Cát xây dựng được khai thác từ các dòng sông bao giờ cũng lẫn một lượng bùn sét, chất hữu cơ. Với các con sông "đỏ nặng phù sa" như sông Hồng và một số sông khác ở miền bắc, miền trung và nhất là các dòng sông ở Nam Bộ thì lượng bùn, phù sa khá lớn.
Theo các nhà khoa học lĩnh vực vật liệu xây dựng thì hàm lượng bùn sét hữu cơ lẫn trong cát là tác nhân ngăn cản tiếp xúc liên kết giữa các hạt xi-măng thủy hóa với hạt cát, hạt cốt liệu trong bê-tông và vữa xây dựng. Cát càng lẫn nhiều loại tạp chất này càng làm giảm cường độ bê-tông, cường độ vữa.
Các tác hại của bùn, sét, hữu cơ lẫn trong cát làm ảnh hưởng đến chất lượng bê-tông, vữa, bắt buộc phải tăng lượng xi-măng cần thiết, làm tăng độ co ngót, gây rạn nứt của bê-tông, vữa.
Phần lớn cát được sử dụng vào bê-tông và vữa đều được sàng qua lưới sàng thủ công để loại trừ các hạt lớn, tạp chất lớn. Việc sàng cát tại công trường xây dựng vừa không bảo đảm kỹ thuật, không thể loại bỏ tạp chất phù sa sét, bùn hữu cơ mà còn gây ô nhiễm môi trường và phải mất chi phí vận tải các tạp chất, hạt lớn đến bãi rác.
Trước thực trạng nói trên, nhiều nhà nghiên cứu, thiết kế chế tạo đã đề ra nhiều giải pháp để góp phần nâng cao chất lượng cát xây dựng tại nơi khai thác. Ðã có nhiều dây chuyền sàng, rửa cát nhưng nổi bật nhất là công trình nghiên cứu chế tạo thiết bị, thiết lập dây chuyền công nghệ sàng rửa cát sạch của ông Võ Tấn Dũng, Công ty TNHH Xây dựng thương mại vận tải Phan Thành (TP Cần Thơ). Công ty Phan Thành đã nghiên cứu, chế tạo, lập dây chuyền công nghệ sàng rửa cát từ năm 2007 và đến nay đã cải tạo hoàn thiện đến thế hệ thứ năm. Hệ thống thiết bị công nghệ này cũng đã được các cơ quan quản lý nhà nước thẩm định, kiểm tra và sản phẩm công nghệ này đã đoạt Giải nhất tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật TP Cần Thơ lần thứ sáu năm 2011. Hệ thống thiết bị sàng rửa cát sạch đạt tiêu chuẩn cát xây dựng của tác giả Võ Tấn Dũng đã được Cục Bản quyền tác giả cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả và đã được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa kiểu dáng công nghiệp. Mới đây nhất, hệ thống thiết bị nói trên đã đoạt Giải nhất Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 11 (2010-2011), Giải thưởng WIPO của tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới lĩnh vực cơ khí.
Ðây là dây chuyền thiết bị công nghệ đơn giản, gọn nhẹ, được nghiên cứu thiết kế lắp đặt xử lý theo hệ thống từ khâu rửa, sàng, loại bỏ các chất bùn sét, hữu cơ, phân loại cỡ, mô-đun cát, tách cát hạt to làm bê-tông, cát nhuyễn để xây trát. Hệ thống nước rửa cát được quy tập, xử lý đạt mức cho phép trước khi thải ra môi trường. Với hệ thống sàng rửa cát do Công ty Phan Thành sáng chế, hàm lượng tạp chất bùn sét còn lại sau khi rửa không quá 0,8%; tháng 3-2012, Công ty Phan Thành đã có một nghiên cứu mới cải tạo hệ thống sàng rửa và phân loại cát, tỷ lệ bụi cát không vượt quá 0,4%. Việc sử dụng cát sạch này có thể làm tăng cường độ bê-tông từ 10 đến 20%. Bê-tông và vữa xây trát sử dụng cát sạch giảm được độ hút ẩm, giảm rêu mốc, giảm rạn nứt bề mặt vữa trát và chắc chắn sẽ góp phần tăng tuổi thọ công trình.
Ðiều đặc biệt khi sử dụng công nghệ sàng rửa cát của Công ty Phan Thành chi phí sàng rửa chỉ khoảng 50 nghìn đồng/m3. Nếu so với tổng số chi phí sàng cát tại công trường như hiện nay cộng với lượng phế thải bỏ đi, lượng xi-măng phải tăng thêm trong bê-tông và vữa, chi phí nhân công thì giải pháp này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ðây là giải pháp mang lại hiệu quả kinh tế, kỹ thuật, cải thiện môi trường. Nếu áp dụng các giải pháp sàng rửa cát đạt tiêu chuẩn yêu cầu, kiểm soát, loại trừ việc sử dụng cát không qua tuyển rửa, thì ngoài các lợi ích nêu trên sẽ còn giúp cho việc quản lý khai thác cát, chống được hiện tượng khai thác cát lậu, không phép gây ô nhiễm môi trường, gây sạt lở bờ sông. Rõ ràng, nếu áp dụng triệt để giải pháp này thì việc đăng ký sàng rửa cát bắt buộc phải gắn với giấy phép khai thác. Không có giấy phép thì không cho phép sàng rửa, không cấp địa điểm, diện tích đất để triển khai công nghệ sàng rửa.