Nó càng trở nên 'hoàn chỉnh' và hấp dẫn hơn với những tiết mục hề đan xen của danh hề xiếc đất bắc - NSƯT Lê Tiến Mạnh, người từng làm náo động sân khấu tròn những năm 80 của thế kỷ trước và mới trở lại sàn diễn sau 15 năm tạm chia tay với xiếc.
Vẫn chỉ là những tiết mục do chính Tiến Mạnh dàn dựng thuở nào: hề Thuốc lào, hề Tung vòng, hề Tặng bóng, hề Thợ mộc, hề Ðồng hồ, hề Trứng nhằm phê bình, châm biếm thói hư, tật xấu, làm mất vệ sinh nơi công cộng hoặc thói phô trương, khoác lác, hợm hĩnh cùng sự hậu đậu, không chịu chuyên cần, học hỏi, vươn lên của không ít người trong xã hội để châm biếm, đả kích, nhưng mỗi tiết mục dường như cũng mang chứa đựng trong đó cả những chiêm nghiệm, sâu lắng hơn của một nghệ sĩ từng trải về nghề, lăn lộn trong cuộc mưu sinh mà vẫn giữ được nghề và trọn vẹn niềm say mê với nghệ thuật xiếc. Bên trong vẻ mặt của một anh hề được 'bôi, trát' ngộ nghĩnh, ít ai biết NSƯT Tiến Mạnh đã bước sang tuổi 55 mà lối diễn vẫn linh hoạt, nhuần nhuyễn, vừa hóm hỉnh, hài hước, vừa ứng biến, xử lý nhanh các tình huống sân khấu, bảo đảm được không gian, thời gian diễn biến của một tiết mục phụ trợ đan xen giữa các tiết mục chính.
Tốt nghiệp chuyên khoa nhạc hài và hề xiếc của Trường xiếc Trung ương Mát-xcơ-va (Liên Xô trước đây) từ năm 1971, Tiến Mạnh không chỉ thông thạo trong lĩnh vực theo học mà còn hiểu và có thể trình diễn ở cả các bộ môn cơ bản của xiếc như: đi dây, nhào lộn, tung hứng, ảo thuật và 'chơi' được múa, kịch câm cũng như các loại nhạc cụ: trống, ghi-ta, sáo, kèn. Anh cho biết, trường phái xiếc Liên Xô đào tạo diễn viên hề rất bài bản bởi họ quan niệm, hề xiếc phải 'đa di năng', am hiểu các kỹ xảo của các môn xiếc khác để vận dụng và thực hành trong tiết mục. Hề xiếc sử dụng tính ngoa dụ trong thể hiện các trạng thái tâm lý để mọi người cùng cảm nhận, cùng cười và qua đó thấy được cả hình ảnh của mình trong đó.
Nghỉ diễn trên sân khấu để chuyển sang kinh doanh và hiện là Chủ tịch HÐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ðức Hiếu, nhưng 'máu nghề' còn sôi sục khiến 'anh hề' Tiến Mạnh không thể ngồi yên. Người nghệ sĩ ấy vẫn luôn luôn trăn trở, dõi theo từng bước đi của các bạn nghề và những thế hệ học trò sau này. Theo Tiến Mạnh, hề xiếc Việt Nam chưa thể nói là đã phát triển so với các bộ môn khác của xiếc. Ðiều này có nhiều nguyên nhân mà quyết định chính là việc bộ môn hề xiếc hiện vẫn chưa có những khóa đào tạo chính quy, bài bản và chưa có được một giáo trình riêng. Sự trở lại của Tiến Mạnh trên sân khấu tròn lần này chính là cách để người nghệ sĩ tâm huyết với nghề động viên thế hệ diễn viên trẻ hôm nay, đồng thời mong muốn góp một tiếng nói đến các nhà quản lý ngành xiếc về việc sớm có những quan tâm đầu tư một cách hiệu quả, bài bản trong công tác đào tạo, sáng tác và biểu diễn bộ môn hề xiếc Việt Nam.