Sớm có chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với sinh kế của người dân

NDO -

NDĐT- Trước nạn tàn phá rừng vẫn diễn ra gây nhức nhối xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần sớm có cơ chế, chính sách phục hồi và bảo vệ phát triển rừng gắn với sinh kế của người dân, tạo động lực khuyến khích người dân tích cực bảo vệ, phát triển rừng gắn với xóa đói giảm nghèo, nhất là tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đại biểu Tống Thanh Bình đề nghị Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành sớm ban hành tiêu chí đánh giá, phân loại chất lượng rừng. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Tống Thanh Bình đề nghị Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành sớm ban hành tiêu chí đánh giá, phân loại chất lượng rừng. Ảnh: Quochoi.vn

Đóng góp ý kiến thảo luận tại hội trường ngày 13-6, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho biết tình trạng phá rừng vẫn đang diễn ra nghiêm trọng ở nhiều nơi và một số sai phạm có dấu hiệu được che chắn, bảo kê.

“Phần lớn vi phạm thì có báo chí ở xa nhưng lại phát hiện lên tiếng cảnh báo, còn cơ quan quản lý ở gần nhưng lại không nhận thấy và không phát hiện, xử lý”- đại biểu nêu vấn đề.

Về công tác bảo vệ, phát triển rừng và chi trả các chi phí liên quan, theo đại biểu Tống Thanh Bình (Lai Châu), diện tích rừng cả nước hiện tại chủ yếu tập trung ở vùng địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, khu vực biên giới, rừng đầu nguồn lưu vực các con sông, suối lớn. Song thực tế cho thấy ở các khu vực này, đồng bào dân tộc thiểu số chưa thể dựa vào rừng để bảo đảm sinh kế có thu nhập và sống ổn định từ rừng.

Bên cạnh đó, chính sách giao đất giao rừng chưa đi kèm với hướng dẫn quy định cụ thể về nguồn lực tài chính, định mức chi trả cho khoanh nuôi, bảo vệ và chi trả dịch vụ môi trường rừng tuy đã được cải thiện song còn quá thấp, chưa thực sự tạo động lực để người dân chủ động tự giác bảo vệ, phát triển rừng. Trong bối cảnh và thực trạng ở Việt Nam, khi nước đầu nguồn tại các con sông, suối lớn đã và đang và sẽ thực hiện việc ngăn chặn dòng, vấn đề trồng rừng bảo vệ rừng để sinh thủy nước ngọt ổn định, an ninh nguồn nước trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

“Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan ban hành tiêu chí đánh giá, phân loại chất lượng rừng, bảo đảm nguồn lực tài chính, nâng mức hỗ trợ tương ứng cho chăn nuôi, bảo vệ và chi trả dịch vụ môi trường rừng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021 – 2030, nhằm tạo động lực khuyến khích người dân tích cực bảo vệ, phát triển rừng gắn với xóa đói giảm nghèo, bảo đảm coi rừng thực sự là một nghề” – đại biểu đề xuất.

Đại biểu cho rằng, đây là một trong những giải pháp tốt nhất, vừa bảo đảm tính khả thi và đồng thời tạo động lực khuyến khích người dân chủ động, tích cực trong bảo vệ, phát triển rừng một cách tự giác lâu dài, duy trì sinh tuổi, tạo nguồn nước ngọt ổn định và bảo đảm an ninh nguồn nước. Qua đó, góp phần ổn định đời sống, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, an ninh của đất nước nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng.

Liên quan vấn đề này, đại biểu Đinh Công Sỹ (Sơn La) cho biết, chúng ta đã có Nghị định số 75 ngày 9-9-2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số, tuy nhiên các chính sách, cơ chế theo Nghị định này sẽ kết thúc vào cuối năm nay và gia hạn đến năm 2027 với nhóm chính sách trợ cấp gạo, trồng rừng thay thế nương, rẫy.

“Qua thực tiễn 5 năm thực hiện các chính sách theo Nghị định số 75 nhận thấy đối với sáu nhóm chính sách hỗ trợ đã đạt được những thành quả nhất định và đáng ghi nhận. Qua tiếp xúc cử tri, rất nhiều ý kiến cho rằng mức hỗ trợ còn thấp, chưa thực sự thu hút được các hộ dân và cộng đồng tham gia” – đại biểu nêu.

