Nhiều người lớn tuổi ở Đồng Nai nhớ lại, cách đây vài chục năm về trước, sông Đồng Nai chảy hiền hòa với những bờ sông bình yên, hoa màu tươi tốt… Vậy mà bây giờ, nhiều đoạn bờ sạt lở, bị băm nát do tình trạng khai thác cát đục khoét làm lòng sông rỗng ruột.
Tình trạng khai thác cát trái phép trên hệ thống sông Đồng Nai kéo dài đã để lại hậu quả nặng nề. Đất nông nghiệp hai bên bờ nhiều đoạn sông bị sạt lở nghiêm trọng, làm đảo lộn cuộc sống của nhiều hộ dân. Việc khai thác cát trái phép và lợi dụng các dự án nạo vét, duy tu luồng lạch... để trục lợi khiến dư luận rất bất bình và lo ngại, nếu không chấn chỉnh kịp thời thì hậu quả khó lường.
Tại xã Long Tân (Nhơn Trạch, Đồng Nai) có hàng chục héc-ta đất nông nghiệp bị sạt lở, trôi tuột xuống sông. Đến nay, tình trạng sạt lở vẫn tiếp tục diễn ra và có xu hướng ngày càng nghiêm trọng hơn. Đi dọc sông Vàm Môn (thuộc hệ thống lưu vực sông Đồng Nai), nhiều diện tích trồng lúa, trồng sen của người dân xã Long Tân bị sạt lở, có nơi sạt lở sâu vào đất liền gần 100m. Theo người dân nơi đây, các đối tượng khai thác cát trái phép rất liều lĩnh, sẵn sàng tấn công cả người dân nếu ra phản đối. Các đối tượng này thường lợi dụng nước triều dâng đưa phương tiện sát vào bờ để bơm hút cát. Việc làm đó theo thời gian đã tạo ra những hàm ếch đâm sâu trong lòng đất, dẫn đến sạt lở.
Không chỉ ở hạ nguồn sông Đồng Nai thuộc huyện Nhơn Trạch, sự lộng hành của cát tặc còn diễn ra trên thượng nguồn sông Đồng Nai. Ở các huyện Tân Phú, Định Quán (Đồng Nai), nơi con sông La Ngà (thuộc lưu vực sông Đồng Nai) chảy qua, nhiều đoạn sông cũng bị cát tặc móc ruột. Người dân xã Đác Lua, huyện Tân Phú đang đối mặt với tình trạng đất nông nghiệp sạt lở hằng ngày, làm diện tích đất sản xuất đang bị teo tóp vì lòng sông cứ nở ra. Có nơi, như ở khu vực ấp 4, ấp 11 đất bị sụt lún lấn sâu vào từ 20 đến 30m và vẫn tiếp tục sạt lở. Còn tại huyện Định Quán, nhiều năm nay là điểm nóng về tình trạng khai thác cát lậu. Rất nhiều đoạn sông Đồng Nai, La Ngà chảy qua các xã Thanh Sơn, Ngọc Định, Gia Canh đã nuốt chửng nhiều diện tích đất canh tác, cũng do khai thác cát rầm rộ từ nhiều năm qua. Dường như câu chuyện khai thác cát trái phép ở đây chưa bao giờ cũ khi mà tình trạng này vẫn thản nhiên tồn tại. Người dân phản ánh, thông thường từ 19 đến 23 giờ hằng đêm là thời điểm các chủ tàu cát lậu đi móc ruột lòng sông.
