Sâu, bệnh gây hại trên diện tích lúa hè-thu ở Tiền Giang

NDO - Vụ lúa hè-thu 2022, nông dân tỉnh Tiền Giang xuống giống khoảng 50.000ha. Trong đó, các huyện phía tây tỉnh xuống giống khoảng 27.000ha, các huyện phía đông xuống giống hơn 21.000ha. Trà lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh, đứng cái, làm đòng và chín...
0:00 / 0:00
0:00
Những cây lúa bị nhiễm sâu, bệnh đều phát triển kém.
Những cây lúa bị nhiễm sâu, bệnh đều phát triển kém.

Hiện, nhiều diện tích đã bị nhiễm bệnh cháy lá, rầy nâu, một ít diện tích bị nhiễm bệnh vàng lùn, nhiều khả năng ảnh hưởng đến năng suất. Một số loại sâu bệnh khác cũng xuất hiện khá nhiều trong vụ lúa này.

Mưa dầm, kéo dài trong nhiều ngày qua đã tạo điều kiện cho sâu, bệnh gây hại khá nhiều trên diện tích trồng lúa ở Tiền Giang. Mặc dù bà con nông dân đã tích cực phòng, ngừa nhưng thiệt hại vẫn xảy ra. Dọc theo tuyến kênh 7 Thướt thuộc xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè (Tiền Giang), nhiều khu ruộng ngả vàng do cháy lá, bệnh vàng lùn.

Ông Lê Văn Dứt ở xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè (Tiền Giang) trồng 1,5ha lúa giống OM18 được 1 tháng tuổi, cho biết: “Vụ lúa này sâu, bệnh gây hại nhiều. Gia đình tôi đã tích cực phòng, trừ nhưng nhiều chỗ đã bị cháy cục bộ; 1/4 diện tích lúa không phát triển và chắc sẽ ảnh hưởng đến năng suất”.

Huyện Cai Lậy là địa phương có diện tích lúa bị bệnh đạo ôn, cháy lá khá nhiều. Ông Nguyễn Văn Minh ở xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) mang bình thuốc ra ruộng để chờ nắng lên phun trừ bệnh cháy lá, đạo ôn. Tuy nhiên, do mưa dầm trong nhiều ngày qua, ông mang ra rồi lại mang về, trong khi bệnh cháy lá, đạo ôn ngày một nặng hơn.

Ông Minh cho hay: “Gia đình tôi canh tác được 0,6ha lúa giống OM5451. Hiện, trà lúa được hơn 1 tháng tuổi. Chưa năm nào ruộng lúa lại bị cháy lá, bệnh đạo ôn như năm nay. Tính ra, hơn 40% diện tích lúa sẽ bị ảnh hưởng năng suất khi thu hoạch”.

Theo nhiều bà con nông dân, nguyên nhân dẫn đến tình trạng sâu, rầy nhiều là do trong nhiều năm trở lại đây nước lũ không về, sâu rầy có dịp sinh sôi. Thêm vào đó, người dân trong những vùng đê bao khép kín, thấy nước lũ không về nên tranh thủ gieo sạ trước. Những diện tích này khi thu hoạch thì những cánh đồng khác vừa xuống giống.

Chính điều đó, sâu rầy di trú từ đồng này sang đồng khác. Thời tiết cũng ảnh hưởng không nhỏ. Trong vụ hè-thu năm nay, có những trận mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày, sau đó trời nắng như đổ lửa. Đây là điều bất thường so những năm trước.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang Võ Thị Kim Phương cho biết, hiện, diện tích nhiễm rầy nâu trên địa bàn gần 272ha; rầy phấn trắng khoảng 300ha; bệnh cháy lá khoảng 130ha. Ngoài ra, sâu cuốn lá, bệnh cháy bìa lá, ngộ độc phèn cũng xuất hiện trên nhiều diện tích lúa hè-thu 2022.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang khuyến cáo nông dân thăm đồng thường xuyên, theo dõi chặt chẽ diễn biến của rầy nâu trên đồng ruộng và mật số rầy nâu vào đèn để chủ động trong công tác phòng trừ. Mưa dầm, ẩm độ không khí cao tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh bạc lá, bệnh đạo ôn tiếp tục gia tăng diện tích nhiễm trong thời gian tới.

Vì vậy, nông dân bón phân cân đối, không bón thừa đạm, chăm sóc cho cây lúa khỏe kết hợp thăm đồng thường xuyên, nắm chặt diễn biến sinh vật gây hại để kịp thời đưa ra các biện pháp quản lý đạt hiệu quả cao, giảm thiệt hại năng suất.

Ở những ruộng lúa nhiễm đạo ôn lá giai đoạn sớm cần tiến hành phun ngừa bệnh đạo ôn cổ bông vào giai đoạn lúa bắt đầu trổ và phun lại lần 2 khi lúa đã trổ đều để bảo vệ năng suất, phẩm chất lúa.

Bà con nông dân cần theo dõi chặt chẽ diễn biến rầy phấn trắng trên đồng ruộng, nhất là trên những ruộng gieo sạ không theo lịch thời vụ chung, sạ dày và bón thừa phân đạm.