Sớm khắc phục tình trạng ùn tắc hoạt động đăng kiểm

Thực hiện đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, thời gian qua, lực lượng công an đã tiến hành điều tra, phát hiện một số sai phạm trong hoạt động đăng kiểm phương tiện giao thông; khởi tố vụ án và bắt tạm giam nhiều bị can liên quan để làm rõ hành vi vi phạm.
0:00 / 0:00
0:00
Các đăng kiểm viên kiểm định phương tiện tại một dây chuyền kiểm định xe cơ giới ở Hà Nội.
Các đăng kiểm viên kiểm định phương tiện tại một dây chuyền kiểm định xe cơ giới ở Hà Nội.

Đây là chuyên án quan trọng, thể hiện sự quyết liệt, thượng tôn pháp luật trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của lực lượng công an. Đến thời điểm này, hơn 400 lãnh đạo, đăng kiểm viên tại 68 đơn vị đăng kiểm xe cơ giới đã bị khởi tố, bắt giam; 72/281 đơn vị đăng kiểm phải tạm dừng hoạt động,... Tại nhiều địa phương trên cả nước, nhất là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, đã xảy ra tình trạng ùn tắc nghiêm trọng trong hoạt động đăng kiểm.

Huy động quân đội, công an vào cuộc

Nhằm duy trì hoạt động đăng kiểm ổn định, Bộ Công an đã chỉ đạo công an địa phương tạo điều kiện bàn giao cơ sở vật chất, trang thiết bị kiểm định cho các trung tâm đăng kiểm để sớm hoạt động trở lại. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, các Sở Giao thông vận tải huy động tối đa nhân lực, bố trí làm thêm giờ, kể cả thứ bảy và chủ nhật; ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ người dân đăng ký thời gian kiểm định từ xa; bổ sung nhân lực cho các đơn vị đăng kiểm bị thiếu, sử dụng cả các đăng kiểm viên bị khởi tố nhưng được tại ngoại hoặc đã về hưu; điều tiết, phân luồng giao thông, bảo đảm an ninh trật tự tại các đơn vị đăng kiểm,...

Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc đăng kiểm đang có xu hướng gia tăng, nhất là ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều chủ phương tiện phải xếp hàng chờ đợi nhiều ngày mới đến lượt, thậm chí người dân phải sang các tỉnh lân cận để đăng kiểm do thiếu hụt trầm trọng đăng kiểm viên. Bộ Giao thông vận tải đã có báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những vướng mắc và đề xuất một số giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, trong đó nhấn mạnh việc tăng cường lực lượng đăng kiểm viên của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, kịp thời giảm bớt ùn tắc, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đã có văn bản đề nghị Bộ trưởng Quốc phòng xem xét, cho phép lực lượng đăng kiểm viên và trung tâm đăng kiểm của Bộ Quốc phòng tham gia hỗ trợ hoạt động kiểm định xe cơ giới của Bộ Giao thông vận tải. Nếu được chấp thuận, Bộ sẽ phối hợp các đơn vị chức năng của Bộ Quốc phòng xây dựng kế hoạch sử dụng lực lượng đăng kiểm và các trung tâm đăng kiểm của Bộ Quốc phòng tham gia kiểm định, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Ngày 15/3, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, dự kiến cuối tuần này, Cục sẽ tiếp nhận khoảng 30 đăng kiểm viên từ Bộ Quốc phòng sang hỗ trợ, tăng cường lực lượng kiểm định cho các trung tâm đăng kiểm tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Từ đầu tuần trở lại đây, dây chuyền kiểm định của Trung tâm đăng kiểm 29-04V (Mê Linh, Hà Nội) ngoài 4 đăng kiểm viên sẵn có, còn bổ sung 3 chiến sĩ cảnh sát giao thông hỗ trợ. Một chiến sĩ làm nhiệm vụ phân luồng giao thông, hướng dẫn và phát phiếu hẹn cho người dân đến đăng kiểm; một cán bộ đảm nhiệm công đoạn nhận dạng tổng quát và kiểm tra phần trên phương tiện; một cán bộ khác hỗ trợ công đoạn kiểm tra trượt ngang, bánh xe dẫn hướng.

Tại Trung tâm Đăng kiểm 29-03S (quận Nam Từ Liêm), cũng huy động 4 chiến sĩ cảnh sát giao thông hỗ trợ làm nhiệm vụ. Trong thời gian tới, các trung tâm sẽ ưu tiên kiểm định xe vận tải, dịch vụ do các phương tiện này hoạt động với cường độ cao, nếu không kiểm định kịp thời, để lưu thông sẽ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, trường hợp không được hoạt động sẽ gây thiệt hại cho doanh nghiệp, ảnh hưởng phát triển kinh tế-xã hội.

Theo Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), từ ngày 15/3, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh được tăng cường hơn 100 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông về các trung tâm đăng kiểm. "Lực lượng quân đội, công an không quản ngại tăng giờ, tăng ngày làm việc để hoạt động đăng kiểm phấn đấu trở lại bình thường sau 1-2 tuần nữa.

Các bên sẽ rà soát, đánh giá thực chất việc phối hợp nhằm điều chỉnh phù hợp hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi đăng kiểm", Thiếu tướng Lê Xuân Đức nhấn mạnh. Lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam đánh giá, việc hỗ trợ của đăng kiểm viên quân đội, công an trong giai đoạn khó khăn này là rất quý. Do thiếu hụt nhân lực trầm trọng, lực lượng đăng kiểm viên công an và quân đội dự kiến sẽ hỗ trợ trong 1 tháng.

