Sự thật về "Lửa thiêu cung A Phòng"

Một hố khai quật cung A Phòng.
Một hố khai quật cung A Phòng.

Một hố khai quật cung A Phòng.

Câu chuyện lưu truyền từ hơn hai nghìn năm nay, rằng cung A Phòng của Tần Thủy Hoàng ( 246-210 trước Công nguyên) nguy nga lộng lẫy, nhốt hàng nghìn cung tần mỹ nữ, sau bị Hạng Vũ đốt trụi, lửa cháy ba tháng ròng mới tắt, hầu như không ai hoài nghi, những tưởng là sự thật lịch sử. Nhà thơ Đỗ Phủ đời Đường hình dung cung điện cháy thê thảm trong bài thơ” Cung A Phòng tiêu tan”. Lại có tiểu thuyết và phim lịch sử miêu tả “Lửa thiêu cung A Phòng”…

Nhưng, gần đây, các nhà khảo cổ học thuộc Viện khoa học xã hội Trung Quốc và Sở văn vật thành phố Tây An đi tìm đấu tích cung A Phòng một thưở, đã không tìm thấy dấu tích cung điện, càng không thấy mảy may dấu vết của lửa thiêu ! Bằng chứng vật chất này phù hợp với tất cả những gì được ghi chép trong các tài liệu thư tịch được biết đến tới nay. Và thế là đông đảo các nhà sử học, khảo cổ học Trung Quốc đã lên tiếng giải thích lại câu chuyện như thật kia, rằng đó chỉ là truyền thuyết dân gian, chứ sự thật lịch sử thì khác hẳn.

Sử ký (Tư Mã Thiên) chép rằng vào năm thứ 35 triều Tần, Thủy Hoàng cho xây tiền điện cung A Phòng, nhưng hai năm sau đó ông đã mất, tất cả thợ làm cung bị điều đi xây lăng mộ.

Tháng 4-209 trước Công nguyên, vua kế nghiệp Tần Nhị Thế lệnh tiếp tục xây công trình bỏ dở. Tháng 7 năm ấy, nông dân khởi nghĩa, xã hội ngày càng rối loạn. Cuối năm sau (208 trước Công nguyên),  các đại thần trụ cột kiến nghị đình chỉ xây cung  A Phòng, bị vua tức giận hạ ngục. Nhưng rồi chỉ một năm sau, Tần Nhị Thế đã tự sát. Công trình quy mô lớn mới chỉ xây dựng trong năm năm, chắc chắn là dang dở, thậm chí còn có thể là chưa xong phần nền, móng. Sách Hán thư (Ban Cố) xác nhận: Tần Nhị Thế ‘xây tiếp cung A Phòng, chưa xong thì nhà Tần diệt vong”.

Từ tháng 10-2002 đến tháng 12-2003, các nhà khảo cổ học đến địa điểm xác định là nhà Tần chọn xây cung A Phòng, đào nhiều hố thám sát trên mặt bằng tới 200.000m2, trong đó hố khai quật chính rộng tới 1.000m2. Đào tới tận tầng sinh thổ , chỉ tìm thấy một khối lượng không nhiều những mảnh vỡ hiện vật gỗ, đồng thuộc thời Hán, không thấy tầng văn hóa thuộc đời Tần. Tài liệu khảo cổ chứng tỏ cung A Phòng quả thật mới chỉ xây dựng bước đầu.

Còn trận “lửa thiêu cung A Phòng” thì sao?

Các nhà khảo cổ cũng tuyệt nhiên không phát hiện dấu vết gì khả dĩ nghĩ đến cung A Phòng từng có lửa cháy. Trong khi đó, khi khai quật cung Hàm Dương ở kinh đô nhà Tần xưa, thấy rõ dấu vết hiện vật, nền đất từng bị cháy vào hai nghìn năm trước. Bằng chứng này phù hợp các tài liệu thư tịch.

Tới nay, chưa tìm thấy bất cứ tài liệu nào nhắc đến việc cung A Phòng bị cháy. Sử ký có trang chép Hạng Vũ ‘đốt cung điện, nhà cửa nhà Tần, lửa cháy ba tháng mới tắt”, là nói về vụ ( chép ở  trang khác )“đốt cung thất nhà Tần ở Hàm Dương”. Còn cung A Phòng dở dang thì nằm ở phía nam sông Vị Thủy.

Hóa ra câu chuyện cung A Phòng một thời nguy nga, sau bị lửa đốt cháy rực trời, rốt cuộc chỉ là lời đồn đại dân gian.