Muốn phục dựng sự kiện 30-4 ngay trong đêm 30-4 lịch sử
Phóng viên: Thưa nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh, thời gian đang dần trôi về ngày 30-4 lịch sử, những ngày này của 45 năm trước ông đang ở đâu, làm gì ở Sài Gòn?
Nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh: Mỗi khi nhớ về những giờ phút lịch sử trưa 30-4-1975 ở Dinh Độc Lập mà tôi may mắn có mặt chứng kiến, không hiểu sao bao giờ hình ảnh đầu tiên hiện lên trong ký ức tôi cũng là khung cảnh đêm 29-4, đêm cuối cùng của chiến tranh. Khi tôi cột xong chiếc võng dù ở bãi trú quân dã chiến trên đường từ Tây Ninh về, ngay trước cửa ngõ Sài Gòn thì đã gần 12 giờ đêm. Tôi và anh Văn Bảo, phóng viên nhiếp ảnh đi trong đoàn công tác đặc biệt của Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX) do đích thân Tổng Biên tập ngày ấy là nhà báo Đào Tùng dẫn đầu vừa tới được địa điểm dừng chân này. Các anh Thông tấn xã Giải phóng trong đoàn phóng viên cùng tiến về Sài Gòn đã đến trước chúng tôi tới 6, 7 tiếng đồng hồ. Tôi và Văn Bảo bị bỏ lại quá xa vì xe máy thủng lốp, không tìm đâu ra chỗ vá săm, phải dắt xe đuổi theo đoàn suốt từ 12 giờ trưa tới chiều tối mới gặp được một đơn vị bộ đội nhờ sự trợ giúp. Tôi trằn trọc, thao thức trong tâm trạng bồn chồn lạ lùng chưa từng trải qua trong đời. Mặt đất ầm vang tiếng rền của đủ loại vũ khí. Tiếng súng liên thanh rộ lên phía Trảng Bàng, Tây Ninh. Tiếng trọng pháo gầm, chớp lửa rực sáng bầu trời hướng đông nam trước mặt. Nơi đấy là Sài Gòn. Chúng tôi được lệnh sáng mai sẽ bám theo các binh đoàn chủ lực tiến thẳng vào Sài Gòn trong trận đánh cuối cùng. Khi tôi và anh Văn Bảo trên chiếc Honda 90 phân khối tới được Dinh Độc Lập, thì lá cờ chiến thắng đã được đại đội trưởng Bùi Quang Thận kéo lên ít phút trước đó. Như một cơn lốc, trong giờ phút huy hoàng của chiến thắng, tôi lao vào công việc.
Tổng Biên tập Đào Tùng (giữa) tiễn hai nhà báo Trần Mai Hạnh (bên phải) và Văn Bảo tại cửa rừng Tây Ninh sáng sớm 29-4-1975 lên đường tiến về Sài Gòn.
Tối 30-4-1975, trên chiếc com-măng-ca cắm cờ giải phóng tôi đi khắp Sài Gòn, say sưa ngắm nhìn “Hòn ngọc Viễn Đông” lộng lẫy trong đêm đầu tiên trở về trong lòng dân tộc. Khi về tới trụ sở Việt tấn xã (hãng thông tấn của chính quyền Sài Gòn) mà Thông tấn xã Giải phóng vừa tiếp quản thì đêm đã khuya. Tôi ngủ thiếp đi. Khi choàng tỉnh, giây phút đầu tiên tôi choáng váng trước ánh điện sáng trưng và không hiểu điều gì đã xảy ra. Thế rồi tôi định thần lại và chợt hiểu: Chiến tranh đã chấm dứt, đất nước đã thống nhất, bài tường thuật chiến thắng lịch sử của dân tộc tôi viết cũng đã điện được về Tổng xã ở Hà Nội. Tôi bước ra sân, Dinh Độc Lập ngay trước mặt, cả bốn tầng lầu rực sáng ánh điện. Những quả pháo hiệu liên tục được bắn lên bầu trời như pháo hoa mừng chiến thắng khiến khung cảnh càng trở nên rực rỡ, lung linh. Thành phố đã bước sang ngưỡng cửa ngày 1-5. Những sự kiện lịch sử trưa 30-4 vừa diễn ra tại Dinh Độc Lập phút chốc đã trở thành quá khứ, và sẽ ngày một lùi xa trong lớp bụi thời gian. Những sự kiện lịch sử chỉ diễn ra một lần, cũng như đời mỗi con người chỉ sống có một lần vậy. Tự dưng tôi bật ra ý tưởng phục dựng lại những giờ phút đó, phục dựng lại sự thật lịch sử đã diễn ra trong những ngày tháng sụp đổ cuối cùng của Việt Nam cộng hòa (chính quyền Nguyễn Văn Thiệu). Khi tôi thưa với Tổng Biên tập Đào Tùng về ý định xây dựng cuốn sách mới nảy sinh, ông hết sức hoan nghênh và khuyên tôi cần tiến hành ngay việc tìm kiếm, sưu tập các tài liệu nguyên bản từ phía bên kia, cả nguồn tài liệu trong nước và trên thế giới. Ông nói: “Chúng ta may mắn được chứng kiến những giờ phút lịch sử, chúng ta phải có trách nhiệm với lịch sử. Điều cốt lõi của lịch sử chính là sự thật. Muốn phục dựng trung thực sự thật đã diễn ra trong những ngày tháng sụp đổ cuối cùng của Việt Nam Cộng hoà thì phải phục dựng bằng chính các tài liệu nguyên bản, các văn bản gốc và nhân chứng của các sự kiện lịch sử thuộc phía bên kia (phía Việt Nam Cộng hòa và phía Hoa Kỳ), chứ không phải phục dựng bằng trí tưởng tượng và hư cấu của tác giả”. Tôi bắt tay ngay vào việc sưu tầm tài liệu. Đó chính là công việc chủ yếu của tôi trong những ngày tháng đầu tiên của Sài Gòn giải phóng 45 năm trước với nhiệm vụ là phóng viên của Phân xã VNTTX tại Sài Gòn.
Những ngày này, men say chiến thắng, những xúc động mạnh mẽ về chiến tranh và hòa bình cùng phút "lóe sáng" ý tưởng phục dựng sự sụp đổ của chính quyền Việt Nam cộng hòa ngay ngưỡng cửa ngày mới 1-5-1975, trong ánh điện rực sáng và pháo hoa lung linh trên bầu trời Dinh Độc Lập 45 năm trước lại ùa về, sống dậy mãnh liệt trong tâm trí tôi.
Nhà báo Trần Mai Hạnh tại Dinh Độc Lập sáng 7-5-1975 sau Lễ ra mắt Ủy ban Quân quản TP Sài Gòn - Gia Định.
Cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” viết về sự sụp đổ cuối cùng của chính quyền Việt Nam Cộng hòa của Nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh được Hội Nhà văn Việt Nam quyết định trao tặng “Giải thưởng văn học năm 2014” với số phiếu bầu tuyệt đối.
Năm 2015, “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” trở thành tiểu thuyết tư liệu lịch sử đầu tiên của Việt Nam đoạt giải thưởng văn học ASEAN. Năm 2017 "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" được dịch ra tiếng Anh, năm 2018 được dịch sang tiếng Lào và là sách của Nhà nước Việt Nam trao tặng nước bạn Lào.
Mới đây, tác phẩm đã được tái bản có bổ sung lần thứ 5.
Phóng viên: Văn hào Marquez, tác giả của cuốn “Hồi ký: “Sống để kể lại” viết: “Cuộc sống không chỉ là quãng thời gian ta đã sống, đã tồn tại, mà còn là những gì ta sẽ để lại dấu ấn của mình trong cuộc đời này. Trên chặng đường đó, ta được ước mơ, được trải nghiệm, được vượt qua thử thách, được thể hiện và sống thật với chính mình, cùng những nỗi buồn, hạnh phúc, sai lầm và nỗi đau. Để cuối cuộc đời chúng ta có quyền nhớ lại, hồi tưởng và kể lại những ký ức không quên đó... và chúng ta phải đấu tranh để bảo vệ được những ký ức tuyệt vời đó". Hình như ông cũng tìm thấy mình trong những lời này của Marquez?
Nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh: Xin cảm ơn anh đã nhắc lại lời dạy sâu sắc của văn hào Marquez trong cuốn "Hồi ký: Sống để kể lại" nổi tiếng của ông. Hơn nửa thế kỷ của cuộc đời làm báo, viết văn nhiều sóng gió thăng trầm của mình, trong đó có mười năm (1965-1975) làm phóng viên Thông tấn xã Việt Nam có mặt trên các chiến trường trong nam, ngoài bắc, tôi đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc của chiến tranh và hòa bình, được may mắn chứng kiến những giờ phút lịch sử trọng đại của đất nước. Có được những vinh quang nhưng cũng phải nếm trải những cay đắng và hệ lụy do tai nạn nghề nghiệp mang lại nên tôi càng thấm thía và tìm thấy mình trong lời nhắn gửi của văn hào Marquez - bậc thầy văn chương mà tôi vô cùng ngưỡng mộ. Nếu có một chút khác biệt trong suy nghĩ của tôi, thì sự hơi khác biệt đó là ở phạm trù quyền và nghĩa vụ. Marquez nói: "...chúng ta có quyền nhớ lại, hồi tưởng và kể lại...". Với tôi thì không chỉ là quyền, mà cái chính là nghĩa vụ và trách nhiệm nhớ lại, hồi tưởng, kể lại và bảo vệ những ký ức tuyệt vời đó...
Khi tôi viết "Danh dự người lính", nhật ký 21 ngày đêm chiến đấu trong vòng vây 7.000 quân Mỹ, ngụy và chư hầu tại huyện Điện Bàn (Bắc Quảng Nam - Đà Nẵng) từ hơn nửa thế kỷ trước của tiểu đoàn 3 chủ lực miền bắc và công bố trong cuốn "Thời tôi sống" (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật - 2018), thì cái chính không phải là quyền mà là nghĩa vụ và trách nhiệm phải viết bằng được. Gần 200 cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn đã hy sinh, chỉ có chưa đầy 10 người trong đó có tôi được lệnh tìm đường thoát khỏi vòng vây báo cáo với cấp trên xin quân số bổ sung để giữ lại phiên hiệu tiểu đoàn 3 anh hùng. Đêm cuối cùng, phút chia tay, chính trị viên trưởng tiểu đoàn nói như ra lệnh cho tôi: "Đồng chí phóng viên phải tìm mọi cách vượt ra khỏi vòng vây cùng với các đồng chí được cử ra. Đồng chí có trách nhiệm viết lại chân thực cuộc chiến đấu ác liệt này!".
Nửa thế kỷ sau đêm đó, không phải là "quyền được viết" mà là "nghĩa vụ và trách nhiệm phải viết bằng được", tôi đã hoàn thành "Danh dự người lính", mà nhờ sự công bố tác phẩm này tôi đã tìm được một chiến sĩ tiểu đoàn 3 ngày ấy còn sống tới nay - thương binh nặng 2/4 Trần Huy Mấm. Chúng tôi đã gặp nhau sau nửa thế kỷ, khi cả hai đã trên tuổi 70, cùng giở lại cuốn nhật ký cháy xém lửa chiến trường ngày ấy, xúc động đọc lại những trang tôi ghi chép về tiểu đoàn 3, trong đó có trang ghi khá kỹ về chiến công diệt địch và bắn cháy xe bọc thép của anh Mấm. Sau gần bốn thập kỷ, chính xác là 39 năm, cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" của tôi được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật - cơ quan xuất bản chính trị của Đảng và Nhà nước thẩm định và xuất bản. Tôi "vật vã", đeo đẳng và hoàn thành được việc phục dựng sự thật lịch sử về sự sụp đổ cuối cùng của Việt Nam cộng hòa (chính quyền Nguyễn Văn Thiệu) để công bố trong tác phẩm này, hoàn toàn không phải vì quyền được viết, mà chính là từ nghĩa vụ và trách nhiệm công dân của mình trước sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước mà mình có cơ may chứng kiến, cùng cơ duyên của cuộc sống với sự giúp đỡ của nhiều người.
Phóng viên Trần Mai Hạnh (đeo kính) cùng các đồng nghiệp tại cửa ngõ Sài Gòn sáng 30-4-1975.
Những sắp xếp ngẫu nhiên và kỳ lạ của cuộc sống
Phóng viên: Sau tất cả, hồi tưởng lại quãng đời làm phóng viên chiến trường tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, điều gì còn mãi trong ông, điều gì khiến ông nuối tiếc nhất?
Nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh: 45 năm đã trôi qua. Trong quãng đời phóng viên TTXVN, được sự tin cậy của Đảng và cơ quan, tôi đã được chứng kiến nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, song những giờ phút lịch sử trưa ngày 30-4-1975 ở Dinh Độc Lập và những giây phút chuyển giao của lịch sử dân tộc diễn ra những ngày đầu tháng 5-1975 tại Sài Gòn vẫn còn in đậm mãi trong tâm trí tôi. Được chứng kiến, tác nghiệp trong những giờ phút lịch sử huy hoàng và trọng đại của đất nước là hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời làm báo của tôi. Đó cũng chính là cội nguồn làm nên giá trị các tác phẩm báo chí và văn chương của tôi. Điều nuối tiếc nhất là lẽ ra có nhiều hoạt động báo chí trong khoảng thời gian có một không hai ấy, tôi có thể làm tốt hơn, hiệu quả hơn. Tôi luôn cảm thấy mắc nợ nhân dân và đất nước khi mình là một nhân chứng lịch sử mà chưa làm được thật tốt với ngòi bút của mình trước những sự kiện đã được chứng kiến.
Phóng viên: Ông có cảm thấy mình là người được chọn, khi mà nhiều nhân chứng lịch sử không hội tụ đủ các yếu tố để “kể lại”, trong khi ông thì hội tụ đủ được các yếu tố đó?
Nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh: Tôi không hề cảm thấy "mình được chọn", nhưng tôi cảm nhận rõ số phận của mình trước những sắp xếp ngẫu nhiên và kỳ lạ của cuộc sống đã giúp tôi làm được điều gần như không tưởng (đối với tôi). Đó là thu thập một khối lượng tài liệu đồ sộ, đa số là các tài liệu tuyệt mật của phía bên kia rồi hóa thân phục dựng thành công sự sụp đổ cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa (chính quyền Nguyễn Văn Thiệu) và công bố nó trong cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành.
Phóng viên: Trước khi đề cập đến tác phẩm “Biên bản chiến tranh” xin được hỏi đôi điều về cuốn: “Thời tôi sống” - một cuốn sách tập hợp những bài viết của ông thời ở chiến trường Quảng Đà những năm 68, 69 đầy máu lửa. Tôi đã đọc hết cuốn sách và cảm giác gai người trước những sự thật đối lập mà ông mang đến, như đoạn: “ Nhiều vùng rộng lớn bị B52, chất độc hóa học và và xe ủi biến thành vùng trắng. Không một cái nhà, một tấm tranh nào không bị đốt cháy. Tất cả mọi sinh hoạt ăn ở, nấu nướng, hội họp, yêu nhau đều ở dưới hầm. Một cuộc sống đi sâu vào lòng đất, từ lòng đất và lúc nào cũng sôi nổi đến mức mãnh liệt, phi thường. Những thôn xóm anh đi qua, những làng mạc anh đã sống, những vùng đất anh đã chiến đấu...đâu đâu cũng ngời ngợi một sức sống mới, đâu đâu cũng xanh lên, vang lên tiếng gọi thật thiết tha đối với cuộc sống của Tổ quốc chúng ta...” (Dẫu giọt sương rơi). Đoạn văn làm tôi nhớ tới câu thơ: “Nơi hầm tối là nơi sáng nhất; Nơi con nhìn ra sức mạnh Việt Nam”. Ông có thể lý giải vì sao có sức mạnh Việt Nam ấy của “Thời tôi sống” mà giờ đây nhiều người trẻ không hình dung nổi?
Nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh: Đoạn văn anh trích là từ bức thư tình tôi viết trên cánh đồng chết chóc của chiến tranh ở xã Điện Thái, huyện Điện Bàn (Quảng Nam), khi suốt một ngày trời tôi cận kề với cái chết, trong sự săn lùng của máy bay trinh sát và trực thăng Mỹ. Tôi không dám lý giải về sức mạnh Việt Nam vì nó to tát quá. Suốt hai năm 1968, 1969 làm phóng viên biệt phái của VNTTX tại mặt trận Quảng Đà, tôi sống và chiến đấu như một người lính thực thụ, trong đó có hai lần (tổng cộng thời gian là 55 ngày) phải sống và chiến đấu trong vòng vây rình rập và sự lùng sục gắt gao của kẻ thù. Hy vọng đoạn trích trong nhật ký của tôi về 40 ngày đêm chiến đấu trong vòng vây của tổ phóng viên VNTTX tại Quảng Đà in trong cuốn "Thời tôi sống", có thể đáp ứng phần nào câu hỏi của anh:
"...Tắm mình trong những thử thách quyết liệt, sự đau khổ và cả những niềm vinh hạnh lớn lao của dân tộc, con người dù ở hoàn cảnh ngặt nghèo nào cũng không hề tuyệt vọng, không hề cảm thấy nhỏ bé và đơn độc. Chiến tranh là một cuộc thử thách nghiêm khắc và toàn diện đối với mỗi dân tộc và mỗi một con người. Trong chiến tranh, hơn lúc nào hết, con người được giao phó đến cao độ vận mạng của chính mình, và xử trí ra sao, cái đó hoàn toàn tùy thuộc vào mỗi người. Tuổi trẻ chúng ta không bao giờ được quyền nghĩ đến cái chết, mà chỉ được quyền nghĩ đến sự sống, giành giật lấy sự sống từ tay kẻ thù. Những mầm xanh mang sức sống mãnh liệt đang thức dậy trong tâm hồn tôi..." ("Thời tôi sống", trang 234,235).
Phóng viên Trần Mai Hạnh tại chiến trường Quảng Đà năm 1968.
Tôi đặt cược sinh mạng chính trị vào các sự thật, sự việc, nhân vật trong sách
Phóng viên: Tác phẩm: “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” của ông vừa được tái bản lần thứ 5 (có bổ sung) chứng tỏ thời gian - sự thẩm định khắt khe nhất, đã ấn chứng đối với tác phẩm. Làm thế nào để ông dung hòa giữa tính chất “biên bản” và tính chất văn chương, tính nghiêm ngặt, chính xác của tư liệu lịch sử và những thô ráp ngẫu nhiên của đời thường trong “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”?
Nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh: Sau gần bốn thập kỷ tập hợp được một khối lượng tư liệu đồ sộ, tôi bắt tay viết tác phẩm này. Vì viết về đề tài lịch sử đương đại (sự sụp đổ của chính quyền Việt Nam Cộng hòa) bằng sự dung tưởng và hóa thân của nhà văn sang phía bên kia để phục dựng trên cơ sở tư liệu và tài liệu nguyên bản thu thập được của phía bên kia, nên tôi tự xác định tác phẩm của mình là "tiểu thuyết tư liệu lịch sử". Khi dùng hai chữ "tư liệu" (nói có sách mách có chứng), tôi đã khu biệt tác phẩm của mình với các tiểu thuyết lịch sử và tiểu thuyết dã sử khác. Mặt khác, khi dùng hai chữ "biên bản" cho tên sách, nghĩa là tôi đã đặt cược sinh mạng chính trị của mình vào sự thật, vào các sự kiện, sự việc, nhân vật và tình tiết lịch sử trình bày trong cuốn sách. Niềm tin vào sự thật lịch sử được phục dựng mang ý nghĩa sống còn của cuốn sách. Vì vậy, trong