Tham gia cuộc thi lần này có 14 đội tuyển sinh viên thuộc 11 trường đại học của các quốc gia thành viên MRC (gồm: Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam). Trong đó, có bốn đội tuyển sinh viên Việt Nam thuộc các trường: Đại học Thủy lợi, Đại học Cần Thơ, Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Đại học khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh).
Cuộc thi đưa ra nhiệm vụ cụ thể là phát triển công nghệ cảm biến đo xa để đo lường bốn chỉ số riêng: mực nước, lượng mưa, độ ẩm đất và chất lượng nước. Các bộ cảm biến này thường được lắp đặt trong các trạm riêng, hoặc ngoài trời trên các bờ sông, ở các khu vực nông nghiệp.
Các đội tham gia cuộc thi có thể thiết kế một trạm quan trắc phù hợp với địa hình, vị trí, thời tiết và chức năng của trạm; trạm có thể hoạt động dựa vào năng lượng mặt trời; hoặc có khả năng thu thập và gửi dữ liệu đo từ xa từ trạm đến máy chủ theo thời gian thực.
Trong hai ngày 30-31/3, các đội tuyển tham gia cuộc thi sẽ trình bày sản phẩm của đội mình trước Hội đồng giám khảo quốc tế do MRC lựa chọn. Ban Tổ chức sẽ chọn ra 4 đội chiến thắng cuộc thi theo bốn hạng mục, dựa trên các tiêu chí: độ chính xác, độ bền, hiệu quả chi phí và tính đổi mới.
Lễ trao giải dự kiến diễn ra vào chiều 3/4. MRC cũng có kế hoạch triển khai công nghệ của các đội chiến thắng trên dòng sông Mekong.
Sinh viên Đại học Cần Thơ trình bày sản phẩm của đội mình với Hội đồng giám khảo. Ảnh: Hải Tiến |
Theo Ban Tổ chức, sản phẩm của cả 14 đội tham gia cuộc thi sẽ được trưng bày tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Lào để lãnh đạo các nước MRC và quan khách tham dự Hội nghị cấp cao MRC lần thứ 4 và các Hội nghị quốc tế (từ ngày 2-5/4/2023) tham quan.
Đại diện MRC cho biết, đây là lần đầu tiên MRC phát động một cuộc thi dành cho sinh viên các trường đại học trong khu vực, với mục tiêu phát triển công nghệ bền vững và hiệu quả về chi phí nhằm giám sát mực nước, lượng mưa, độ ẩm đất và chất lượng nước sông Mekong.
Hiện MRC đang duy trì khoảng 250 trạm quan trắc theo dõi các yếu tố ảnh hưởng đến sông Mekong, dòng sông lớn nhất Đông Nam Á, bao gồm thủy văn, lượng mưa, chất lượng nước, hệ sinh thái, nghề cá và hạn hán. Tuy nhiên, hầu hết công nghệ quan trắc hiện nay đều phụ thuộc vào trang thiết bị nhập khẩu từ có giá thành cao.
Theo TS Anoulak Kittikhoun, Giám đốc điều hành Ban Thư ký MRC, các giải pháp “cây nhà lá vườn” không những có chi phí rẻ hơn, mà còn giúp phát triển năng lực chuyên môn trong khu vực và mang lại những lợi ích khác. TS Anoulak Kittikhoun cũng bày tỏ tin tưởng người dân trong khu vực có thể tự giải quyết các vấn đề của sông Mekong thông qua đổi mới, sáng tạo về công nghệ.