ra nửa bãi đỗ xe, khu nhà vệ sinh cũ hay nơi tập kết rác... nhưng vẫn cần sự đồng thuận, nhất trí của cộng đồng dân cư. Có nơi, thủ lĩnh cộng đồng đã trực tiếp tìm TPG nhưng vì vấp phải sự phản ứng quyết liệt của một vài người dân, sân chơi cho trẻ đã không thể thực hiện. Ở một số nơi, phường còn phải dùng đến hình thức cưỡng chế mới có thể giành lại một phần không gian làm sân chơi trẻ em. Sau khi có không gian rồi thì phải tìm cách kết nối với những nhà tài trợ để huy động kinh phí, công việc này cũng gian nan không kém. Đó là chưa kể tới kinh phí bảo trì sân chơi, ý thức gìn giữ của cộng đồng sau khi sân chơi được thực hiện... Là một doanh nghiệp xã hội, TPG xác định dùng một phần lợi nhuận thu được từ kinh doanh để quay trở lại phục vụ cộng đồng.
Khi thực hiện các sân chơi, dù là mô hình sân chơi cố định, sân chơi phiêu lưu, vườn cộng đồng hay sân chơi di động trong không gian nhiều mục đích sử dụng thì TPG cũng luôn cố gắng sử dụng nhiều nhất các vật liệu tái chế. Theo KTS Chu Kim Đức, vật liệu tái chế không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn giúp kích thích sáng tạo, có thể kêu gọi sự chung tay góp sức từ cộng đồng trong khâu huy động nguyên liệu, sơn vẽ... Bên cạnh đó, sử dụng vật liệu tái chế làm sân chơi cũng tạo ra sự thân thiện, giúp trẻ nhỏ có thêm nhận thức về vấn đề bảo vệ môi trường sống. Tuy nhiên, KTS Kim Đức cho biết không phải vật liệu tái chế nào cũng sử dụng được. Để làm các sân chơi, các thành viên TPG phải dành nhiều thời gian để nghiên cứu và xử lý vật liệu sao cho bảo đảm tính an toàn và có độ bền cao. Với phương châm mang đến những thứ cộng đồng thật sự cần, TPG luôn gặp gỡ cộng đồng và tìm hiểu về lịch sử văn hóa gắn liền khu vực đó trước khi lên ý tưởng thi công. “Điều này sẽ mang lại nhiều hơn giá trị cho công trình, gia tăng sự kết nối và tính sở hữu của cộng đồng với không gian đó” - KTS Kim Đức chia sẻ.
Dự án tập huấn cho cộng đồng dân cư cùng xây dựng sân chơi của TPG được trao Giải nhất Cuộc thi Nâng cao nhận thức về các giải pháp thành phố xanh ở Việt Nam do Đại sứ quán Đan Mạch tổ chức năm 2017. Năm 2018, sân chơi ở thôn Hà Lỗ, Đông Anh do TPG thi công được nhận Giải ba của UNESCO Việt Nam về nghệ thuật tái chế. Đây là những động lực để TPG tiếp tục nỗ lực, bền bỉ cống hiến trên hành trình xây dựng sân chơi, cải tạo không gian công cộng thân thiện cho trẻ em trong các đô thị ở Việt Nam.