Sớm có chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với sinh kế của người dân ảnh 1

Đại biểu Quốc hội Đinh Công Sỹ (Sơn La). Ảnh: TTXVN.

Để bảo đảm tính bền vững và tiếp nối các chính sách, đại biểu kiến nghị Chính phủ cần sớm có đánh giá và điều chỉnh, bổ sung tăng mức hỗ trợ, cũng như phương pháp triển khai. Theo đại biểu, chính sách phát triển kinh tế nông lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân nên tiếp tục được triển khai trong giai đoạn tới hoặc được lồng ghép vào Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

“Làm như vậy không chồng chéo về chính sách, tập trung ngân sách chi cho đầu tư phát triển, gắn kết được sinh kế của người dân với phát huy lợi thế từ rừng trồng, rừng khoanh nuôi” – đại biểu nhận định.

Do đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ủy ban Dân tộc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần rà soát và nghiên cứu hợp nhất chính sách này. Đồng thời, cùng với sự hỗ trợ trực tiếp thì cần có các chính sách thu hút, mời gọi các nhà đầu tư tâm huyết với nông nghiệp, với lâm nghiệp và tìm kiếm thị trường đầu ra cho các sản phẩm của người dân.

Về vấn đề chia sẻ nguồn nước, phát triển thủy điện và nước cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt ở vùng hạ du, đại biểu Đinh Công Sỹ cho rằng cần xem xét về chủ trương giao cho chủ đầu tư dự án thủy điện vừa và nhỏ, quản lý bảo vệ, khoanh nuôi và phát triển rừng ở lưu vực đầu nguồn. Các dự án được trích lại một phần từ nguồn kinh phí dịch vụ, môi trường rừng và tiền lãi phát sinh từ trồng rừng thay thế. Để thực hiện dự án nông lâm kết hợp với khoanh nuôi, tái sinh và bảo vệ phát triển rừng, sử dụng kinh phí dự phòng được trích tối đa 5% từ tiền dịch vụ môi trường rừng để điều tiết cho các lưu vực có đơn giá thấp hơn lưu vực khác trên địa bàn của các địa phương.

“Làm như vậy vừa gắn trách nhiệm của chủ đầu tư với các công trình thủy điện cùng với chính quyền địa phương trong việc đầu tư trở lại hạ tầng, an sinh xã hội, đồng thời lại bảo đảm sự công bằng giữa các lưu vực sông” – đại biểu nhận định.

Sớm có chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với sinh kế của người dân ảnh 2

Toàn cảnh phiên thảo luận của Quốc hội ngày 13-6. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Quốc hội vùng Tây Nguyên Bùi Văn Cường (Đắk Lắk) cũng cho rằng cần phải đầu tư để phục hồi, tái tạo và giữ gìn màu xanh của đại ngàn Tây Nguyên. Theo đại biểu việc này sẽ bảo đảm bảo vệ được môi trường sinh thái, làm giàu thêm tài nguyên du lịch, tăng tính cạnh tranh, tạo sự hấp dẫn của Tây Nguyên với du khách, các nhà đầu tư.

“Đề nghị Quốc hội, Chính phủ có cơ chế, chính sách phục hồi và bảo vệ phát triển rừng gắn với sinh kế của người dân. Làm tốt hai việc này cùng với việc tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững giai đoạn mới chắc chắn sẽ phát huy được tiềm năng, lợi thế của Tây Nguyên, đưa vùng đất này phát triển nhanh cùng cả nước trong giai đoạn mới” – đại biểu nhấn mạnh.

Liên quan công tác bảo vệ rừng, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, hiện nay chúng ta đang có chính sách hỗ trợ bà con và các chính sách phát triển rừng, vấn đề chi trả dịch vụ rừng đã tăng, tuy nhiên, tới đây cần tiếp tục tăng thêm để người dân tham gia giữ rừng.

“Thời gian tới, Bộ sẽ khảo sát đánh giá lại để đưa ra Chương trình phát triển rừng bền vững, tổng kết Quỹ bảo vệ và phát triển rừng, giải quyết một số vướng mắc trong chi trả dịch vụ môi trường rừng để bảo đảm việc bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên rừng, nguồn tài nguyên vô giá của đất nước” – Bộ trưởng cam kết.

Quan tâm phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Làm rõ kinh phí dành cho Chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Xử lý nghiêm tình trạng phá rừng pơ-mu ở Đắk Lắk

Truy quét nạn phá rừng ở khu vực giữa tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai