Sáng kiến thu hẹp khoảng cách giàu nghèo

Theo báo cáo về bất bình đẳng thu nhập do Tổ chức Oxfam ở Anh công bố mới đây, khoảng cách thu nhập giữa nhóm người giàu nhất và nhóm người nghèo nhất thế giới cuối năm 2018 đã tăng lên mức kỷ lục. Một số giải pháp đã được đề xuất, trong đó có chính sách tăng thuế thu nhập cá nhân đối với người giàu.

Một khu nhà ổ chuột tại châu Âu. Ảnh DW
Một khu nhà ổ chuột tại châu Âu. Ảnh DW

Báo cáo của Oxfam cho biết, trong năm 2018, 26 tỷ phú sở hữu khối tài sản tương đương của 3,8 tỷ người nghèo nhất thế giới. Tổng tài sản của tất cả các tỷ phú đã tăng thêm 900 tỷ USD, đạt mức tăng trưởng 2,5 tỷ USD/ngày.

Từ năm 1988 đến 2011, thu nhập của nhóm 10% số dân nghèo nhất thế giới tăng 65 USD mỗi người, trong khi thu nhập của nhóm 1% người giàu tăng tới 11.800 USD, gấp 182 lần. Số lượng tỷ phú cũng tăng gần gấp đôi trong 10 năm qua, lên 2.208 người. Trong giai đoạn 2017-2018, trung bình cứ sau hai ngày lại có thêm một tỷ phú mới. Trong khi đó, 3,8 tỷ người thuộc nhóm nghèo nhất của nhân loại phải chứng kiến tài sản của họ sụt mất 11%.

Theo bà Ê.A-vra-mô-va, Chuyên gia Viện phân tích và dự báo xã hội, thuộc Học viện quản lý công và kinh tế quốc dân (RANEPA) của Nga, lý do chính khiến khoảng cách giàu nghèo liên tục được nới rộng có liên quan tăng trưởng kinh tế yếu kém. Theo bà, trong trường hợp nền kinh tế không được mở rộng, chỉ những người sở hữu tài sản và nguồn lực sẵn có mới giàu lên. Các nền kinh tế đang phát triển trong điều kiện như vậy khó có thể hoạt động hiệu quả, khi thị trường lao động bị thu hẹp và tiền lương không tăng. Tài nguyên càng ít, cơ hội càng nhỏ đi, thậm chí để duy trì mức độ hạnh phúc cũng là điều khó thực hiện.

Nghiên cứu của Oxfam cũng chỉ ra rằng, trong năm 2018, có 3,4 tỷ người phải sống dưới mức 5,5 USD/ngày. Khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn đang hủy hoại các nỗ lực chống nghèo đói, gây tổn thất cho nền kinh tế cũng như châm ngòi cho làn sóng bất bình diễn ra trên khắp thế giới. Báo cáo nhận định, tình trạng bất bình đẳng trên toàn cầu trở nên trầm trọng hơn, một phần do đầu tư không hợp lý vào các dịch vụ công như dịch vụ chăm sóc y tế và giáo dục, trong khi mức thuế thấp lại được áp dụng đối với các tập đoàn và các nhóm giàu có. Các chính sách và nỗ lực chống trốn thuế còn yếu kém.

Mức thuế thu nhập trung bình cá nhân ở các nước giàu giảm từ 62% năm 1970 xuống còn 38% năm 2013. Tỷ lệ trung bình này ở các nước nghèo là 28%. Ở nhiều quốc gia, một môi trường giáo dục tốt hay dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng vẫn còn là một khái niệm xa xỉ đối với người nghèo.

Phụ nữ và trẻ em là những nạn nhân chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do bất bình đẳng kinh tế gia tăng. Oxfam cảnh báo, trong khi các tập đoàn và nhóm siêu giàu hưởng lợi từ việc đóng thuế thấp, hàng triệu trẻ em gái không được đến trường và phụ nữ vẫn gặp nguy hiểm do thiếu chế độ chăm sóc sức khỏe kịp thời.

Để giảm bất bình đẳng giàu nghèo, Oxfam đề xuất một số giải pháp, trong đó tập trung việc sửa đổi luật thuế. Nghiên cứu cho rằng, chỉ cần 1% người giàu nhất thế giới đóng thêm 0,5% thuế tài sản, số tiền thu được đủ để giúp khoảng 262 triệu trẻ em đang thất học được tiếp cận giáo dục, đồng thời có thể cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho khoảng 3,3 triệu người.

Không ít quốc gia đánh thuế rất cao đối với người giàu, thí dụ Pháp và Thụy Điển. Nhiều quốc gia cũng đang xem xét điều chỉnh mức thuế đối với người có thu nhập cao. Giới chuyên gia cho rằng, hệ thống thuế của mỗi quốc gia có sự riêng biệt, do vậy, đề xuất tăng thuế thu nhập nên được xem xét và dựa vào khả năng hay điều kiện của từng quốc gia.