Sống lại nghề gốm cổ Bồ Bát

NDO -

NDĐT - Thôn Bồ Bát có nghề gốm từ hàng nghìn năm trước đang có chiều hướng mai một. Vùng đất này có loại đất sét trắng rất quý dùng để sản xuất các sản phẩm gốm, song do nhiều năm không được quan tâm khôi phục cho nên số gia đình làm nghề hiện còn ít. Nay với chủ trương khôi phục và phát triển nghề truyền thống của tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Bình, nghề gốm Bồ Bát đang có xu hướng phục hồi trở lại.

Sản xuất gốm mỹ nghệ tại cơ sở gốm Bồ Bát (thôn Bạch Liên).
Sản xuất gốm mỹ nghệ tại cơ sở gốm Bồ Bát (thôn Bạch Liên).

Đầu tuần vừa rồi, người bảo vệ cơ quan báo tin “chú có bưu kiện gửi từ miền nam ra”. Tôi hơi ngạc nhiên vì thông tin ấy. Đã lâu lắm rồi, kể từ ngày chia tay miền trung, có vài người bạn chỉ trao đổi với nhau qua điện thoại, nào có ai quen đến mức phải gửi quà từ trong ấy ra. Tôi hơi tò mò khi mở gói quà. Thì ra là Hà, Nguyễn Thế Hà – một người bạn ở TP Hồ Chí Minh gửi ra một bộ chuông gió bằng đất nung rất đẹp, màu trắng đục. “Nghĩ ông là người đam mê phong thủy, nên tôi tặng ông bộ chuông gió để trừ tà!”- Hà gửi vài dòng ngắn ngủi.

Trong số những người bạn học cùng phổ thông thời còn để chỏm ở quê, Hà là người ưa sưu tầm, nhất là các loại tranh ảnh bằng nhiều loại chất liệu khác nhau, khiến căn phòng 20m2 của cậu la liệt những tranh, ảnh đủ loại. Đất nung, sơn dầu, tranh lụa, tranh Đông Hồ bằng giấy dó v.v. nhiều lần đến chơi nhà rồi vào phòng anh như lạc vào thế giới riêng của một tâm hồn thi sĩ đầy lãng mạn. Học xong THPT, Hà thi vào kiến trúc và đậu ngay vào ngành thiết kế mỹ thuật. “Nghề phù hợp với người đấy”, lũ bạn tôi thường nói với Hà như thế mỗi khi gặp anh vào chiều thứ bảy ở quê. Bẵng đi gần 20 năm, chúng tôi không gặp Hà bởi mỗi người theo đuổi một nghiệp của mình. Anh thì vào bộ đội, cậu khác lại vào công an, còn các chị, các em vốn ưa lý luận thì hầu hết làm nghề dạy học vừa gần nhà lại kiếm tấm chồng sinh con, khỏe.

Tôi thận trọng treo chuông gió, món quà của Hà gửi tặng ở chỗ trang trọng nhất là giữa cửa bước vào nhà. Nhiều người bảo, chuông gió phải treo trước cửa nhà nhằm mục đích mỗi lần có làn gió thổi, chuông gió là những miếng đất nung làm khum khum hình nón va vào nhau tạo nên những âm thanh như reo, như vui mừng hớn hở đón người thân. Lại có người còn bảo, chuông gió treo ở cửa còn tác dụng nữa là để xua tà ma quỷ ám, đuổi chúng đi kẻo chúng quấy mình. Tôi cũng không nghĩ được sâu như thế, song đúng là treo chuông gió trước cửa, có những âm thanh reo đến vui tai.