Đồng Nai và các tỉnh, thành phố lân cận trong khu vực trọng điểm phía nam là vùng phát triển kinh tế - xã hội sôi động, cho nên nhu cầu về cát xây dựng là rất lớn. Do đó, từ hạ nguồn cho đến thượng nguồn sông Đồng Nai, chỗ nào có cát là ở đó có nạn khai thác cát trái phép. Ngay tại TP Biên Hòa (Đồng Nai), tình trạng khai thác cát trái phép cũng diễn ra khá rầm rộ kéo dài trong nhiều năm. Các hộ dân sống ven sông ở các xã Hiệp Hòa, Hóa An, các phường Tân Vạn, Bửu Long... phản ánh với chúng tôi về tình trạng hút cát đã khiến nhiều đoạn sạt lở nghiêm trọng. Đặc biệt, bờ sông nhiều khu vực so với cách đây 5 - 7 năm về trước đã sạt lở vào khoảng 15 - 20m, thậm chí một số nhà dân cũng bị đe dọa khi đất sụt lún sát vào nhà, có nguy cơ bị sập bất cứ lúc nào. Dọc hai bên bờ sông Đồng Nai, nhiều bãi cát mặc dù hết thời hạn nhưng vẫn hoạt động. Đây được cho là nơi để các đối tượng bơm hút cát lậu mang đến tiêu thụ.
TP Biên Hòa đã thành lập Đội liên ngành phản ứng nhanh được trang bị đầy đủ phương tiện. Và trong hai năm qua, đã kiểm tra, bắt quả tang 24 trường hợp bơm hút cát trái phép trên sông Đồng Nai, tịch thu 25 phương tiện, xử phạt với số tiền hơn 150 triệu đồng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, so với thực tế, số vụ bị bắt giữ còn quá khiêm tốn.
Ngoài ra, một kiểu khai thác cát trái phép nhưng “hợp pháp” là việc một số đơn vị được cấp phép khai thác cát, nạo vét luồng lạch kết hợp tận thu cát. Các đơn vị này thường lợi dụng sự hợp pháp để làm quá tay, khai thác tận thu với số lượng nhiều hơn, ở độ sâu hơn so với giấy phép được cấp. Tình trạng này cũng diễn ra phổ biến trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong thời gian dài. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai, trên địa bàn tỉnh có 13 dự án được các cấp chấp thuận chủ trương thực hiện nạo vét, duy tu và nâng cấp các tuyến, lạch sông theo hình thức tận thu sản phẩm “lấy thu bù chi”. Nhưng khi đi vào hoạt động, những chủ dự án này không thực hiện nạo vét như đã đăng ký, mà chỉ chú trọng hút cát, bán lấy tiền. Việc quản lý khai báo tận thu sản phẩm chỉ diễn ra trên giấy, còn các cơ quan quản lý thì buông lỏng kiểm tra, giám sát.
Chuyện xử lý các đối tượng khai thác cát lậu của một số địa phương, ngành chức năng ở Đồng Nai như “bắt cóc bỏ đĩa” và vẫn trong vòng luẩn quẩn: bắt, xử phạt, rồi tiếp tục tái diễn. Đã đến lúc phải mạnh tay, nếu không những dòng sông sẽ trơ đáy, còn hậu quả thì người dân gánh chịu.
“Việc đấu tranh với cát tặc tuy khó nhưng không phải không làm được. Lý do các cơ quan quản lý đưa ra là các đối tượng này thường hoạt động lén lút vào đêm khuya, khi bị phát hiện thường đánh đắm phương tiện rồi nhảy xuống sông bỏ trốn, thậm chí chống đối cơ quan chức năng, có thể đúng, nhưng chưa đủ. Hoạt động bơm hút cát không phải diễn ra thầm lặng, họ phải sử dụng ghe, thuyền công suất lớn với tiếng nổ rất to, cho nên các cấp chính quyền địa phương không thể không biết được. Nếu xử lý quyết liệt, thường xuyên, đúng trách nhiệm, thì tình trạng khai thác cát lậu khó mà tồn tại được”.
NGUYỄN THỊ NHUNG
(Xã Ngọc Định, huyện Định Quán, Đồng Nai)
“Các cơ quan chức năng bắt nhiều vụ khai thác cát trái phép, nhưng lại ít xử lý hình sự, có thể gặp khó khăn do phải chứng minh hành vi vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, cho nên chỉ xử lý hành chính. Như vậy thì làm sao đủ sức răn đe trong khi hậu quả để lại là nghiêm trọng. Đề nghị các cấp phải xử lý nghiêm minh vì luật đã quy định, còn xử lý hành chính phải phạt tiền thật lớn. Những địa phương nào để tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm”.
NGUYỄN QUỐC THƯ
(Xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, Đồng Nai)