Lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa hai bên dưới sự chứng kiến của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Nguyễn Thiện Nhân, đánh dấu mốc hợp tác chiến lược quan trọng giữa ứng dụng gọi xe công nghệ trong khu vực Đông-Nam Á và một tập đoàn đa ngành lớn của Việt Nam.
Với mục tiêu số hóa cơ sở hạ tầng công nghệ di động tại Việt Nam theo chiến lược dài hạn, hai bên sẽ cùng phát triển các cơ hội hợp tác trong nhiều dự án; đồng thời nghiên cứu và phát triển các giải pháp tích hợp nền tảng kỹ thuật số một cách phù hợp.
Là một phần của thỏa thuận hợp tác chiến lược, Grab và Tập đoàn Sovico sẽ cùng chia sẻ, tìm kiếm và tham gia vào các dự án thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) và các dự án hợp tác công - tư (PPP). Tầm nhìn chung này thể hiện cam kết sâu sắc của Tập đoàn Sovico trong việc phát triển và triển khai các giải pháp kỹ thuật số, đồng thời khẳng định sứ mệnh công nghệ vì cộng đồng của Grab nhằm không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam thông qua công nghệ.
Trước đó, trong tháng 7-2019, Grab và một số thành viên trong Tập đoàn Sovico, bao gồm VietJet, Swift247 đã ký thỏa thuận hợp tác để cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa siêu hỏa tốc từ điểm đầu tới điểm cuối và phát triển các giải pháp thanh toán thông minh trên di động.
Thông qua giải pháp công nghệ của Swift247, khách hàng sử dụng dịch vụ siêu hỏa tốc sẽ có thể vận chuyển hàng hóa nhanh chóng thông qua nền tảng dịch vụ giao nhận hàng hóa GrabExpress của Grab và máy bay Vietjet với thời gian vận chuyển giữa TP Hồ Chí Minh và Hà Nội chỉ trong vòng 5 giờ.
Hợp tác chiến lược với Tập đoàn Sovico là một bước tiến nữa của Grab trong việc thực hiện cam kết lâu dài tại Việt Nam nhằm mang lại nhiều lợi ích hơn nữa cho người dân, bao gồm nhưng không giới hạn ở các lĩnh vực công nghệ di động, logistics, giao nhận và thanh toán không dùng tiền mặt.
* Ngày 28-8, Grab, công ty chuyên về dịch vụ vận chuyển cho biết, sẽ đầu tư 500 triệu USD vào thị trường Việt Nam trong 5 năm tới để mở rộng mạng lưới về giao thông, thực phẩm và thanh toán tại Việt Nam.
Theo Reuters, đại diện của Grap tại Đông-Nam Á, Russell Cohen cho biết, khoản đầu tư này là một cam kết mạnh mẽ với Việt Nam, nơi có nền kinh tế phát triển nhanh, dân số tăng và các tầng lớp trung lưu mới nổi, động lực để áp dụng các dịch vụ kỹ thuật số. Chủ tịch Grab, Ming Maa, cũng cho biết, rất vui khi được đầu tư vào Việt Nam và công ty cũng nhận thấy những đặc điểm của thị trường Việt Nam rất giống với thị trường Indonesia.
Hồi tháng 7, Grab đã công bố kế hoạch đầu tư hai tỷ USD tại Indonesia, thị trường đông dân nhất khu vực, nơi Grab đặt mục tiêu xây dựng một mạng lưới giao thông thế hệ tiếp theo và chuyển đổi cách thức cung cấp các dịch vụ quan trọng như chăm sóc sức khỏe.
Quyết định đầu tư bổ sung vào Việt Nam được đưa ra khi thị trường vận chuyển trong nước nói chung và gọi xe kiểu Ride-hailing (chính là kiểu truyền thống khi khách đặt xe và tài xế sẽ chở khách đến thẳng địa điểm đã đặt) nói riêng trở nên cạnh tranh hơn với sự tham gia của Go-Jek, Indonesia và Be Be của Việt Nam.