Từ ngày treo chuông gió, nhà tôi có vẻ như nhiều khách đến chơi hơn. Và hầu như tốp khách nào đến chơi cũng được nghe âm thanh lanh canh của chuông gió. “Chuông gió này là loại đất tốt đấy. Tiếng kêu thanh như giọng hát cao”, một ông chừng ngoài 60 tuổi bình luận. Chuông gió có nhiều loại, nhưng nếu được làm bằng chất liệu tốt mới có tiếng hay, đất kém thì chuông gió như giọng khàn, giọng ngạt mũi. Hôm chủ nhật vừa rồi, một thông tin làm tôi bực. Bực là vì nhiều người đến nhà đều khen chuông gió, có người còn cho rằng chuông này phải mua từ nước ngoài mới được tiếng lảnh lót hay như thế. Vậy mà có ông khách lại cho rằng, chuông gió này sản xuất ở Ninh Bình, thậm chí còn cho địa chỉ chính xác là làng Bạch Liên (Yên Mô). Tôi vốn không ưa tranh luận, nhưng rõ ràng vị khách ấy khiến tôi không vui vì họ đã chạm vào sự sính hàng ngoại lâu nay của tôi.

Trong một cuộc hội thảo khoa học về lịch sử Ninh Bình, tôi đem câu chuyện vốn làm tôi áy náy bấy lâu để hỏi Vũ Đức Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình, không ngờ anh xác nhận thông tin về lai lịch chuông gió ở Bạch Liên là đúng. Tôi sững người trước thông tin ấy. Nhưng vẫn chưa thuyết phục, buộc Giám đốc Sở phải đưa tài liệu tôi mới tin. Hóa ra làng Gốm Việt cổ Bồ Bát (nay là thôn Bạch Liên xã Yên Thành - Yên Mô - Ninh Bình) ra đời cách đây hơn ba nghìn năm.

Hồi đó, gọi làng Bạch Bát - Bồ Xuyên, chấn Thanh Hoa, thuộc Ái Châu xưa. Điều này được chứng minh qua kết quả các khảo cổ học khai quật tại khu di chỉ Mán Bạc thuộc thôn Bạch Liên thuộc giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên, đầu Đồng Đậu, có niên đại cách đây hơn ba nghìn năm. Năm 1999 các nhà khảo cổ Việt Nam tiến hành khai quật di chỉ Mán Bạc lần thứ nhất, tìm thấy được năm mộ táng và sáu cá thể cùng nhiều mảnh gốm. Lần khai quật thứ hai: có diện tích 24m2 tìm thấy 10 mộ táng và 11 cá thể, thu được 38 rìu, tám cái đục, sáu chuỗi hạt, 10 mảnh vòng gốm, ba nồi gốm và ba hình nấm khá nguyên vẹn cùng nhiều mảnh gốm dầy đặc. Điều này chứng tỏ nghề gốm Bồ Bát đã hình thành và phát triển từ thời đó.

Tương truyền, nơi đây là làng nghề truyền thống làm đồ gốm với nhiều mẫu mã đa dạng, phong phú và ngày càng tinh xảo, nên đến đời nhà Đinh (đầu thế kỷ thứ X), hàng năm, làng Bồ Bát vinh dự được cống tiến sản phẩm độc đáo của mình lên nhà vua, vì vậy còn có tên là làng Bát Cống (nghĩa là làng được cống tiến nhà Vua).

Năm 1010, vua Lý Công Uẩn rời đô về Thăng Long và trở thành trung tâm chính trị - kinh tế của nước Đại Việt. Do nhu cầu xây dựng và phát triển kinh thành, nhiều thương nhân, thợ thủ công từ khắp nơi tìm về Thăng Long làm nghề và lập nghiệp. Sự ra đời và phát triển của Thăng Long tác động sâu sắc đến kinh tế của các vùng miền chung quanh, trong đó có làng Bồ Bát. Đặc biệt, nơi đây nguồn đất sét quý, nguyên liệu quan trọng cho nghề gốm sứ phát triển. Một số nghệ nhân gốm của làng Bồ Bát di rời ra Thăng Long lập nghiệp. Ban đầu, có năm người thuộc các dòng họ Lê, Trần, Vương, Phạm, Nguyễn cùng gia quyến. Họ cùng đến vùng 72 gò đất sét trắng gần sông Hồng rồi cùng với dòng họ Nguyễn Ninh Tràng, lập thành phường. Nghề gốm ngày một phát triển, số gia đình làng Bồ Bát kéo ra Thăng Long ngày càng nhiều, nhất là thời Lê Trung Hưng. Đình làng Bát Tràng ngày nay còn hai câu đối ghi dấu tích:

Bồ di thủ nghệ khai đình vũ

Lan nhiệt tâm hương bái thánh thần.

