Tại siêu thị Aeon Long Biên (quận Long Biên), ngay từ sáng đã khá đông người tới mua sắm. Càng về chiều và tối, lượng khách đến càng gia tăng. Chị Nguyễn Mai Loan (ở phố Hồng Tiến, quận Long Biên) cho biết: “Tôi sắm bánh kẹo, trà, rượu… để biếu, tặng, thắp hương, sử dụng trong nhà. Năm nay, gia đình tôi chỉ mua sắm vừa đủ, vì bây giờ không cần tích trữ như trước”.
Qua khảo sát tại các siêu thị như BRGMart, WinMart, Aeon, Co.opmart, Go!…, lượng khách mua sắm tăng khoảng 20-30% so với tuần trước. Hàng hóa phong phú, đầy đủ. Các siêu thị tiếp tục triển khai chương trình khuyến mãi với mức giảm giá sâu, đa dạng mặt hàng, trong đó, tập trung ở các nhóm hàng thiết yếu. Bên cạnh đó, 22 doanh nghiệp bán lẻ của thành phố cam kết không tăng giá bán các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Các siêu thị tăng thêm thời gian bán hàng để phục vụ người dân mua sắm Tết. Cụ thể, hệ thống siêu thị Co.opmart tại Hà Nội mở cửa đến 22 giờ 30 phút các ngày từ 25-27/1 (tức từ 26-28 tháng Chạp), tăng 30 phút so với ngày thường. Trong ngày 28/1 (tức 29 Tết) hệ thống siêu thị này sẽ mở cửa từ 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa. Tại hệ thống siêu thị GO!-BigC, từ ngày 17-27/1, giờ mở cửa kéo dài từ 7 giờ sáng đến 23 giờ đêm. Bên cạnh đó, phía các siêu thị cũng đẩy mạnh kênh bán hàng online để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân trong việc mua sắm.
Tại các chợ truyền thống, các mặt hàng được tập kết về chợ tăng cao, trong đó, nhiều nhất là đồ khô như măng, miến, gia vị… cùng nhiều loại củ, quả. Giá các mặt hàng như thịt lợn, trứng gà, rau… ổn định. Chị Lê Thị Chi, kinh doanh thịt lợn tại chợ Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng) cho biết, giá thịt lợn vẫn giữ mức như ngày thường. Nhiều người đã đặt hàng lấy vào các ngày 25, 26 tháng Chạp để gói bánh chưng, nấu đông hoặc ninh măng. Dự báo, một số loại hoa, quả, nhất là chuối xanh, sẽ tăng giá mạnh trong dịp Tết này do ảnh hưởng của đợt bão số 3 năm ngoái.
Tết năm nay, dù sức mua có tăng nhưng các gia đình hầu hết có xu hướng chi tiêu tiết kiệm, chỉ tập trung vào các mặt hàng thiết yếu, có xuất xứ rõ ràng, bảo đảm an toàn thực phẩm. Người dân không tích trữ nhiều như trước do siêu thị, chợ mở ngay sau Tết. Giám đốc thu mua khu vực phía bắc của AEON Việt Nam Trần Thị Thu Quỳnh cho biết: “Chúng tôi đã làm việc với các nhà cung cấp nhằm bảo đảm nguồn hàng và giá cả ổn định, đồng thời, lên phương án về kho bãi, phương tiện, nhân lực trong tuần cao điểm trước Tết khi nhu cầu mua sắm tăng cao. Toàn bộ hệ thống siêu thị AEON sẽ hoạt động xuyên Tết Nguyên đán; cụ thể, hệ thống sẽ đóng cửa vào lúc 20 giờ tối 29 Tết (tức ngày 28/1) và mở cửa vào lúc 11 giờ sáng mồng 1 Tết (tức ngày 29/1)”. Tương tự, hệ thống siêu thị GO!-BigC cũng sẽ mở cửa từ ngày mồng 2 Tết.
Trong những ngày cao điểm này, các doanh nghiệp rất quan tâm tới công việc vận chuyển hàng hóa để bảo đảm kịp thời cung ứng cho thị trường. Giám đốc Kinh doanh chi nhánh Công ty cổ phần C.P Việt Nam Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, đơn vị có nhiều năm tham gia chương trình bình ổn thị trường và cung cấp sản lượng lớn hàng hóa cho người tiêu dùng. Tết Nguyên đán Ất Tỵ, phía doanh nghiệp đã chuẩn bị tăng 20% với hàng tươi sống và tăng 50% với hàng chế biến. Giai đoạn sát Tết, lượng tiêu thụ hàng hóa của doanh nghiệp tăng lên gấp đôi so với ngày bình thường. Vì vậy, đề nghị thành phố, các sở, ngành và Sở Công thương hỗ trợ doanh nghiệp về việc vận chuyển hàng hóa trong thành phố, nhất là trong thời gian cao điểm. Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho biết, Sở đã báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố chấp thuận chủ trương cho phép Sở Công thương chủ trì, phối hợp Sở Giao thông Vận tải, Công an thành phố kiểm tra, hướng dẫn cho phép 190 xe ô-tô vận chuyển hàng hóa thiết yếu, xăng dầu hoạt động 24/24 giờ trên địa bàn thành phố để phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ và công tác bình ổn thị trường năm 2025.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã trực tiếp kiểm tra việc cung ứng hàng hóa, phục vụ người dân mua sắm Tết tại một số đơn vị; lưu ý các siêu thị, các nhà bán lẻ, phân phối tiếp tục chủ động nguồn cung hàng hóa, tránh để thiếu hàng cục bộ khi nhu cầu của người dân tăng mạnh, nhất là trong những ngày cận Tết. Các lực lượng chức năng theo dõi sát sao diễn biến thị trường, không để xảy ra tình trạng khan hàng, tăng giá đột biến, kiểm soát an toàn thực phẩm, hàng giả… để người dân yên tâm mua sắm Tết ■