Lời tác giả tôi đã thưa với bạn đọc cụ thể năm nguồn tài liệu tôi đã căn cứ vào để xây dựng lên tác phẩm, đồng thời dưới mỗi chương đều có phần ghi chú rõ nguồn và nơi hiện đang lưu giữ những tài liệu mà tác giả đã viện dẫn và dựa vào để xây dựng lên chương sách đó, để nếu cần bạn đọc có thể tra cứu. Nghĩa là tác giả có thể dùng khả năng dung tưởng phong phú của nhà văn để hóa thân sang phía bên kia phục dựng sống động (như thật) các sự kiện đã diễn ra, nhưng sự phục dựng đó phải trên cơ sở của sự thật đã được kiểm chứng chứ không phải tự ý hư cấu, bịa đặt ra."Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" dựng lên một giai đoạn lịch sử của đất nước (sự sụp đổ của Việt Nam Cộng hòa - sự sụp đổ của cả một thể chế, cả một chế độ) mà đó là lịch sử đương đại, hàng triệu người gắn bó với nó mật thiết từ các phía, và còn cả gia đình của họ nữa, chỉ cần sai một chi tiết sẽ bị phản ứng ngay. Đơn cử, trong sách có tất cả 285 nhân vật, người thật việc thật, từ Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tới tướng lĩnh, sĩ quan các quân đoàn, sư đoàn, tiểu đoàn, rồi tới các cấp chính quyền dưới nữa. Nó phải chính xác cả tên, cả họ, cả tên lót và phận sự công việc mà con người đó đảm nhận. Thí dụ tướng Nguyễn Cao Kỳ mà viết là Nguyễn Quang Kỳ chẳng hạn là sẽ lập tức bị phản ứng, cuốn sách sẽ đổ ngay. Do đó việc tập hợp, đối chiếu, so sánh để kiểm chứng các sự kiện, sự việc, tình tiết và cả chi tiết từ khối tư liệu đồ sộ thu thập được để xây dựng nên tác phẩm rất mất thời gian, đòi hỏi sự cẩn trọng, tỷ mỷ và kiên nhẫn.
Bìa cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 tái bản lần thứ 5 có bổ sung.
Trong bài tham luận "Về một cách nhìn lịch sử trong tiểu thuyết đương đại" tại cuộc hội thảo về "Đổi mới tư duy tiểu thuyết" của Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Hà Nội tháng 2-2018, tôi có trình bày về việc sử dụng không gian bốn chiều để soi rọi làm rõ sự thật, bật lên ý nghĩa quan trọng của các sự kiện và tình tiết lịch sử phản ánh trong "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75". Giữa giá trị lịch sử, giá trị văn học và giá trị báo chí của tác phẩm, với tôi giá trị lịch sử là quan trọng nhất, căn cốt nhất. Văn học và báo chí chỉ là hình thức diễn đạt, truyền tải cho giá trị lịch sử của tác phẩm. Trong lời tác giả, tôi đã thưa với bạn đọc là tôi mong muốn tác phẩm của mình có giá trị văn chương, nhưng trước hết phải có giá trị vững chắc về sự thật lịch sử. Cơ may được chứng kiến, can dự và sống trong không khí sự kiện lịch sử diễn ra, với hàng trăm trang ghi chép tại trận, vừa là nhà báo, vừa là nhà văn đã giúp tôi phục dựng sống động và dung hòa được tính chất biên bản (sự thật) và tính văn chương của tác phẩm.
Để các sự kiện, sự việc tự cất tiếng nói
Phóng viên: Đọc “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” có thể thấy ông tiếp cận được một nguồn tư liệu đồ sộ hiếm có. Làm thế nào ông thu thập được một khối lượng tài liệu đồ sộ với nhiều tài liệu nguyên bản tuyệt mật quý giá đó?
Nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh: Tổng Biên tập Đào Tùng khi đó vừa là Cố vấn cho Ban Lãnh đạo Thông tấn xã Giải phóng, ông đồng thời là Trợ lý cho Lãnh đạo Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền nam và trực tiếp chỉ đạo hoạt động nghiệp vụ của Phân xã VNTTX tại Sài Gòn những ngày đầu giải phóng. Là phóng viên VNTTX tại Sài Gòn tôi đồng thời được giao làm trợ lý kiêm thư ký giúp việc cho ông. Nhờ đó tôi may mắn được tháp tùng ông trong hơn một tháng đầu của Sài Gòn giải phóng trong hàng loạt các cuộc hội họp, tiếp xúc với đủ các ngành giới, với Ủy ban Quân quản, với các cơ quan trong và ngoài quân đội. Với Giấy công tác đặc biệt của Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định cấp ngay sáng ngày 1-5-1975, với Thẻ nhà báo là Phóng viên của VNTTX, và nhất là với tờ Báo Nhân Dân số đặc biệt ra ngày 2-5-1975 có đăng bài tường thuật “Tiến vào Phủ Tổng thống ngụy” ghi rõ tên tác giả: Trần Mai Hạnh, Phóng viên VNTTX tại Sài Gòn, tôi dễ dàng tiếp xúc, tạo được niềm tin trong việc tiếp cận, khai thác những tài liệu quý giá phục vụ việc xây dựng cuốn sách của mình. 31 tài liệu tham khảo đặc biệt in trong Phụ lục cuốn sách tái bản lần này, hầu hết là các tài liệu ta thu được tại bàn làm việc và nơi ở của Nguyễn Văn Thiệu, Tổng thống Việt Nam cộng hòa tại Dinh Độc Lập, và tại phòng làm việc của Cao Văn Viên, Đại tướng, Tổng tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng hòa tại trụ sở Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn vào buổi trưa và chiều tối ngày 30-4-1975. Cơ may lịch sử, cơ duyên cuộc sống cùng sự giúp đỡ của các cơ quan có thẩm quyền trong và ngoài quân đội đã giúp tôi may mắn tiếp cận, khai thác được những tài liệu quý giá đó và lưu giữ tới nay. Sau khi sử dụng các tài liệu nguyên bản và các bản văn tin cậy tuyệt mật (ở thời điểm đó) của phía bên kia (phía Việt Nam cộng hòa và phía Hoa Kỳ) để phục dựng thành công sự thật lịch sử đã diễn ra trong những ngày tháng sụp đổ cuối cùng của chính quyền Sài Gòn và công bố nó trong cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" rộng rãi với bạn đọc cả trong và ngoài nước, tôi quyết định chọn in nguyên văn 31 tài liệu trên trong phần Phụ lục tài liệu tham khảo đặc biệt của cuốn sách tái bản lần này với hy vọng đáp ứng nhu cầu của bạn đọc và những ai có mong muốn nghiên cứu, tìm hiểu sâu thêm về những ngày tháng sụp đổ cuối cùng của Việt Nam cộng hòa.
Giấy công tác đặc biệt Ủy ban Quân quản TP Sài Gòn - Gia Định cấp cho phóng viên Trần Mai Hạnh sáng 1-5-1975, và Phù hiệu phóng viên tại Lễ ra mắt Ủy ban Quân quản TP Sài Gòn - Gia Định sáng 7-5-1975
Cốt lõi của lịch sử chính là sự thật
Phóng viên: Ông từng nói: “Sự thật là cốt lõi của lịch sử. Sự thật là món quà vô giá mà tạo hóa ban tặng cho con người. Chính sự thật sẽ làm nên tính khách quan, thuyết phục và tính nhân văn của tác phẩm”. Cuốn sách này là sự thật khủng khiếp. Tại lần tái bản thứ 5 có bổ sung, "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" có tất cả 285 nhân vật đều là 285 con người thật, chính xác cả tên, cả họ, cả tên lót và phận sự công việc mà con người đó đảm nhận. Nhưng vấn đề với một nhà văn là sự thật đó được viết thế nào để chạm được trái tim người đọc, vì sự thật - xét cho cùng mới chỉ là “nguyên liệu thô, là đầu vào của một tác phẩm” mà thôi, và đôi khi phải điều chỉnh “liều lượng” của sự thật trong cái khó “nửa sự thật không còn là sự thật”?
Nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh: Những ngày sụp đổ cuối cùng của cả một thể chế, cả một chế độ phía bên kia liên quan trực tiếp đến những cấu trúc xã hội và số phận hàng triệu binh lính, tướng tá quân đội và những người trong bộ máy chính quyền Sài Gòn đã diễn ra với một tốc độ kinh hoàng từ thượng tầng (Sài Gòn) tới các địa phương. Ngay cả những người có sức tưởng tượng phong phú nhất cũng không thể hình dung ra được. Thí dụ, các cuộc tháo chạy khỏi Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Cam Ranh, Vũng Tàu, Đà Lạt, Tuyên Đức, Biên Hòa, Sài Gòn được phục dựng trong tác phẩm khác hẳn nhau, rất sống động. Bởi lẽ không ai sắp xếp, tính toán, hình dung trước được; và cũng bởi lẽ mỗi cuộc tháo chạy xuất phát từ những hoàn cảnh, tình huống và tâm trạng cụ thể của con người rất khác nhau. Do đó, tập hợp đầy đủ nhất (có thể) các nguồn tài liệu, nhất là người trong cuộc và phản ảnh trực tiếp từ hiện trường của phóng viên các hãng thông tấn, báo chí Sài Gòn và phương Tây rồi phục dựng trung thực nhất (có thể) sự thật đã diễn ra là đã sinh động, hấp dẫn và chạm đến trái tim người đọc rồi. Lựa chọn chi tiết điển hình và hoàn cảnh điển hình như thế nào, tiết chế, “điều chỉnh” liều lượng sự thật ra sao, cái đó tùy thuộc vào tài năng của nhà văn và cả những điều "mách bảo" của linh tính mà nhà văn cảm nhận được.
Phóng viên Trần Mai Hạnh đang viết tường thuật tại Dinh Độc Lập vào Lễ ra mắt Ủy ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định sáng 7-5-1975.
Phóng viên: Có một nhà báo phương Tây nói đại ý: người làm báo đôi khi mắc vào một nghịch lý: Nửa cuộc đời đi tìm sự thật, nửa cuộc đời lại im lặng trước sự thật mình biết. Ông là người gắn bó cả đời với sự nghiệp làm báo với đủ vinh quang, cay đắng, có lúc nào ông cảm thấy đành im lặng trước những điều mình đã nếm trải?
Nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh: Đã 45 năm chiến tranh kết thúc. Bao sự kiện đã diễn ra, bao biến cố đã đến với mỗi cuộc đời trong khoảng thời gian không ngắn ấy. Riêng với tôi, không chỉ có những giây phút vinh quang và thời khắc lịch sử huy hoàng được chứng kiến, mà còn có cả những tai nạn nghề nghiệp và hệ lụy phải gánh chịu. Trong những thời khắc khó khăn của số phận, chính những giờ phút lịch sử trưa 30-4-1975 tại Dinh Độc Lập mà tôi được chứng kiến, và bài tường thuật đầu tiên “Tiến vào Phủ Tổng thống ngụy” của tôi được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam và đăng trên Báo Nhân Dân đã giúp tôi bình tâm lại, giúp tôi đứng vững với niềm tin không gì lay chuyển về lý tưởng cao đẹp của người cộng sản mà mình đã chọn lựa, để rồi tiếp tục sống có ý nghĩa trong cuộc đời này. Nhân tình thế thái và xã hội đã nhiều đổi thay. Có những thời điểm tôi thấy, con người không những cần phải im lặng mà còn phải biết cách im lặng như thế nào, và có những điều phải im lặng đến suốt đời.
Phóng viên: Nhà văn Pháp Alexandre Dumas viết: “Lịch sử chỉ là cái đinh để tôi treo bức tranh của mình”. Nếu xem lịch sử trong “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” là “cái đinh” thì bức tranh ông treo, thông điệp ông gửi gắm là gì?
Nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh: Theo tôi, điều cốt lõi của lịch sử chính là sự thật. Lịch sử là tự nó viết ra, không phải anh thắng thì viết thế nào cũng được và anh thua thì nói thế nào cũng xong. Sự thật là món quà vô giá mà tạo hóa đã ban tặng cho con người. Tôi là một tín đồ của sự thật. Và sự thật cũng chính là điều cốt lõi của tác phẩm này. Đó là bức tranh mà tôi muốn treo.
Jose Hernandez, nhà thơ lớn của Argentina nói rằng: “Ngay cả một sợi tóc gầy guộc cũng để lại bóng râm của mình trên mặt đất”. Điều đó hàm ý sâu sa rằng, sự thật dù có bẻ nhỏ, mảnh mai như một sợi tóc cũng không dễ gì xóa bỏ. Sự thật không hề bị hoen gỉ vì thời gian. Sự thật cuối cùng sẽ trở về với sự thật. Đó là điều tôi muốn gửi gắm.
Xin trân trọng cảm ơn ông!