Sáng sớm 13/3, trong ngày đầu mở cửa trở lại, hàng trăm phương tiện đã xếp hàng trước Trung tâm đăng kiểm 29-03V (Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội) chờ kiểm định. Anh Hoàng Ngọc Chiến, ở phố Láng Hạ cho biết: "Xe của tôi hết hạn đăng kiểm từ ngày 9/3, đang tính phương án chạy lên Bắc Ninh để đăng kiểm thì biết tin Trung tâm 29-03V mở cửa trở lại, thế là tôi tranh thủ đến thật sớm xếp hàng và được phát phiếu kiểm định trong ngày, mừng quá! Mặc dù các trung tâm chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu của người dân, song đây cũng là tín hiệu đáng mừng trong việc tháo gỡ khó khăn về đăng kiểm".

Kiến nghị cơ chế đặc thù

Theo Cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam Nguyễn Chiến Thắng, ngay khi có chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an, Cục đã phối hợp Cục Cảnh sát giao thông xây dựng kế hoạch chi tiết, lên phương án bố trí lực lượng về các trạm đăng kiểm; đồng thời xử lý vấn đề kỹ thuật, kết nối phần mềm, cơ sở dữ liệu của hai bên, đưa các đơn vị đủ điều kiện đăng kiểm tham gia hỗ trợ Cục Đăng kiểm Việt Nam. Đây là giải pháp trước mắt Cục triển khai theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải nhằm mục tiêu trong tháng 3 này cơ bản chấm dứt tình trạng ùn tắc đăng kiểm.

Cùng với đó, Cục vận động các trung tâm đăng kiểm địa phương chi viện cán bộ nghiệp vụ cho các trung tâm ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, động viên các đăng kiểm viên bị khởi tố nhưng được tại ngoại quay trở lại làm việc. Hiện tại, đã có nhiều đăng kiểm viên ở các địa phương được điều động về vận hành một số trạm đăng kiểm ở Hà Nội.

Ngoài ra, Cục khẩn trương rà soát, sửa đổi Thông tư số 16, bổ sung quy định cho phép miễn kiểm tra kỹ thuật khi đăng kiểm lần đầu đối với xe ô-tô mới sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu chưa qua sử dụng; nghiên cứu phương án kéo dài chu kỳ đăng kiểm với các phương tiện mới sử dụng, dự kiến sẽ ban hành trong tháng 3 này. Đại diện lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, trong nhiều tháng qua, Bộ Giao thông vận tải và Cục đã nghiên cứu và đang trong quá trình lấy ý kiến về đề xuất thay đổi chu kỳ kiểm định.

Quá trình nghiên cứu đã tham khảo mô hình của các nước trên thế giới và trong khu vực, phù hợp nhất đối với thực tế hiện nay. Theo chỉ đạo của Chính phủ, Nghị định số 139/2018/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới cũng sẽ sớm được sửa đổi theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Hiện nay, đăng kiểm viên được tuyển dụng vào trung tâm đăng kiểm thuộc Sở Giao thông vận tải hoặc Cục Đăng kiểm Việt Nam phải là viên chức, nhưng tại các trung tâm xã hội hóa chỉ là lao động bình thường. Ngay việc tuyển dụng đăng kiểm viên, điều động chuyển từ khối tư nhân vào làm việc tại các trạm thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam hay Sở Giao thông vận tải phải thực hiện theo quy định của Luật Công chức, viên chức, trong khi đó, trạm tư nhân có thể tuyển thẳng.

Trong thời điểm ùn tắc nghiêm trọng hiện nay, để bố trí nhân sự chi viện, Cục phải vận động, nhờ hỗ trợ chứ không thể điều động như nhân sự thuộc trạm của Cục. Cục đang kiến nghị sửa đổi quy định theo hướng, cơ sở vật chất các trạm đăng kiểm thuộc quản lý của Cục, của Sở Giao thông vận tải hoặc doanh nghiệp tư nhân nhưng người lao động thực hiện đăng kiểm xe phải do tổ chức đăng kiểm quản lý.

Trong thời gian chờ sửa đổi, bổ sung Nghị định 139, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù để giải quyết ùn tắc kiểm định xe ô-tô hiện nay.

Trong đó, bỏ quy định mỗi đơn vị đăng kiểm xe cơ giới phải bố trí 1 đăng kiểm viên bậc cao, mỗi dây chuyền kiểm định phải bố trí đăng kiểm viên có đủ năng lực thực hiện đầy đủ các công đoạn kiểm tra, nhằm tận dụng năng lực của các đơn vị đăng kiểm mà vẫn bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật. Cùng với đó, giảm thời gian thực tập đối với các học viên có kinh nghiệm làm việc thực tế và đáp ứng đầy đủ năng lực chuyên môn cho hoạt động kiểm định.

Bộ cũng đề nghị bãi bỏ quy định số lượng xe cơ giới được kiểm định của đơn vị đăng kiểm, không giới hạn công suất mà theo thực tế tình trạng phương tiện vào kiểm định và thời gian làm việc có thể kéo dài để phát huy hết năng lực trung tâm đăng kiểm.

Ngoài ra, cho phép các đơn vị đăng kiểm bị đình chỉ hoạt động (thời hạn 1 tháng hoặc 3 tháng) được hoạt động trở lại nếu đáp ứng được các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực theo quy định tại Nghị định 139. Để người dân thuận tiện đi lại, Bộ kiến nghị cho phép phương tiện quá hạn đăng kiểm trong vòng 15 ngày được phép di chuyển đến đơn vị đăng kiểm thực hiện kiểm định (phương tiện không được chở người, hàng hóa, kinh doanh vận tải).

Lãnh đạo Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam đánh giá, những kiến nghị, đề xuất trên là giải pháp cần thiết, hiệu quả và khả thi trong bối cảnh hiện nay, cần được áp dụng sớm để "giảm áp" ùn tắc đăng kiểm.