Trong 8 tháng qua, toàn tỉnh Lâm Đồng có 832 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký hơn 4.022 tỷ đồng, giảm 9,5% về số doanh nghiệp và giảm 42,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2023; 693 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 30,3%; 172 doanh nghiệp giải thể, tăng 5,5%. Hiện tại, Lâm Đồng có hơn 14.300 doanh nghiệp còn pháp nhân hoạt động, với số vốn đăng ký hơn 173.900 tỷ đồng; 571 hợp tác xã, tổng số vốn điều lệ đăng ký hơn 1.199 tỷ đồng, với hơn 75.300 thành viên; cùng 5 liên hiệp hợp tác xã và 436 tổ hợp tác.
Về tình hình thu hút đầu tư, 8 tháng qua, toàn tỉnh có 1 dự án đầu tư cấp mới với tổng vốn đăng ký 35 tỷ đồng; có 24 dự án điều chỉnh nội dung đầu tư, tổng vốn đầu tư điều chỉnh tăng hơn 3.870 tỷ đồng. Toàn tỉnh thu hồi, chấm dứt hoạt động 6 dự án đầu tư và chấm dứt một phần hoạt động của 4 dự án đầu tư.
Gia Lai tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho ngành vật liệu xây dựng
Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa ban hành công văn về triển khai thực hiện giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi-măng, sắt thép và vật liệu xây dựng thực hiện Chỉ thị 28/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Hiệp hội Doanh nghiệp, Hội Doanh nhân trẻ, Hội Nữ doanh nhân tỉnh, căn cứ chức năng, quyền hạn được giao chủ động triển khai thực hiện 4 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Chỉ thị 28/CT-TTg. Trong đó, tập trung rà soát các cơ chế, chính sách, thể chế để khuyến khích đầu tư phát triển ngành vật liệu xây dựng nhanh và bền vững, phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; chủ động đổi mới, áp dụng linh hoạt công nghệ cao, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn để giảm giá thành, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm; chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống hàng giả, hàng nhái, mở rộng thị trường cả trong và ngoài nước, đẩy mạnh đầu tư công; đẩy mạnh hợp tác đầu tư, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ, quản trị doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả, tiết kiệm nguyên, nhiên liệu, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường trong lĩnh vực vật liệu xây dựng.
Phát hiện nhiều hiện vật mới tại di chỉ Thác Hai, huyện Ea Súp
Bảo tàng Đắk Lắk vừa tổ chức hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khai quật lần thứ 3 năm 2024 tại Di chỉ khảo cổ học Thác Hai nằm trên địa bàn thôn 6, xã Ia Jlơi, huyện Ea Súp.
Bảo tàng Đắk Lắk báo cáo kết quả các hiện vật thu được trong đợt khai quật lần 3 năm 2024 tại Di chỉ khảo cổ học Thác Hai. (Ảnh CÔNG LÝ) |
Di chỉ khảo cổ học Thác Hai đã được Bảo tàng Đắk Lắk phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia khai quật trong các năm 2021 và 2022, đã thu được nhiều di vật, hiện vật quý, độc đáo lần đầu được phát hiện trong khu vực Tây Nguyên; trong đó có bộ “Sưu tập mũi khoan đá Thác Hai” đã được công nhận là bảo vật quốc gia đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk.
Tại đợt khai quật lần 3 từ ngày 26/6 đến 28/7/2024, với diện tích khai quật 20 m2, Bảo tàng Đắk Lắk đã xác định được tầng văn hóa dày khoảng 2m, bên trong chứa các di tích như mộ táng, cùng nhiều di vật như: bàn mài, rìu, bôn; qua sàng đãi đã thu được hơn 1.000 hạt chuỗi bằng chất liệu thủy tinh, gần 3.000 mũi khoan và phác vật bằng các loại đá opal, jasper, silic, phtanite… cùng hàng vạn vảy tước. Đặc biệt, phát hiện 5 dọi se sợi nằm cạnh các mộ táng, đây là lần đầu tiên phát hiện hiện vật dọi se sợi tại các di chỉ khảo cổ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, chứng minh cho hoạt động dệt vải được phổ biến ở khu vực này.
Ngăn chặn kịp thời tình trạng mất trộm cây sâm Ngọc Linh
Trước tình trạng mất trộm sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã ban hành văn bản chỉ đạo các giải pháp ngăn chặn kịp thời tình trạng trên.
Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh và các đơn vị, địa phương có liên quan rà soát, nắm bắt tình hình các vụ việc mất trộm cây sâm Ngọc Linh trong thời gian gần đây; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các giải pháp để ngăn chặn kịp thời, không để xảy ra tình trạng mất trộm cây sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông liên tục xảy ra các vụ trộm sâm Ngọc Linh. Số lượng cây sâm Ngọc Linh bị trộm là hơn 1.200 cây có tuổi đời từ 3 đến 10 năm tuổi, gây thiệt hại lớn cho người dân và doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn.