Trình diễn cho chúng tôi thấy cách thức hoạt động của một giải pháp ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo là tổng đài giải đáp phòng, chống dịch của tỉnh Thái Bình, cán bộ của Trung tâm Không gian mạng Viettel đã gọi đến tổng đài và hỏi: “Tôi từ Hà Nội về Thái Bình nghỉ Tết Nguyên đán thì có phải cách ly không?”. Chỉ sau vài giây, “trợ lý ảo” trả lời: “Theo các văn bản hiện hành của tỉnh, người dân cần thực hiện khai báo y tế với chính quyền địa phương trước khi về nhà hay nơi lưu trú…”. Khi người dùng không hỏi thêm câu nào nữa, “trợ lý ảo” nói lời tạm biệt người sử dụng. Với tính năng tương tác tự nhiên, thân thiện, những người trải nghiệm tỏ ra hài lòng.
Tổng đài nêu trên là giải pháp công nghệ ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực xử lý tiếng nói và ngôn ngữ tự nhiên, có khả năng tiếp nhận 600 cuộc gọi cùng một thời điểm, do Trung tâm Không gian mạng Viettel phát triển để đáp ứng yêu cầu thực tiễn của địa phương. Trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh thời gian qua, nhiều tỉnh, thành phố đã kịp thời đưa công nghệ này vào hỗ trợ quản lý, như: Tổng đài hỗ trợ giải đáp hành chính công tỉnh Hậu Giang; tổng đài nhắc nhở người dân cài đặt ứng dụng Bluezone (nay là PC-Covid) tại các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương... Ưu điểm của các ứng dụng là giải đáp được số lượng nội dung lớn mà con người khó có thể nhớ, giải đáp vào bất cứ thời điểm nào, tiết kiệm thời gian, nhân lực và hạn chế tiếp xúc. Thí dụ, tổng đài nhắc nhở người dân cài đặt ứng dụng Bluezone thực hiện gần hai triệu cuộc gọi trong một ngày, năng suất gấp từ 3 đến 4 lần so với sử dụng nhân lực.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Không gian mạng Viettel Đặng Đức Thảo, dịch Covid-19 đã thúc đẩy nhu cầu chuyển đổi số của tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Bên cạnh lĩnh vực y tế, nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo đã được triển khai trong lĩnh vực hành chính công, giao thông, tài chính ngân hàng. Vừa qua, Tòa án nhân dân tối cao đã đưa vào sử dụng nền tảng xét xử trực tuyến, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự tham gia phiên tòa tại địa điểm ngoài phòng xử án. Giải pháp này giúp khắc phục những khó khăn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, giảm thời gian đi lại cho người dân, cơ quan, tổ chức, từ đó tiết kiệm chi phí cho xã hội. Một số địa phương đã thúc đẩy ứng dụng Smart city với công nghệ trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực thị giác máy tính để quản lý giao thông, an ninh trật tự trên địa bàn. Ứng dụng này cho phép phân tích và xử lý tự động các tín hiệu gửi về từ camera giao thông để phân loại phương tiện, đếm lưu lượng xe, nhận diện biển số xe, phát hiện và xử lý các vi phạm. Giá trị mang lại là xử lý nhanh chóng hành vi vi phạm, tiết kiệm thời gian cho lực lượng chức năng, chi phí cho Nhà nước và giảm tiếp xúc trực tiếp. Từ dữ liệu thu thập, phân tích, nhiều địa phương đã khai thác phục vụ truy vết phương tiện ra vào địa bàn phục vụ công tác phòng, chống dịch. Đến nay, ứng dụng này đã được triển khai tại: Sầm Sơn (Thanh Hóa), Hải Châu (Đà Nẵng), Hưng Yên, Quảng Trị,…
Theo các chuyên gia về công nghệ, trí tuệ nhân tạo là động lực thúc đẩy đáng kể trong sự phát triển xã hội và nền kinh tế. Nghiên cứu của Công ty Acenture, đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ về công nghệ thông tin cho biết, trí tuệ nhân tạo có khả năng thúc đẩy gấp hai lần tốc độ phát triển kinh tế và tăng 40% năng suất lao động tại các nước phát triển cho đến năm 2035. Nhiều quốc gia bắt đầu ghi nhận xu thế phát triển tất yếu và tác động chuyển đổi to lớn của trí tuệ nhân tạo trong mọi mặt của đời sống xã hội.
Tại Việt Nam, nhận thức được tầm quan trọng của công nghệ trí tuệ nhân tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đề xuất Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030. Chiến lược đã được Chính phủ phê duyệt vào tháng 1/2021, với mục tiêu đưa Việt Nam vào bốn nhóm nước dẫn đầu ASEAN trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, hướng tới xây dựng thành công 10 thương hiệu trí tuệ nhân tạo uy tín trong khu vực. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã ban hành kế hoạch triển khai chiến lược nêu trên. Một trong các nhiệm vụ đặt ra tại kế hoạch là mở rộng các dự án xây dựng dữ liệu cộng đồng theo hình thức của đề án Hệ tri thức Việt số hóa; kết nối các cộng đồng nghiên cứu trí tuệ nhân tạo, cộng đồng khoa học mở ở Việt Nam; tổ chức hoạt động kết nối các cộng đồng học thuật, nghiên cứu, cộng đồng nghề nghiệp phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu trong nước và nước ngoài. Hiện, một số đơn vị đã hình thành được nền tảng có tính dẫn dắt thị trường về ứng dụng công nghệ tại Việt Nam như: Viettel, VNPT, FPT, VIN… Một số đơn vị cho rằng, cần tham gia cuộc thi quốc tế để biết chất lượng, tính ưu việt của các giải pháp trí tuê công nghệ nhân tạo của Việt Nam so với thế giới.
Rất nhiều bài toán thực tiễn của các địa phương, bộ, ngành đang cần tới các giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Thí dụ lĩnh vực tài chính ngân hàng cần xây dựng các tổng đài thực hiện các cuộc gọi nhắc nợ, nhắc kỳ hạn thanh toán; lĩnh vực giao thông vận tải cần giải pháp công nghệ nhắc người dân thời hạn đăng kiểm phương tiện, giám sát lỗi vi phạm của chủ phương tiện trên đường cao tốc; lĩnh vực bảo hiểm xã hội thì các chủ hợp đồng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế cần được thông báo biến động của hợp đồng. Nhiều cơ quan, đơn vị cần có nền tảng công nghệ phân tích dữ liệu để lưu trữ, khai phá dữ liệu, góp phần hỗ trợ việc ra quyết định quản lý. Tuy nhiên, vấn đề khá nan giải là không ít địa phương, đơn vị còn mơ hồ, hoặc chưa quyết tâm ứng dụng công nghệ, thậm chí có địa phương xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh nhưng không có cơ chế để vận hành. Các nhà công nghệ kỳ vọng, hiệu quả ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong phòng, chống dịch thời gian qua sẽ góp phần làm thay đổi nhận thức của một số địa phương, từ đó góp phần thúc đẩy đưa công nghệ vào giải các bài toán thực tiễn.