Sóc Sơn phấn đấu hoàn thành huyện nông thôn mới nâng cao trong năm 2025

Là địa phương có nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thời gian qua huyện Sóc Sơn tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới; đồng thời khai thác tiềm năng, thế mạnh địa phương phát triển sản phẩm OCOP, nâng cao thu nhập cho người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Thành viên đoàn thẩm định nông thôn mới thành phố Hà Nội thăm tuyến đường kiểu mẫu tại thôn Đan Tảo, xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn. (Ảnh Ngọc Lan)
Thành viên đoàn thẩm định nông thôn mới thành phố Hà Nội thăm tuyến đường kiểu mẫu tại thôn Đan Tảo, xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn. (Ảnh Ngọc Lan)

Những ngày cuối năm 2024, người dân xã Đông Xuân rất phấn khởi khi hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn được đầu tư nâng cấp, mở rộng ngày càng khang trang, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại. Anh Nguyễn Văn Mạnh, sinh sống tại thôn Đồng Dành, xã Đông Xuân cho biết, hệ thống giao thông nông thôn đã được đầu tư nhiều năm, nhưng nhiều tuyến đường trong thôn đi qua khu dân cư không thể mở rộng vì vướng vào đất, công trình của các hộ dân. Vừa qua, người dân trong thôn đã vận động và các gia đình đã tự nguyện hiến đất để chính quyền đầu tư mở rộng tuyến đường vành đai của thôn. Đến nay, tuyến đường được mở rộng khang trang, giúp người dân đi lại thuận lợi.

Đại diện Ủy ban nhân dân xã Đông Xuân cho biết, thực hiện nâng cao chất lượng các tiêu chí, xây dựng nông thôn mới nâng cao, từ năm 2021 đến nay, xã được đầu tư và vận động xã hội hóa hơn 140 tỷ đồng phát triển hạ tầng nông thôn. Đáng chú ý, xã đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mang lại giá trị kinh tế cao, như mở rộng diện tích trồng hoa nhài, ớt chỉ thiên, rau sạch; phát triển thương mại, dịch vụ, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. Năm 2024, Đông Xuân đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao.

Còn tại xã Hồng Kỳ, ngay sau khi về đích nông thôn mới năm 2017, chính quyền và người dân tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí, phấn đấu xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Trên địa bàn xã có Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn cho nên nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới được thành phố, huyện ưu tiên với tổng số tiền đầu tư xây dựng nông thôn mới hơn 870 tỷ đồng. Nhờ đó, các công trình hạ tầng phục vụ người dân được đầu tư, nâng cấp đồng bộ. Thu nhập bình quân đầu người năm 2024 đạt hơn 73 triệu đồng. Xã cũng đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Theo đại diện Ủy ban nhân dân huyện, từ năm 2021 đến nay huyện đã huy động được hơn 5.260 tỷ đồng để triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, nhất là ưu tiên đầu tư hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng sản xuất. Sản xuất nông nghiệp của huyện tiếp tục phát triển và hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, như: Vùng trồng lúa chất lượng cao, rau an toàn, rau hữu cơ; các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đến hết năm 2024, huyện có 18/25 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người năm 2024 đạt 76 triệu đồng.

Đáng chú ý, huyện hiện có hơn 10.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, hơn 4.500 ha đất lâm nghiệp, với hơn 110 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị xây dựng sản phẩm OCOP, đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân địa phương. Đến nay, trên địa bàn huyện có 146 sản phẩm, nhóm sản phẩm OCOP. Nhiều sản phẩm OCOP khẳng định uy tín, chất lượng, thương hiệu trên thị trường.

Đại diện Ủy ban nhân dân huyện cho biết, xác định xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, ngay từ đầu năm 2025, huyện tiếp tục triển khai các dự án nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, phấn đấu có thêm bảy xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và bảy xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu để có 100% các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 18 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện phấn đấu hoàn thiện hồ sơ báo cáo thành phố và Chính phủ công nhận đạt huyện nông thôn mới nâng cao năm 2025 ■