Sử dụng virus gây bệnh lở mồm long móng để điều trị ung thư tụy

NDO -

NDĐT - Một loại virus gây thiệt hại nặng nề cho chăn nuôi gia súc có thể giúp các nhà nghiên cứu tìm ra một hướng điều trị cho căn bệnh có tỷ lệ sống sót rất thấp - bệnh ung thư tuyến tụy.

Virus gây bệnh lở mồm long móng.
Virus gây bệnh lở mồm long móng.

Các nhà nghiên cứu ở Đại học Queen Mary ở London đã xác định được một đoạn protein (peptide) được lấy từ virus lở mồm long móng nhắm đến một protein khác có tên AvB6. Đây là protein được tìm thấy ở mức cao trên bề mặt của đa số các tế bào ung thư tuyến tụy, căn bệnh có tỷ lệ sống cực thấp.

Với sự hợp tác của Công ty Spirogen (thuộc tập đoàn dược phẩm đa quốc gia của Anh và Thụy Điển) và Công ty ADC Therapeutics (Thụy Sĩ), nhóm các nhà nghiên cứu đã sử dụng đoạn protein này để đưa một loại thuốc điều trị cực mạnh, được gọi là tesirine, tới các tế bào ung thư tụy. Ở những con chuột có các khối ung thư tụy được kết hợp điều trị bằng thuốc và peptide này, các khối ung thu bị tiêu diệt hoàn toàn.

Sử dụng virus gây bệnh lở mồm long móng để điều trị ung thư tụy ảnh 1

Giáo sư John Marshall.

Giải thích về điều này, trưởng nhóm nghiên cứu, Giáo sư John Marshall, Trung tâm nghiên cứu bệnh ung thư Vương quốc Anh, nói: “Virus gây bệnh lở mồm long móng sử dụng protein AvB6 như một đường lây nhiễm cho gia súc bằng cách liên kết với protein này trên lưỡi bò. Qua kiểm tra các phần protein ở virus gắn với AvB6, chúng tôi phát triển được cách thức để chuyển một loại thuốc đặc biệt đến tế bào ung thư tụy. Các nghiên cứu trước đây của chúng tôi đã cho thấy khoảng 84% bệnh nhân mắc ung thư tụy có mức độ AvB6 cao hơn bình thường.

Nhóm nghiên cứu đã thực hiện các kiểm tra về sự kết hợp peptide/tesirine với tế bào trong phòng thí nghiệm và trên chuột. Họ đã sử dụng các tế bào ung thư ở người về mặt di truyền, một số tế bào có AvΒ6 trên bề mặt và một số không có ΑvΒ6. Cả hai loại tế bào đã được tiếp xúc với sự kết hợp peptide và thuốc. Các tế bào có ΑvΒ6 bị ảnh hưởng nhiều nhất, trong khi các tế bào âm tính ΑvΒ6 cần liều thuốc cao hơn nhiều mới tiêu diệt được.

Các thử nghiệm trên chuột đã có những kết quả rất ấn tượng. Chuột mang khối u dương tính với AvB6 được sử dụng một liều nhỏ kết hợp peptide và thuốc ba lần một tuần đã hoàn toàn ngăn chặn được sự phát triển của khối u. Nhưng nếu tăng liều dùng lên và chỉ sử dụng hai lần một tuần thì các khối u cũng hoàn toàn bị tiêu diệt.

“Những thành quả hết sức thú vị này là kết quả sau nhiều năm nghiên cứu ở phòng thí nghiệm, mở ra một phương pháp hoàn chỉnh cho việc điều trị căn bệnh ung thư tụy”, Giáo sư Marshall nói. “Lợi thế trong việc nhắm tới AvB6 rất đặc biệt với bệnh ung thư, bởi vì các tế bào của người bình thường vốn có rất ít hoặc không có loại protein này. Chúng tôi hy vọng có thể phát triển một biện pháp điều trị hiệu quả căn bệnh ung thư tụy vì nó có rất ít tác dụng phụ”.

Nhóm nghiên cứu hiện có kế hoạch thử nghiệm thêm việc kết hợp peptide và thuốc trong các mẫu chuột phức tạp hơn, nhằm xác định xem nó có thể tác động đến sự di căn ung thư tuyến tụy hay không, trước khi chuyển sang thử nghiệm lâm sàng.

“Mặc dù chúng ta đã đạt được nhiều tiến bộ trong điều trị nhiều loại ung thư, tỷ lệ sống sót đối với những người mắc bệnh ung thư tuyến tụy vẫn thấp và cần phải có các biện pháp điều trị hiệu quả hơn nữa. Nghiên cứu giai đoạn đầu này đã phát triển một loại thuốc mới đầy hứa hẹn làm giảm sự phát triển của khối u tụy trong phòng thí nghiệm. Và với nghiên cứu sâu hơn để xem liệu nó có an toàn và hiệu quả cho bệnh nhân hay không, chúng tôi hy vọng rằng một ngày nào đó có thể mang lại hy vọng mới cho những người mắc bệnh này”, Tiến sĩ Emily Farthing, quản lý thông tin nghiên cứu cao cấp tại Tổ chức Nghiên cứu ung thư Vương quốc Anh cho biết.

Nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí Theranostics ngày 12-2 và được Quỹ từ thiện Nghiên cứu ung thư tụy của Vương quốc Anh tài trợ.