Đầu năm 2019, gần 9.200 VÐV của 60 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tham dự giải chạy ma-ra-tông TP Hồ Chí Minh diễn ra tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Ðể được tham dự giải đấu này, nhiều VÐV phải đăng ký trước sáu tháng và nộp lệ phí 1,1 triệu đồng cho cự ly 42,195 km. Những người đăng ký muộn phải đóng số tiền lên tới 1,95 triệu đồng ở cự ly dài nhất này, vậy mà Ban tổ chức cuộc thi đã "khóa sổ" trước hai tháng làm nhiều người muốn thi đấu buộc phải xếp hàng chờ những người đã đăng ký, nhưng không thi đấu để vào thế chỗ (hơn 3.000 người). Cuộc thi có rất nhiều cự ly từ 1.000 m cho lứa tuổi nhỏ; 5.000 m và 10.000 m, bán ma-ra-tông và ma-ra-tông phù hợp theo các lứa tuổi dự giải. Chính vì vậy, cho dù cuộc thi bắt đầu từ 2 giờ sáng, song các VÐV vẫn hồ hởi tham dự. Dù ai cũng biết giải thưởng chỉ mang tính chất động viên, nhưng vẫn rất đông các bạn trẻ cùng không ít VÐV cao tuổi, vận động viên "nhí" tham gia hào hứng, quyết tâm không bỏ cuộc giữa chừng.
Vào cuối năm 2018, đông đảo VÐV đã tham dự cuộc chạy xuyên đêm nghiệp dư cũng tại Phú Mỹ Hưng. Không tổ chức quảng bá rầm rộ, cho nên ban tổ chức cuộc thi này chỉ giới hạn 120 người tham dự, sau đó chốt lại danh sách là 127 VÐV tranh tài, nhiều VÐV dù không thể đăng ký tham gia, nhưng vẫn chạy cùng để rèn luyện sức khỏe. Cuộc đua bắt đầu từ 20 giờ tối hôm trước, diễn ra xuyên đêm đến sáng hôm sau, có những VÐV đăng ký thi đấu 80 km, song đã chạy hơn 100 km để vượt qua giới hạn của chính mình.
Trung tuần tháng 11 năm 2018, Giải chạy Kizuna Ekiden theo thể loại tiếp sức lần đầu được tổ chức tại Hà Nội đã lôi cuốn hơn một nghìn VÐV từ nhiều nước tham dự. Ðây là Giải chạy vì an toàn giao thông do Bộ Công an và Tập đoàn Báo Mainichi Nhật Bản phối hợp tổ chức đúng dịp "Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân chết do tai nạn giao thông". Theo ngôn ngữ Nhật Bản, Ekiden là môn thể thao chạy tiếp sức còn Kizuna là sự gắn kết giữa con người. Giải chạy lần này thu hút 202 đội chạy tiếp sức, mỗi đội gồm bốn VÐV, trong đó mỗi VÐV sẽ chạy hai vòng hồ Hoàn Kiếm (tương đương 3,5 km), đội nào có cả bốn VÐV truyền tay nhau và mang Tasuki (dải tiếp sức) về đích đầu tiên sẽ giành chiến thắng. Cùng với các đội chạy tiếp sức, đông đảo VÐV đăng ký và cả không đăng ký vẫn tham gia.
Tiếp nối những thành công trong năm 2018 và đầu năm 2019, nhiều giải chạy đường dài đã được lên kế hoạch tổ chức tại Việt Nam, những người tham dự đều tự nguyện nhằm mục đích rèn luyện sức khỏe đồng thời khuyến khích người thân, bạn bè và nhất là trẻ em tham dự. Nếu biết rằng hiện nước ta có khoảng 5% trẻ em béo phì, chỉ có khoảng 18% trẻ em Việt Nam ăn rau xanh đều đặn hằng ngày, có tới 80% trẻ em thiếu vận động (Thông tin của Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế) thì mới hiểu, các giải đấu tự nguyện này rất đáng khích lệ và nhân rộng.
Các nhà quản lý thể thao chuyên nghiệp đang phải tìm hướng đi mới trong việc đào tạo VÐV và tìm kiếm các nguồn tài trợ, đẩy mạnh xã hội hóa. Thực tế, ở nhiều giải đấu của các môn thể thao, trong đó có Giải bóng đá vô địch quốc gia (V-League), số lượng khán giả đến sân vẫn chưa được như mong đợi. Nhiều giải đấu chuyên nghiệp không thu hút được sự quan tâm của người hâm mộ thể thao, thậm chí phải mời và "thuê" khán giả đến xem, không kêu gọi được tài trợ để trao giải cho VÐV mà hoàn toàn sử dụng kinh phí nhà nước. Tại phần lớn các giải đấu nghiệp dư hiện nay, số lượng VÐV tham dự cùng lượng khán giả và nguồn thu hút tài trợ đã ngang ngửa, thậm chí còn hơn cả những giải chuyên nghiệp về điền kinh, bóng đá, quần vợt, bơi hay bóng bàn … Nguyên nhân là bởi các giải tuy gọi là nghiệp dư đã hướng tới nhu cầu thực tế của đông đảo người tham dự.