Nghĩa là “Đem nghề nghiệp từ làng Bồ Bát ra đây để xây dựng đình miếu/Lòng dân thành kính tựa hương lan dâng lên cúng thánh thần”

Một số cuốn Gia phả của các dòng họ Lê, Trần, Nguyễn ghi lại thời điểm chuyển cư vào giai đoạn cuối thời Trần, thế kỷ 14, và Lê Sơ, đầu thế kỷ 15. Gia phả họ Trần do cụ Cử nhân Huấn Học Trần Lê Nhân chép năm Quý Hợi, niên hiệu Khải Định (1923), cụ là cháu 16 đời của họ Trần. Trong lời tựa cuốn gia phả có đoạn viết: “Cụ khởi tổ nguyên quán tại xã Bồ Bát, tỉnh Thanh Hóa, năm 30 tuổi gia đình bị hỏa hoạn, bèn cùng với người trong xã là họ Vương, họ Lê, họ Phạm và họ Nguyễn, đến phường Bạch Thổ để sinh cơ lập nghiệp, cụ thọ 70 tuổi. Họ Trần ta bắt đầu từ đấy”. Nếu tính một đời là 30 năm thì họ Trần ở Bát Tràng khoảng 480 năm. Thời Lê Sơ (1443). Gia phả họ Lê: căn cứ vào bài dẫn ở “Thế Đức Từ”, Gia phả chi thứ hai của họ Lê chép rằng “Trước khi dân Bồ Bát (Thanh Hóa) gặp thời loạn lạc, cuối đời nhà Trần, đầu nhà Lê”.

“Bây giờ, Ninh Bình đang có hướng khôi phục nghề gồm Bồ Bát” - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình Vũ Đức Dũng nói. Một số hộ dân vốn sống bằng nghề nông nay trở lại với nghề gốm, phục vụ du lịch và xuất khẩu. Nổi bật trong số này là Phạm Văn Vang, một thanh niên ngoài ba mươi có trí khôi phục nghề cha ông lập doanh nghiệp lấy tên “Gốm Bồ Bát”. Từ một cơ sở sản xuất thủ công, quy mô nhỏ, đến nay, đã mở rộng cơ sở, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Ngồi trò chuyện trong ngôi nhà cổ có niên đại hàng trăm năm ở thôn Bạch Liên, tôi mới biết chữ “Tâm” đối với nghề gốm của ông chủ doanh nghiệp trẻ Phạm Văn Vang. Sinh năm 1981 trong dòng họ Phạm lại là con thứ, nhưng Vang nung nấu ý trí khôi phục nghề gốm ở thôn Bạch Liên - nghề có hàng nghìn năm nay sắp thất truyền. Ngoài 20 tuổi, chàng trai họ Phạm dời nhà lên Bát Tràng, nơi chú, bác của dòng họ đang lập nghiệp để học nghề. Ba, bốn năm sau, có tay nghề khá vững, Vang trở về quê làm gốm. Trong một lần giao lưu với cơ sở gốm ở Bắc Giang, con trai họ Phạm bén duyên với cô gái họ Hoàng nết na cùng nghề. Họ cưới nhau sau đó ít lâu rồi cô dâu họ Hoàng, tên Huyền Trang về cai quản cơ ngơi gốm Bồ Bát ở Bạch Liên. “Vất vả lắm chú ơi. Ngày đầu lập nghiệp, hầu như hai bàn tay trắng, đắp đổi mãi dần mới thành cơ ngơi này đây” - cô dâu Hoàng Thị Huyền Trang nay cai quản cả một xưởng sản xuất vài chục người. Ngày đi giao hàng, tối về “vào lò” nếu không chú ý gặp gió tây nam là sản phẩm nứt, méo ngay - Trang nói. Anh ấy (Vang - chồng Trang) vừa phải chuyển gấp gần nghìn sản phẩm lên Hà Nội giao hàng nên ít khi ở nhà. Rồi còn chuyện nhiều lần các siêu thị, cửa hàng lưu niệm ở một số tỉnh miền trung và Nam Bộ, nhất là những trung tâm du lịch trong cả nước gọi điện thoại giục lấy hàng, không đáp ứng là họ phạt hợp đồng.

“Đây là những mặt hàng mỹ nghệ có tính chất lưu niệm mà cứ sản xuất mãi một mẫu thì liệu có bị ế không?”, tôi hỏi. “Bồ Bát coi chuyện cải tiến mẫu mã là hàng đầu quyết định sự tồn tại của cơ sở.” - Huyền Trang trả lời – “Ai cũng thế thôi, người ta chỉ mua một sản phẩm về làm kỷ niệm cho chuyến đi du lịch, lần sau lại gặp thì họ chẳng mua nữa. Cho nên phải thường xuyên cải tiến mẫu mã để đáp ứng ngày một cao nhu cầu người tiêu dùng trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo chỉ có ở vùng quê Ninh Bình”.

“Vậy cơ sở có đội ngũ kỹ thuật?” - tôi hỏi.

“Tất nhiên rồi. Cơ sở có 12 người là cán bộ, công nhân kỹ thuật, cán bộ quản lý” - Trang nói – “Chủ yếu được đào tạo tại chỗ, cầm tay chỉ việc. Còn... giám đốc Doanh nghiệp - Trang có vẻ hãnh diện khi nói về người chồng của mình – người được đào tạo tại Bát Tràng (Hà Nội) nhiều năm liền được tỉnh Ninh Bình vinh danh là Nghệ Nhân thủ công mỹ nghệ, nghề gốm sứ”.

Theo hướng dẫn của Trang, tôi đi qua những sàn tre đang trưng bày sản phẩm của cơ sở gốm Bồ Bát. Thật phong phú, có tới hàng trăm mẫu mã khác nhau từ sản phẩm gốm thô kích thước nhỏ, hình dáng đơn giản như: tượng con giống các loại, dây chuyền mặt gốm, dây thắt lưng đến sản phẩm mang tính mỹ thuật cao là gốm “Chuông Gió” và “Lọ Hoa Thiếu Nữ”, hay “Đôi Đèn Vườn” hoặc sản phẩm gốm “Chuông gió đại vẽ phong cảnh Việt Nam” là những sản phẩm mang nét tinh hoa của nghề gốm Bồ Bát được đánh giá cao trong các cuộc triển lãm trong nước. “Hàng năm, cơ sở gốm Bồ Bát có từ 10.000- 15.000 sản phẩm các loại, - Huyền Trang cho biết - năm 2012 sản xuất và tiêu thụ 20 nghìn sản phẩm ấm chén, chuông gió, tranh gốm, trang sức gốm, doanh thu đạt 1,2 tỷ đồng. Năm 2013 nâng lên 25 nghìn sản phẩm gốm, doanh thu hơn 2 tỷ đồng. Còn năm 2014, khả năng sẽ vượt 30 nghìn sản phẩm các loại”.

Chúng tôi đi trên con đường làng Bạch Liên vừa trải bê-tông nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới. Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Bình Hoàng Trọng Lễ cho biết, khôi phục nghề gốm Bồ Bát là một trong những làng nghề được tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Bình quan tâm khôi phục và phát triển, bởi vì đây là nghề truyền thống từ lâu đời. Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình sẽ sát cánh cùng cơ sở Bồ Bát để đưa công nghệ nung mới có công suất lớn hơn nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm đồng thời mở rộng sản xuất nhiều sản phẩm mới có kích thước lớn, hình dáng, kiểu cách mới, trang trí đẹp, nhiều mầu sắc, như chuông gió, ấm chén, tranh gốm, lọ hoa, bình hoa v.v. với chất lượng ngày càng cao, đáp nhu cầu thị trường, phục vụ sự nghiệp phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Ninh Bình.

Nếu công suất được nâng lên 400 nghìn sản phẩm/năm thì Bồ Bát sẽ thu hút hàng trăm lao động nông nhàn, tăng thu nhập cho nông dân khu vực nông thôn, góp phần cải thiện đời sống người dân địa phương.