Sẵn sàng đi đầu, ứng phó kịp thời, hiệu quả với các thách thức an ninh phi truyền thống

Nhìn lại nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng, trả lời phỏng vấn của Báo Nhân Dân, đồng chí TÔ LÂM, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an đã đề cập nhiều vấn đề quan trọng nổi bật: Ðối phó thách thức an ninh phi truyền thống nằm trong tổng thể chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; nhận thức, hành động, dấu ấn nổi bật và những vấn đề tiếp tục đặt ra trong đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, nhất là với nhóm tội phạm về tham nhũng, chức vụ; kiểm soát quyền lực, thực hiện trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu xây dựng lực lượng công an trong sạch, vững mạnh trong thời gian qua và mục tiêu thời gian tới... Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
0:00 / 0:00
0:00
Ðồng chí Bộ trưởng Tô Lâm thăm hỏi, động viên gia đình liệt sĩ Nguyễn Ðăng Nhân, công an xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Ðắk Lắk.
Ðồng chí Bộ trưởng Tô Lâm thăm hỏi, động viên gia đình liệt sĩ Nguyễn Ðăng Nhân, công an xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Ðắk Lắk.

Phóng viên: Thưa đồng chí Bộ trưởng, tầm nhìn của Ðảng ta tại Ðại hội XIII về thách thức an ninh phi truyền thống (ANPTT) đã được hiện thực hóa từ nhận thức, lý luận cho đến thực tiễn quản lý ngành công an thời gian nửa nhiệm kỳ qua ra sao?

Ðồng chí Bộ trưởng Tô Lâm: Những năm gần đây, các vấn đề ANPTT nổi lên ngày càng gay gắt, nhất là an ninh mạng, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch Covid-19 đã đặt ra những khó khăn, thách thức chưa từng có tiền lệ, tác động mạnh mẽ, đe dọa nghiêm trọng, nhiều mặt đến lợi ích an ninh quốc gia, cuộc sống bình yên, hạnh phúc của người dân… Nhận thức rất rõ những nguy cơ, thách thức của ANPTT, lực lượng Công an nhân dân (CAND) luôn chủ động, gương mẫu đi đầu quán triệt sâu sắc, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng, nổi bật là:

Thống nhất nhận thức, nhận diện, chủ động tham mưu, xây dựng các chiến lược, chương trình, kế hoạch, sẵn sàng ứng phó kịp thời với các thách thức ANPTT trên từng lĩnh vực, bảo đảm thực thi có hiệu quả ở nước ta; trong đó, đã tham mưu với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng "Chiến lược tổng thể quốc gia phòng ngừa, ứng phó với các đe dọa an ninh phi truyền thống đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Ði đầu, đột phá trong triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp từ sớm, từ xa, chủ động về chiến lược đối phó có hiệu quả trước những nguy cơ, nhất là nguy cơ gây đột biến từ ANPTT. Thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trước Ðảng, trước nhân dân, trước đất nước.

Gương mẫu, đi đầu trong triển khai các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm "an ninh con người", bảo đảm mọi người dân được sống ấm no, tự do, hạnh phúc trong một môi trường xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, lành mạnh.

Bổ sung, hoàn thiện lý luận, chính sách, pháp luật về bảo vệ ANPTT, gắn kết bảo vệ an ninh truyền thống với bảo vệ ANPTT, nhất là việc ban hành Luật An ninh mạng và các nghị định, qua đó tạo nền tảng pháp lý vững chắc để bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia trên không gian mạng.

Chủ động hợp tác quốc tế thực chất, hiệu quả trong bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; xử lý các vấn đề ANPTT từ sớm, từ xa, trọng tâm là phòng chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm ma túy...

Phóng viên: Từ thực tiễn đối phó với các thách thức ANPTT, đặc biệt trong giai đoạn chống dịch bệnh, khôi phục kinh tế khó khăn vừa qua, theo đồng chí, đâu là những dấu ấn thành công nổi bật và vấn đề, bài học kinh nghiệm rút ra là gì?

