Số lượng cần đi đôi với chất lượng

Trong đổi mới giáo dục đại học (GDÐH) hiện nay, đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục có trình độ, năng lực là nhân tố quyết định thành công. Vì vậy, gần đây, Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) đã xây dựng dự thảo Ðề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý cơ sở GDÐH và các trường cao đẳng sư phạm, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện GD và ÐT, xin ý kiến các bộ, ngành, đơn vị liên quan.

Trong đó, mục tiêu của đề án đến năm 2025, tầm nhìn 2030 sẽ đào tạo khoảng chín nghìn tiến sĩ (khoảng năm nghìn tiến sĩ (TS) đào tạo ở nước ngoài); bồi dưỡng cán bộ quản lý, bồi dưỡng giảng viên... với tổng kinh phí 12 nghìn tỷ đồng. Lý giải về đề án nêu trên, Bộ GD và ÐT cho rằng, tỷ lệ giảng viên có trình độ TS ở nước ta hiện nay thấp, mới chiếm khoảng 21%. Nếu đào tạo thêm chín nghìn người thì cả nước mới có 30% số giảng viên có trình độ TS, chưa đáp ứng được một số mục tiêu đề ra trong phát triển đội ngũ giảng viên.

Việc dự thảo đề án và lý giải của Bộ GD và ÐT thu hút sự chú ý quan tâm của dư luận xã hội. Bởi mong muốn nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ giảng viên ÐH có chất lượng, trình độ cao là rất cần thiết. Tuy nhiên, số lượng TS tăng lên phải đi kèm với chất lượng trình độ, kết quả công việc được nâng lên. Thực tế cho thấy, kết thúc năm học 2016 - 2017, tổng số giảng viên trong các trường ÐH cả nước là 72.792 người, trong đó giảng viên có trình độ TS là 16.514 người; số giảng viên trong các trường cao đẳng sư phạm hiện nay là 3.388 người, trong đó giảng viên có trình độ TS là 115 người. Trong khi đó, chất lượng đội ngũ giảng viên vẫn còn là dấu hỏi lớn bởi nhiều cán bộ, giảng viên không tham gia nghiên cứu khoa học, chưa có bài báo đăng trên tạp chí khoa học trong nước và nước ngoài, trình độ ngoại ngữ còn hạn chế... Ðáng chú ý, thực trạng TS "giấy", đào tạo cấp bằng nhưng không bảo đảm chất lượng hoặc có bằng TS do trường nước ngoài cấp nhưng không được công nhận do trường "ảo", thậm chí là mua bằng đang gây bức xúc trong xã hội.

Ngoài ra, một số cơ sở đào tạo thiếu năng lực hoặc năng lực còn hạn chế nhưng vẫn đào tạo TS với số lượng lớn. Chương trình đào tạo TS không bảo đảm khối lượng kiến thức tối thiểu theo như quy định; chưa xây dựng, ban hành chuẩn đầu ra của các ngành, chuyên ngành đào tạo; chưa thực hiện việc công bố công khai chương trình đào tạo, mục tiêu, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo trên trang thông tin điện tử. Trong khi đó, một người hướng dẫn quá nhiều nghiên cứu sinh; không đúng môn, chuyên ngành hướng dẫn; sổ cấp phát văn bằng có hiện tượng tẩy xóa, sửa chữa… cho thấy chất lượng TS được đào tạo hiện nay đang có nhiều vấn đề đặt ra.

Việc đào tạo đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý cơ sở GDÐH có trình độ TS là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện cần dựa vào nhu cầu thực tế. Ðiều quan trọng, khi đào tạo TS cần bảo đảm chất lượng thay vì số lượng. Bộ GD và ÐT cần nghiên cứu, đánh giá một cách khách quan và trung thực nhất về thực trạng đào tạo TS hiện nay trước khi đưa ra đề án đào tạo chín nghìn TS. Bởi thực tế ngành giáo dục đã từng triển khai một số đề án đào tạo tiến sĩ (như Ðề án 911) tốn nhiều nghìn tỷ đồng nhưng đều không đạt được mục tiêu đề ra. Các cơ sở GDÐH có đào tạo TS thực hiện nghiêm mục tiêu đào tạo nhân lực chất lượng, trình độ cao cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước chứ không phải đào tạo TS "giấy" để tăng nguồn thu cho nhà trường. Trong phát triển đội ngũ, các trường ÐH cần xác định năng lực, trình độ thực tế của giảng viên có trình độ TS trên cơ sở kết quả đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu chứ không phải chỉ dựa vào bằng cấp. Bởi nếu dựa vào số lượng thay vì chất lượng TS, sẽ lại tiêu tốn hàng chục nghìn tỷ đồng mà kết cục vẫn không có nguồn nhân lực chất lượng cao như mong muốn.