Sổ tay của Đào Đức- triển lãm nhỏ của một sự nghiệp lớn

Một phòng tranh có vẻ thật khiêm nhường trên một con phố nhỏ. Bước qua những cửa hiệu quần áo design cầu kỳ, qua quán spaghetti sành điệu, rồi qua ngưỡng cửa phòng tranh, sẽ là một thế giới hoàn toàn khác. “Những ngày nắng lửa trên luỹ thép Vĩnh Linh, những hố bom đầy nước ở ngã ba Đồng Lộc, khoảnh khắc cận kề cái chết trong gang tấc, những khuôn mặt kiên trung, những vẻ đẹp hồn nhiên, dung dị…”- 50 bức ký hoạ, lần lượt, không chỉ là những hình ảnh như hiện về từ một cuốn phim quay chậm với chính tác giả trong dòng hồi ức, mà hầu như với rất nhiều người khi đối diện với chúng.

“Gọi là Carnet (Sổ tay) với triển lãm này là rất thông minh, rất “đắc địa”. Bởi đây thực sự là những ghi chép dọc đường chiến tranh. Nhưng những bức ký hoạ trong sổ tay của hàng chục năm trước, trong một bối cảnh khốc liệt, lại là những tác phẩm hoàn chỉnh với những nét vẽ tinh tế, sống động, và đặc biệt, nó như được xắn ra từ từng mảng hiện thực. Xem những bức ký hoạ này, như được lật giở từng trang ký ức của cuộc đời mình vậy” - Nhà thơ Trần Đăng Khoa nói.

Những bức ký hoạ bằng bút sắt, chì than, mực nho và màu nước trên những tờ giấy đã ngả màu, với một lối vẽ hết sức chân thật, sau gần nửa thế kỷ nằm trong sổ tay, bây giờ mới đến với công chúng, vẫn tạo nên xúc động lan toả sâu xa.

Chủ nhân của những bức ký hoạ này, hoạ sĩ 79 tuổi Đào Đức- vốn là hoạ sĩ thiết kế mỹ thuật điện ảnh, và là giảng viên lâu năm của Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh- thì ngồi lặng lẽ một  góc phòng, lần giở từng bức tranh trong cuốn “sổ tay” của mình.

Tổ trực chiến Ba Đa - 28-11-1966.

“Đây là cô Náo, đây là chị Quế, đây là cô Trọng... Sau giờ trực chiến, họ làm mẫu cho tôi vẽ. Đây, bức vẽ hai cô gái ở tổ trực chiến Ba Đa này, sau khi bức vẽ hoàn thành được một tuần thì các cô hy sinh hết. Các cô đẹp lắm”…

Ông nói, ánh mắt nhìn xa xăm, như thể các cô gái một thời thanh xuân xinh đẹp hy sinh trong bom đạn đó hiện diện ở đâu đây, trong căn phòng nhỏ bé tràn ngập tiếng nhạc thời chiến này. Mỗi bức ký hoạ, mỗi nhân vật, khung cảnh… với ông là cả một câu chuyện dài kể mãi không hết, với những xúc cảm dường như vẫn còn mới nguyên. Ông đã sống ở đó, với họ, thân quen, gần gũi. Đó là những năm tháng ông lặn lội thực địa cùng với các đoàn làm phim trong vai trò là người thiết kế mỹ thuật.

Triển lãm nhỏ này cũng khiến người trong giới, đặc biệt là các hoạ sĩ thế hệ sau này, phải giật mình nhìn lại những quan điểm nghệ thuật của ngày hôm nay. Phải chăng sự phát triển qua những hình thức mới, chất liệu mới, phức tạp và cầu kỳ, đã làm cho hội hoạ có một khoảng cách biệt với đời sống thực tại. Như băn khoăn của hoạ sĩ Lê Thiết Cương - chủ nhân của Gallery 39A Lý Quốc Sư: “Quá nhiều chất liệu, quá nhiều kỹ thuật, liệu có làm che đi, lấp đi, thậm chí thế chỗ cho xúc cảm? Nó sẽ dẫn đến ngộ nhận, đánh lừa và ảo tưởng?”.

Đó cũng là lý do để hoạ sĩ Lê Thiết Cương, cùng với con trai của tác giả- hoạ sĩ Đào Hải Phong- thực hiện triển lãm. “Các cụ ngày xưa sống rất thật thà, làm nghệ thuật cũng rất thật thà. Nghệ thuật hôm nay có lẽ thiếu điều đó”. Hoạ sĩ Đào Hải Phong tâm sự - “ Có thể hôm nay, lớp hoạ sĩ như chúng tôi không muốn vẽ như thế này, không thể vẽ được như thế này, nhưng nhìn lại những gì mà cha ông mình làm được, thật đáng trân trọng, đó là những “giá trị vàng”, bởi không gì so sánh được, không thể làm lại được”.

Tuy nhiên, anh nói, đây chỉ là một triển lãm nhỏ, mang tính chất gia đình, chỉ với mong muốn “an ủi tuổi già” cho cụ. Cũng có nhiều người hỏi mua, thậm chí có bức đã được trả giá đến hàng nghìn USD, nhưng ông cụ nhất quyết không bán bất cứ bức nào.

 

Đôi bạn.

Hoạ sĩ Đào Đức cho biết, 50 bức ký hoạ này chỉ mới chiếm khoảng ¼ “gia tài” từ sổ tay của ông. Và đây cũng là lần đầu tiên, những bức tranh của ông được mang ra triển lãm.

Mặc dù vậy, nói đến hoạ sĩ Đào Đức, thì người ta nhớ ngay ông là một trong những hoạ sĩ đầu tiên của điện ảnh Việt Nam. Ông là người thiết kế mỹ thuật cho bộ phim truyện đầu tiên “Chung một dòng sông” và cũng là người giành nhiều giải thưởng trong lĩnh vực này.

Sự nghiệp mỹ thuật của ông cũng có một bề dày đáng nể. Ông đã có những thành công với tranh lụa, sơn dầu, và đặc biệt là đồ hoạ áp phích (từng được giải thưởng quốc tế tại Warsaw 1968-1970).

Nhiều người trong giới chuyên môn nói rằng, những thành công trong điện ảnh đã vô tình che lấp những giá trị trong hội hoạ của ông. Với triển lãm này, người xem có thể thấy một mặt khác trong sự nghiệp lớn của một nghệ sĩ lớn- NSND Đào Đức.

Vài nét về họa sĩ Đào Đức:

Họa sỹ Đào Đức tại
xưởng vẽ năm 1970.

Sinh năm 1928 tại Nam Định. Tham gia cách mạng trước năm 1945, theo học mỹ thuật trên chiến khu Việt Bắc, do thầy Tô Ngọc Vân giảng dạy. Thiết kế mỹ thuật bộ phim truyện đầu tiên của điện ảnh Việt Nam “Chung một dòng sông”. Được Bác Hồ tặng huy hiệu của Người. Đoạt giải thưởng lớn tại triển lãm quốc tế tranh áp phích Warsaw 1968-1970. Tham gia thiết kế hàng chục bộ phim truyện nhựa và đoạt bốn giải thưởng trong lĩnh vực này.