Ðồng chí Bộ trưởng Tô Lâm: Dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, thường xuyên, sát sao của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư; hưởng ứng lời kêu gọi toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân chung sức, đồng lòng chiến thắng đại dịch Covid-19 của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, toàn lực lượng CAND đã gương mẫu, tích cực tham gia tuyến đầu phòng chống, ngăn chặn, đẩy lùi đại dịch; đồng thời giữ vững ổn định chính trị-xã hội, yên ổn lòng dân, bảo đảm an ninh trật tự phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ tính mạng và hạnh phúc của nhân dân. Qua đó, đã thể hiện rõ lực lượng CAND là lá chắn phòng chống dịch Covid-19, thanh bảo kiếm bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Qua thực tiễn đối phó với thách thức ANPTT đã rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu: (1) Giải quyết, đối phó với các thách thức ANPTT, nhất là phòng chống dịch bệnh phải đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, về mọi mặt của Ðảng; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, trước hết là trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, các cấp. (2) Chủ trương, chiến lược đối phó với thách thức ANPTT, phòng chống dịch bệnh phải xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, lấy người dân là trung tâm, là đối tượng bảo vệ, bảo đảm tính mạng, "an ninh con người", hạnh phúc của nhân dân. (3) Tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số với từng khâu trong công tác quản lý xã hội, góp phần tạo bước ngoặt đối phó với các thách thức ANPTT. (4) Xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại làm nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự, sẵn sàng đi đầu, ứng phó kịp thời, hiệu quả với thách thức ANPTT.

Phóng viên: Ðại hội XIII chỉ rõ phương châm: "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn". Trong cuộc đấu tranh đó, đấu tranh với nhóm các tội phạm về tham nhũng, chức vụ thời gian qua đã thu được kết quả nổi bật nào, bộc lộ những khó khăn, đặc điểm thách thức phi truyền thống ra sao? Giải pháp, đề xuất để hoàn thiện chính sách, pháp luật của ngành công an thời gian tới là gì?

Ðồng chí Bộ trưởng Tô Lâm: Công tác phát hiện, xử lý án tham nhũng, chức vụ từ sau Ðại hội XIII của Ðảng tiếp tục được chỉ đạo quyết liệt, có những bước tiến mới, nổi bật là: a/ Ðã chủ động nhận diện tội phạm, lựa chọn khâu đột phá để phát hiện, xử lý tạo sự lan tỏa theo đúng phương châm "xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực; xử lý một người để cứu muôn người" được nhân dân đồng tình, ủng hộ. b/ Phát hiện, điều tra, làm rõ nhiều vụ án xảy ra trên phạm vi rộng hoặc trong lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động có sự câu kết trong-ngoài với tinh thần xử lý nghiêm, xử lý đến cùng các sai phạm theo quy định của pháp luật, không bỏ lọt tội phạm; không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu sự can thiệp trái pháp luật của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào. c/ Kịp thời phát hiện, kiến nghị khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước về kinh tế, giảm thiểu nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm; tham mưu, hoàn thiện cơ chế, quy định pháp luật trong kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tạo nền tảng vững chắc cho công tác phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. d/ Các đối tượng đã "tâm phục, khẩu phục", nhận thức rõ sai phạm, ăn năn, hối lỗi, tự nguyện khắc phục hậu quả và hợp tác mở rộng vụ án, thu hồi tối đa tài sản cho Nhà nước; một số tội danh trước đây rất khó thu thập chứng cứ để chứng minh thì nay đã làm được; thậm chí, có trường hợp kết luận điều tra đủ tài liệu, chứng cứ để truy tố, xét xử vắng mặt người phạm tội, đây là trường hợp mới chưa có tiền lệ trong tố tụng...

Mặc dù công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực được triển khai quyết liệt nhưng tham nhũng, tiêu cực vẫn đang hiện hữu ở nhiều ngành, nghề, lĩnh vực; ngày càng tinh vi, phức tạp. Hành vi tham nhũng gây ra những hậu quả nghiêm trọng, làm chậm quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, làm giảm sút lòng tin của nhân dân với Ðảng, Nhà nước; ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực thi các chính sách phát triển kinh tế-xã hội, an sinh của đất nước. Ðây là những thách thức phi truyền thống đe dọa nghiêm trọng đến bảo đảm an ninh quốc gia, trong đó có an ninh chính trị, "an ninh con người".

Thời gian tới, cùng với việc nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, điều tra, xử lý các vụ án về tham nhũng, tiêu cực, Bộ Công an tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu hoàn thiện chính sách, pháp luật, góp phần phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, trọng tâm là: (1) Hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực, góp phần xây dựng Ðảng và phòng chống tham nhũng, tiêu cực; (2) Hoàn thiện cơ chế xử lý những phản ánh, tố giác về tham nhũng, tiêu cực, cơ chế bảo vệ người phản ánh, tố cáo và xử lý hành vi trù dập, trả thù người tố cáo. (3) Kiến nghị sửa đổi những văn bản quy phạm pháp luật mà thực tiễn điều tra đã chỉ ra có sơ hở, dễ bị lợi dụng.

