Trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp khó khăn, người dân phải "thắt lưng buộc bụng", việc lạm dụng đốt vàng mã tràn lan lại đang gây ra lãng phí lớn cho xã hội.
Nghề làm "đồ mã"
Ở giữa Thủ đô, có hẳn một con phố - phố Hàng Mã - chuyên kinh doanh đồ dùng phục vụ cõi âm, quanh năm bày bán những sản phẩm hàng mã với đầy đủ chủng loại, mẫu mã nhằm phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân. Những ngày này, phố Hàng Mã trở nên sôi động hơn bao giờ hết, "ngựa xe như nước, áo quần như nêm". Các "mặt hàng" máy bay, xe ô-tô, biệt thự, máy tính bảng, điện thoại iPhone,... được làm từ giấy nghễu nghện trên xích- lô, xe máy ùn ùn chở về. Vàng mã thường bán quanh năm nhưng chỉ thật sự tiêu thụ mạnh vào dịp rằm tháng bảy (âm lịch) bởi tâm lý người dân quan niệm đây là ngày rằm lớn nhất trong năm, là lễ cúng báo ơn tổ tiên nên nhà nào cũng sắm sửa cho đầy đủ. Đặc biệt, trong giới kinh doanh, làm ăn, những dịp này thường không tiếc tiền đốt mã.
Chị Lê Kim Loan, chủ một cửa hàng kinh doanh trên phố Hàng Mã cho biết: Năm nay tuy kinh tế khó khăn, không có nhiều các đơn hàng lớn và "độc" do các "đại gia" đặt, nhưng nhìn chung sức mua không giảm, thị trường hàng mã vẫn hết sức nhộn nhịp. Nhiều người vẫn sẵn sàng chi nhiều triệu đồng tiền thật để mua tiền giả đem đốt.
Làng Cót, nay là phố Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội), một ngôi làng nằm ven sông Tô Lịch, những năm trước đây nổi tiếng là trung tâm sản xuất vàng mã lớn của Hà Nội. Đây còn được ví là "tổng kho" hàng mã cho người cõi âm, nhưng giờ đây không khí làm đồ vàng mã ở làng Cót không còn nhộn nhịp, sôi động như xưa nữa. Do không cạnh tranh được, làng Cót bị mất thế "độc quyền" sản phẩm vàng mã. Trò chuyện với chị Lê Thị Hằng, chủ một cơ sở vàng mã hiếm hoi ở làng Cót còn sót lại, chị chia sẻ: Cách đây chừng mười năm, gần như nhà nào ở làng Cót cũng làm vàng mã, thu hút được những lao động trẻ em, người già gia công cho các cơ sở, nhưng nay chỉ còn lại một vài gia đình làm nhỏ lẻ hoặc nhận làm gia công cho những cơ sở sản xuất khác. Trung tâm nghề làm mã đã chuyển về làng Hồ ở Bắc Ninh rồi.
Nghịch lý của "tăng trưởng hàng mã"
Chúng tôi tìm về làng Đông Hồ (thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh). Nằm bên bờ nam sông Đuống, cạnh bến đò Hồ, làng Hồ (tục gọi là làng Mái) từ xưa đã nức tiếng xa gần với nghề làm tranh dân gian. Những năm cực thịnh, trong làng có cả thảy 17 dòng họ, với hơn 150 nhà theo nghề làm tranh. Nhưng nay làng Đông Hồ chủ yếu sống bằng nghề làm mã. Những con đường dọc dài trong làng, đâu đâu cũng thấy toàn tre với giấy. Người làng Mái ai cũng tất bật vót tre, dán giấy, buộc dây, đóng gói,... hối hả chuẩn bị cho các "đơn hàng" đến từ khắp nơi. Vừa thoăn thoắt đan khung cho con ngựa giấy to như ngựa thật, anh Nguyễn Hữu Tranh tâm sự: Thật ra, nghề vàng mã và nghề tranh ở Đông Hồ nhiều đời nay luôn song hành với nhau. "Áp Tết làm tranh, rảnh mùa làm mã", nhưng vì nay người dân không còn chơi tranh nữa mà thích đốt mã hơn nên trong cuộc mưu sinh cũng không có gì lạ khi cả làng xoay ra làm mã. Nghề làm mã bây giờ cũng khác xưa nhiều lắm. Trước đây chỉ toàn làm thủ công, đóng từng cọc tiền vàng; người, ngựa giấy,... dán khung xong chỉ vẽ bằng tay nên chậm và không đẹp. Còn nay, nhiều người trong làng đã đầu tư vài trăm triệu đồng sắm máy in theo kiểu công nghiệp, máy cắt, khuôn mẫu rất hiện đại, nên sản phẩm làm ra vừa nhanh lại vừa đẹp hơn nhiều. "Máy móc bây giờ chiếm đến 70% công đoạn, thế mới kịp đáp ứng nhu cầu "đốt" của người dân", anh Tranh cho biết.
Trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn, chưa có dấu hiệu hồi phục, hầu hết người dân phải "thắt lưng buộc bụng" trong chi tiêu, thế mà nhu cầu đốt vàng mã vẫn "tăng trưởng" không ngừng. Thực tế cho thấy, trong khi việc nhiều mặt hàng thiết yếu cho nhu cầu cuộc sống, sinh hoạt của người dân đang bị cắt giảm do kinh tế khó khăn thì thị trường vàng mã lại rất phát triển. Đây thật sự là một nghịch lý đáng lo ngại vì hàng mã hầu như không mang lại ích lợi gì cho xã hội, được làm ra chỉ để "đốt". Năm nay, có những đơn đặt hàng từ các tỉnh phía nam, đặt cả vạn bộ quần áo, Đông Hồ phải huy động hàng chục nhà cùng làm mới kịp. Anh Nguyễn Văn Đạt, một chủ cơ sở sản xuất vàng mã ở Đông Hồ cho biết: Nghề này dễ làm, dễ sống nên bây giờ ai cũng tham gia. Trước ở đây chỉ có làng Đông Hồ, nay đã lan sang nhiều làng chung quanh, tạo nên một "cuộc cạnh tranh" hết sức khốc liệt. "Dịch vụ" cho "thị trường âm" đang tăng trưởng liên tục trong nhiều năm và không có dấu hiệu lắng giảm.
Đốt vàng mã một cách văn minh, thể hiện lòng biết ơn những người thân đã khuất, hay tưởng nhớ công đức các vị có công với làng, nước là một phong tục truyền thống tốt đẹp, cần tiếp tục gìn giữ. Nhưng nếu đốt vàng mã không xuất phát từ chữ tâm, chỉ mù quáng cho rằng đốt thật nhiều vàng mã mới được tài lộc, thì đó thật sự là một hủ tục, làm xói mòn những giá trị văn hóa tâm linh tốt đẹp trong cuộc sống. Tính đơn thuần về kinh tế, việc đốt vàng mã gây lãng phí khủng khiếp cho xã hội, trung bình mỗi năm người dân đốt khoảng 50 nghìn tấn vàng mã, riêng tại Hà Nội tiêu tốn khoảng 400 tỷ đồng/năm cho việc đốt vàng mã. Kéo theo đó là vô số nguy cơ khác như ô nhiễm môi trường, cháy nổ, mất trật tự xã hội,... mà nguyên nhân xuất phát từ việc đốt mã. Ngày 27-7 vừa qua, một ngôi nhà ở ngõ 82, đường Kim Mã (Hà Nội) đã cháy rụi chỉ vì chủ nhà bất cẩn khi đốt vàng mã; ngày 26-5, khoảng 10 ha rừng bạch đàn ở huyện Hoài Nhơn (Bình Định) đã bị thiệt hại hoàn toàn do việc đốt vàng mã trong đám tang của người dân gần đó.
Có thể khẳng định, sự tăng trưởng mạnh mẽ của mặt hàng vàng mã là biểu hiện không lành mạnh của thị trường, cần sớm có những giải pháp để loại trừ khỏi đời sống xã hội. Tuy nhiên, tục đốt vàng mã vốn có cội rễ từ đời sống và tín ngưỡng dân gian của người Á Đông. Vì vậy, mấu chốt phải giúp người dân trở về đúng với nét đẹp vốn có của văn hóa truyền thống, không lạm dụng đốt vàng mã để "mua thần, bán thánh". Theo đó cần tăng cường công tác tuyên truyền, để người dân hiểu và nhận thức rõ về các hủ tục mê tín dị đoan, đốt vàng mã một cách tiết kiệm, ngăn ngừa những hành vi lạm dụng, gây lãng phí tiền của, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.
Có như vậy, chúng ta mới kìm hãm được sự phát triển tràn lan của vàng mã, tiết kiệm nguồn lực xã hội, hướng đến sự phát triển lành mạnh.
SONG PHẠM
Vi phạm quy định sao chụp tiền
Theo Quyết định 130/2003/QĐ-TTg về bảo vệ tiền Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: Nghiêm cấm sao chụp tiền đồng Việt Nam với bất kỳ mục đích nào, không có sự chấp nhận trước bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, tiền pô-li-me "âm phủ" có mẫu mã và mầu sắc giống hệt tiền thật, với đủ loại mệnh giá vẫn được lén lút in ấn và lưu hành ngoài thị trường. Đặc biệt tiền mệnh giá 500 nghìn đồng, nếu nhìn thoáng qua, ai cũng nhầm tưởng tiền thật. Không ít người đã bị kẻ xấu lợi dụng tiền "âm phủ" để lừa đảo. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng dường như vẫn "làm ngơ" trước hiện tượng sản xuất và buôn bán công khai mặt hàng trái phép này.
Trào lưu đốt vàng mã đang lan rộng
Mặc dù Nhà nước đã có luật cấm đốt vàng mã nơi công cộng, nhưng vàng mã vẫn được đốt ở khắp nơi, sức tiêu thụ vàng mã trên thị trường rất mạnh. Năm nay, do ảnh hưởng kinh tế khó khăn, tiêu thụ tại Hà Nội và một số tỉnh phía bắc có giảm đi đôi chút, nhưng "trào lưu" đốt mã đang có xu hướng tăng mạnh ở các tỉnh miền trung và miền nam. Đặc biệt, ở các tỉnh phía nam, trước đây người dân không có thói quen đốt mã, nay cũng bắt đầu ngập trong "thú mê" này.
NGUYỄN VĂN ĐẠT
(Chủ cơ sở sản xuất vàng mã làng Đông Hồ)