Phóng viên: Ðể thực hiện mục tiêu Ðại hội XIII đề ra "Ðến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội, Công an tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu đến năm 2030 xây dựng QÐND, CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ", công tác kiểm soát quyền lực, thực hiện trách nhiệm nêu gương, xây dựng lực lượng CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ, đã và sẽ được tiếp tục tiến hành ra sao?

Ðồng chí Bộ trưởng Tô Lâm: Lực lượng CAND đã gương mẫu, đi đầu trong quán triệt, triển khai Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng, trong đó nổi bật là: (1) Tham mưu Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16/3/2022 về Ðẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 12 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mang tầm chiến lược, thể hiện sự quan tâm sâu sắc và niềm tin tưởng tuyệt đối của Ðảng, Nhà nước và nhân dân đối với lực lượng CAND. (2) Việc thực hiện quy định về công tác kiểm soát quyền lực đã tạo chuyển biến tích cực trong công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ của lực lượng CAND, đáp ứng yêu cầu kiện toàn, sắp xếp tổ chức, bố trí cán bộ theo mô hình tổ chức mới; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn những tiêu cực trong công tác cán bộ có thể xảy ra. (3) Lực lượng CAND luôn thể hiện rõ vai trò gương mẫu đi đầu trong thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; trong xây dựng, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật; trong chuyển đổi số quốc gia...; tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên CAND, nhất là lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị công an các cấp hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, gương mẫu đi đầu trong công tác, chiến đấu...; những tấm gương anh dũng hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ phòng chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; phòng chống thiên tai, tham gia, xung kích trên tuyến đầu trong phòng chống dịch Covid-19... là minh chứng rõ nét nhất về tinh thần hy sinh quên mình, "thức cho dân ngủ ngon, gác cho dân vui chơi, lấy niềm vui, hạnh phúc của nhân dân làm lẽ sống của mình" của lực lượng CAND.

Thời gian tới, toàn lực lượng CAND sẽ tiếp tục tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau: Trước hết, tập trung triển khai đồng bộ các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp về công tác xây dựng Ðảng, công tác chính trị, tư tưởng, công tác tổ chức cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng và Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị, xác định rõ phương châm "xây dựng con người là then chốt, xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ vừa hồng, vừa chuyên, là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên". Tập trung xây dựng, chỉnh đốn, nâng cao chất lượng các cấp ủy, tổ chức đảng trong CAND thật sự trong sạch, vững mạnh; thực hiện nghiêm các nguyên tắc sinh hoạt, hoạt động của tổ chức đảng, nhất là nguyên tắc tập trung, dân chủ để mỗi đảng bộ công an các cấp phải là đảng bộ mẫu mực, đi đầu trong xây dựng, chỉnh đốn Ðảng. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, quy tắc ứng xử CAND; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực. Thứ hai, tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, xung kích trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh. Gương mẫu đi đầu trong chuyển đổi số quốc gia, cải cách hành chính, cải tiến lề lối làm việc để phục vụ nhân dân. Nêu gương phải được thể hiện toàn diện trên tất cả các mặt công tác công an, cấp trên làm trước, làm gương cho cấp dưới theo phương châm "trên làm gương mẫu mực, dưới tích cực làm theo"; cán bộ, đảng viên trong CAND phải làm gương cho quần chúng. Thứ ba, tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ trong học tập thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy, trở thành việc làm tự giác, thường xuyên, hằng ngày, thành lối sống, nếp nghĩ, cách làm của mỗi đảng viên, cán bộ, chiến sĩ CAND. Ðồng thời, mỗi cán bộ, chiến sĩ CAND dù ở cương vị công tác nào cũng phải thường xuyên "tự soi", "tự sửa", tự tu dưỡng, rèn luyện để giữ cho mình thật trong sạch, thật vững vàng, không bị sa ngã trước mọi cám dỗ, xác định rõ mục tiêu, lý tưởng, tuyệt đối trung thành và hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; thấm nhuần tư tưởng "chỉ biết còn Ðảng thì còn mình", "danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất".

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí Bộ trưởng!